Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ra mắt vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

26/05/2022 | 08:17

Chào mừng Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và chào đón mùa hè 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” phục vụ các em thiếu nhi. Vở diễn gồm 3 phần: “Ngày hội tranh tài”, “Lên ngôi Chúa tể”, “Ngôi nhà chung”, với chủ đề về lòng nhân ái và tình đoàn kết tạo nên sức mạnh.

Ra mắt vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 - Ảnh 1.

Cảnh trong vở xiếc “Chúa tể rừng xanh”

Vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” kể về câu chuyện diễn ra trong một khu rừng già có rất nhiều loài muông thú sống chung với nhau. Sự phân chia lãnh thổ, thức ăn của các loài luôn bị tranh giành, không có sự công bằng, thú lớn bắt nạt các loài thú bé. Vì vậy các loài thú đưa ra một quyết định là hàng năm tổ chức ngày hội tranh tài, chọn ra con thú mạnh nhất để làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu rừng và công bằng cho muôn loài.

Xen lẫn giữa các cảnh trong vở diễn là các tiết mục xiếc mèo, xiếc dê, xiếc trâu, xiếc khỉ, xiếc lợn, xiếc chó, xiếc ngựa, xiếc vẹt, pa-tin, ảo thuật, tung hứng, xe chỉ, lắc vòng, đế kiếm trên lưng trâu, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng, quay thảm… hứa hẹn mang đến những màn biểu diễn vui vẻ, hài hước phục vụ các em thiếu nhi.

Vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” do NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo sản xuất. NSND Tống Toàn Thắng là tác giả và đạo diễn cùng ê kíp là các nghệ sỹ, diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, chúng ta phải tuân theo các công ước của quốc tế đã đưa ra về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc. Các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu xiếc. Thay vào đó, Liên Đoàn Xiếc Việt Nam đã chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi, gần gũi với con người. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu của khán giả nói chung và khán giả nhỏ tuổi nói riêng, Liên đoàn quyết định các chương trình cần sự xuất hiện của thú hoang dã, các nghệ sĩ sẽ đội lốt thú để biểu diễn. Việc thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của nghệ sĩ là phương pháp tiếp cận mới của Liên đoàn với khán giả trung thành của sân khấu xiếc truyền thống. Cách tiếp cận này vừa đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế, vừa đem tới những cảm xúc mới, không kém phần hấp dẫn, tính giải trí và giáo dục cao, tăng tính tương tác trực tiếp của nghệ sĩ với khán giả…

Cụ thể, với chương trình “Chúa tể rừng xanh”, tác giả đã cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu nội dung phù hợp với đối tượng khán giả trẻ em. Nội dung chương trình dựa vào một bài học trong sách giáo khoa lớp 1 nên hầu hết các em đều thuộc tên các loài thú, trong đó có nhiều loài thú hoang dã. Việc thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của nghệ sĩ trên sân khấu không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống mà còn giúp truyền tải các nội dung, thông điệp cho trẻ em dễ hiểu, nhất là khi các nhân vật có thoại. Cùng với các trò diễn, ngôn ngữ đặc thù của xiếc, hy vọng chương trình sẽ thu hút khán giả, đặc biệt là trẻ từ mầm non đến các em học sinh tiểu học.

Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, chương trình “Chúa tể rừng xanh” là bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú mới của Đoàn nuôi dạy thú, hướng tới phục vụ khán giả thiếu nhi, diễn theo lịch cố định vào thứ Năm hàng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương và phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường.

Các nghệ sỹ hy vọng mang đến cho các em thiếu nhi một chương trình xiếc hấp dẫn trong dịp hè 2022 với thông điệp về lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh tập thể.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×