Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án

15/04/2015 | 17:32

Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức hội nghị phổ biến “Quy hoạch tổng thể phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng năm 2030” và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch của Bộ VHTTDL, tại Hà Nội và TP.HCM.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe công bố Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 19/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng năm 2030” và công bố “Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch của Bộ VHTTDL”.

Theo đó, Quy hoạch đã đặt ra nhiều nội dung quan trọng như phát triển NTBD nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Phát triển NTBD theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành, vùng, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới...; Đẩy mạnh XHH hoạt động nghệ thuật biểu diễn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực... Rà soát nâng cấp, cải tạo một số nhà hát đang xuống cấp tại các địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp trang bị mới hệ thống phương tiện kĩ thuật phù hợp...

Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch của Bộ VHTTDL cũng có nhiều điểm quan trọng như Xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; Sửa đổi, bổ sung NĐ 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2013/ TT- BVHTTDL; Xây dựng Thông tư hướng dẫn việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Xây dựng cơ chế chính sách: Thông tư đấu thầu đặt hàng nhiệm vụ trong lĩnh vực NTBD có sử dụng ngân sách nhà nước; Xây dựng cơ chế, chính sách sưu tầm, phục hồi và phát triển nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền; Xây dựng Đề án về cơ chế đặc thù hỗ trợ ngân sách nhà nước đặt hàng, sáng tác các tác phẩm biểu diễn có chất lượng cao phục vụ chính trị; Đề án đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế cận cho các loại hình nghệ thuật truyền thống; đào tạo diễn viên cho nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương; dân ca vũ kịch...

 
NSƯT Tống Toàn Thắng - Liên đoàn Xiếc: “Chú ý tới lao động sáng tạo đặc thù của nghệ thuật,
 xây dựng cơ chế ưu đãi đối với nghệ sĩ có nhiều thành tích và giải thưởng cao là một trong những nội dung của Quy hoạc
h”
.

Các đại biểu tại Hà Nội và TP.HCM đều đánh giá cao những nội dung được đề cập trong Quy hoạch cũng như sự cần thiết của Quy hoạch đối với phát triển NTBD. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực NTBD có quy hoạch cụ thể với những lộ trình và những đầu mục quan trọng đề cập một cách tổng thể để phát triển NTBD một cách có định hướng mang tầm quốc gia. Tất cả các đối tượng liên quan tới NTBD đều thuộc đối tượng trong quy hoạch: Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên toàn quốc, các đơn vị NTBD công lập và ngoài công lập, các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc, các hội văn học nghệ thuật, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại VN.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cho rằng cần cụ thể hoá hơn thời gian thực hiện các nội dung trong kế hoạch thực hiện quy hoạch, đặc biệt là ưu tiên đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện các đề án như: Đề án về cơ chế đãi ngộ đối với các nghệ sĩ có nhiều thành tích và giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế; Đề án về cơ chế đặc thù hỗ trợ ngân sách nhà nước đặt hàng, sáng tác các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn có chất lượng cao; Luật Nghệ thuật biểu diễn… Ông và nhiều đại biểu rất mong muốn lộ trình lập các đề án và tiến độ thực hiện cần được cụ thể, rõ ràng, làm sao đảm bảo các nội dung đưa ra sẽ không bị đi chậm so với sự phát triển của đời sống...

Trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch, Bộ VHTTDL đã đề cập tới nội dung “Nâng cấp, cải tạo các công trình nghệ thuật biểu diễn có quy mô phù hợp, trong đó có ưu tiên cho các địa phương thuộc các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Đại diện của Sở VHTTDL và đơn vị nghệ thuật của Hà Giang và Bắc Kạn đều chia sẻ những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp ở miền núi. Các đại biểu cho rằng Nhà nước cần ưu tiên hơn các địa bàn này bởi việc đi lại biểu diễn và hoạt động rất khó khăn, mong muốn Quy hoạch không chỉ quan tâm về điều kiện nhà rạp mà còn đổi mới trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu bởi hiện nay các trang thiết bị kỹ thuật ở nhiều địa phương đều đã xuống cấp và quá lạc hậu.

Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết lãnh đạo tỉnh đã nhất trí tạo điều kiện quỹ đất cho đơn vị nhưng rất mong Bộ VHTTDL đưa việc xây dựng nhà hát vào kế hoạch trong triển khai quy hoạch để có kinh phí xây dựng. Mặt khác, một vấn đề tồn tại lâu nay đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là địa phương, đó là chưa biết giải quyết chế độ thế nào đối với lực lượng diễn viên chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại không còn khả năng biểu diễn trên sân khấu. Lớp anh chị nghệ sĩ lớn tuổi vẫn trong biên chế khiến các đơn vị nghệ thuật khó có thể thực hiện thanh xuân hoá đội ngũ diễn viên. Tuổi nghề thấp, chế độ lương, phụ cấp không đủ sống đã khiến các đơn vị khó có thể thu hút được các diễn viên trẻ tài năng trụ lại, không ít các diễn viên trẻ đã phải bỏ nghề.

Ông Hoàng Minh Thư, Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cho biết hiện nay đoàn đang gặp những khó khăn về kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự cho đơn vị như cần phải có hai phó đoàn, thành lập Phòng nghệ thuật hay nhận thêm nhạc công biểu diễn mới đáp ứng yêu cầu của dàn nhạc nhưng chưa được chấp thuận bởi lẽ từ trước tới nay ngành NTBD chưa có quy định cụ thể về bộ máy tổ chức, cơ cấu nhân sự cho các đơn vị nghệ thuật ở địa phương.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở VHTTDL Cà Mau đưa ra một thực tế mà rất nhiều các đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt: “Hầu hết các tỉnh ĐBSCL chưa được trang bị cơ sở vật chất; UBND tỉnh cấp kinh phí nhỏ giọt. Trang thiết bị âm thanh, ánh sáng xuống cấp, nơi tập luyện như ổ chuột làm sao sáng tạo, mỗi khi trời mưa phải dừng tập... Muốn phát triển nghệ thuật biểu diễn phải phát triển nguồn nhân lực. Nhưng hầu hết các tỉnh đều đang thiếu lực lượng kế thừa. Hiện nay chúng tôi không đủ nhân sự phải hợp đồng với các nghệ sĩ nhưng phải tự trả kinh phí. Mà chúng tôi là các đoàn phục vụ chính trị lấy đâu nguồn thu.Trong khi nghệ sĩ chuyên nghiệp đang già mà lực lượng kế thừa không có...”.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh đưa ra một con số so sánh quá chênh lệch về cát sê trong một chương trình: ca sĩ tự do là18 triệu nhưng nghệ sĩ công lập chỉ được 150 ngàn đồng. Chế độ chính sách cho nghệ sĩ quá thấp nên khó thu hút lực lượng nghệ sĩ trẻ yêu và theo nghề.

Trước những vấn đề khúc mắc của các đại biểu về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, về những quy định phụ cấp nghề và bồi dưỡng luyện tập biểu diễn đã quá lỗi thời…, ông Phạm Đình Thắng, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết đó cũng là những trăn trở của cơ quan quản lý nhà nước. Cục NTBD đã tổ chức khảo sát ở các địa phương thì thấy một thực tế rất rõ là hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ mang được Huy chương và danh hiệu về nhưng không được địa phương quan tâm, chăm lo động viên khích lệ sáng tạo. Hiện Bộ VHTTDL đã xây dựng Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên” với 4 nội dung chính gồm: Chế độ lương của nghệ sĩ, diễn viên; Chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn và phụ cấp ưu đãi đối với nghệ sĩ, diễn viên; Xét nâng ngạch không qua thi đối với nghệ sĩ đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và chế độ nghỉ hưu của nghệ sĩ, diễn viên. Đề án đã được trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×