Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quản lý lễ hội: Bộ VHTTDL luôn chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

14/02/2017 | 13:38

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã luôn chủ động, tích cực cung cấp thông tin, phản hồi trước những thông tin về những hành vi phản cảm, bạo lực trong một số lễ hội.


Quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực

Theo đó, trước mùa lễ hội, trực tiếp Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã trả lời trên bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí về công tác chỉ đạo, quản lý trong mùa lễ hội năm 2017.

Theo nhiệm vụ được phân công, các Thứ trưởng phụ trách cũng đã chủ động trả lời thông tin báo chí về một số hành vi phản cảm tại Lễ hội chùa Hương, hành vi cướp lộc hoa tre tại Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn (Hà Nội); cướp Phết (Phú Thọ)… mà các cơ quan báo chí đã phản ánh. Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trong Bộ cũng thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí.

Xác định quản lý nhà nước về lễ hội là nhiệm vụ quan trọng của Bộ, trong cuộc họp với Tổ công tác của Thủ tướng tại Bộ VHTTDL sáng 14/2, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTTDL, Trịnh Thị Thủy đã báo cáo là hàng năm, Bộ luôn có cuộc họp chuyên đề riêng để chấn chỉnh, quản lý lễ hội.



Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Bộ đã chủ động làm việc với các tỉnh có lễ hội lớn, lễ hội từng xảy ra hành vi bạo lực, phản cảm để cùng với các tỉnh lên phương án cho lễ hội. Ảnh: Thế Công

Với mùa lễ hội 2017, từ tháng 10 năm 2016, Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tổ chức, quản lý lễ hội. Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh các lễ hội, lễ kỉ niệm.

Năm 2017, Cục và các cơ quan khác của Bộ, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, đã tổ chức các đoàn kiểm tra, theo dõi các lễ hội có quy mô lớn. Bộ trưởng cũng chỉ đạo tập trung giám sát các lễ hội trước đó có biểu hiện phản cảm, bạo lực và yêu cầu cần chấn chỉnh ngay.  Nhờ vậy, những hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội đầu năm nay cơ bản đã được điều chỉnh.

Với một số địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, còn để xảy ra các hành vi phản cảm trong lễ hội, Bộ trưởng đã giao các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ phối hợp chính quyền địa phương kịp thời có biện pháp chấn chỉnh. Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông báo rõ quan điểm của Bộ với các lễ hội có hành vi biến tướng, trục lợi…

Hiện các đoàn kiểm tra của Bộ vẫn đang được triển khai, giám sát tại các địa phương. Thời gian tới, theo bà Trịnh Thị Thủy, Bộ sẽ sớm trình thêm dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về công tác này để Bộ có căn cứ tổ chức, chỉ đạo kịp thời với các địa phương.

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành cũng cho hay, công tác quản lý lễ hội năm nay có nhiều mặt tốt. Chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt, các ban tổ chức lễ hội của địa phương rất chuyên nghiệp. Nhân dân đồng tình với việc xóa bỏ những hành vi phản cảm trong lễ hội.

Báo cáo làm rõ thêm tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhận định, công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2017 đã tốt hơn, lễ hội phản cảm đã ít hơn, trật tự an ninh tại các địa phương diễn ra lễ hội đã tốt hơn.

Với các lễ hội lớn có hành vi phản cảm, bạo lực, Bộ chủ động mời các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu văn hóa tới các địa phương để tìm hiểu và giải thích cụ thể về từng lễ hội với chủ trương: bảo tồn các lễ hội có giá trị và phải loại bỏ các hành vi phản cảm. Một số lễ hội phải mời già làng, trưởng bản tới giải thích về ý nghĩa và những việc được và chưa được của lễ hội để các già làng, trưởng bản cùng giải thích cho dân làng...

Tuần sau, Bộ VHTTDL tổ chức sơ kết quản lý lễ hội

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đặc biệt nhấn mạnh, lường trước được các vấn đề về lễ hội, do vậy, ngay từ khi kết thúc mùa lễ hội năm ngoái, Bộ đã chủ động làm việc với các tỉnh có lễ hội lớn, lễ hội từng xảy ra hành vi bạo lực, phản cảm để cùng với các tỉnh lên phương án cho lễ hội và tổ chức vận động nhân dân. Tới trước mùa lễ hội năm nay, Bộ đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo. Do vậy, năm nay, các lễ hội đã giảm bớt hành vi phản cảm, bạo lực; công tác quản lý lễ hội đã có tiến bộ, ý thức của người dân được nâng lên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc nâng cao nhận thức của người dân là cả một quá trình. Có thể nơi này, nơi khác còn tồn tại lễ hội phản cảm thì Bộ VHTTDL với chức năng quản lý nhà nước của Bộ vẫn đang tiếp tục làm việc với các địa phương và cơ quan truyền thông để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền.

Tiếp thu truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về công tác quản lý lễ hội, trong tuần tới, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức sơ kết sau 2 tuần các lễ hội diễn ra để có chỉ đạo kịp thời với các địa phương với tinh thần, sau mỗi một mùa lễ hội, các hiện tượng tiêu cực, mê tín, hành vi phản cảm, trục lợi, biến tướng… phải được ngăn chặn.

Với các nhiệm vụ Thủ tướng giao Tổ công tác truyền đạt lại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng khẳng định, năm 2016, Bộ VHTTDL đạt được nhiều thành tựu lớn: khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh, thể thao đạt được nhiều thành tích ngoạn mục… Công tác lễ hội có nhiều tiến bộ, hành vi phản cảm đã giảm bớt.

Nhận định quản lý lễ hội là một lĩnh vực khó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước. Nếu địa phương nào còn để xảy ra quản lý yếu kém, sẽ tính vào điểm thi đua, bình xét cuối năm./.

Theo Báo Điện tử Tổ Quốc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×