Phú Thọ: Bảo tồn số các giá trị văn hóa lịch sử thông qua số hóa
22/04/2025 | 10:57Phú Thọ - vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với hơn 320 di tích đã được xếp hạng. Số hóa di tích được coi là một trong những phương pháp hữu hiệu để bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử trong thời đại số. Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số được triển khai có hiệu quả đã góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời quảng bá, phát huy các giá trị di sản đến đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Hạ Hòa quét mã QR tìm hiểu về di tích Chùa Mẳn
Số hóa di tích lịch sử thông qua mã QR là một trong những hoạt động nổi bật của tuổi trẻ Đất Tổ trong thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 20 công trình “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ” tại các di tích lịch sử, văn hóa. Hệ thống mã QR giới thiệu thông tin về các di tích lịch sử, văn hóa là phương thức hiệu quả để quảng bá, giới thiệu thông tin hữu ích nhất đến với người dân và du khách tham quan, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh. Ngay sau khi quét mã QR Code, người dân và du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin giới thiệu, quảng bá về địa điểm tương ứng với mỗi mã QR được quét trên website https://www.ditichphutho.vn.
Là địa phương có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng với tổng số 56 di tích lịch sử văn hóa, 100% các di tích, cụm di tích trên địa bàn thành phố Việt Trì đều có bảng check mã QR. Bảng mã QR code song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh được đặt tại ngay lối ra vào di tích thuận tiện cho người dân và du khách tra cứu thông tin. Đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh quảng bá về các di tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng của thành phố Việt Trì.
Sau khi thăm quan, trải nghiệm hát Xoan tại Đình Hùng Lô, chị Nguyễn Thị Phương Nhung ở Hà Nội chia sẻ: Khi quét mã QR code được đặt tại đây, tôi dễ dàng tìm kiếm được những hữu hiệu đối với du khách, đặc biệt là những người lần đầu tới đây. Đặc biệt, thông tin giới thiệu, thuyết minh bằng giọng nói tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi vừa di chuyển thăm quan vừa tìm hiểu thông tin về lịch sử, kiến trúc, văn hóa tại Hùng Lô.
Không chỉ ở thành phố Việt Trì, nhiều di tích lịch sử ở các địa phương trong tỉnh cũng được số hóa như: Đình Khoang, Đình Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn; Đền Mẫu Âu Cơ; huyện Hạ Hòa; Căn cứ Tiên Động, huyện Cẩm Khê; Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân, huyện Yên Lập; Chùa Hoàng Long, huyện Phù Ninh; Đền Du Yến, huyện Thanh Ba; Đình Đào Xá, huyện Thanh Thủy; Nhà lưu niệm Bác Hồ, huyện Lâm Thao; Đền thờ Lý Nam Đế và Đình Danh Hựu; Chùa Phúc Thánh, Đền Đức Bà, huyện Tam Nông...
Thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về di tích thông qua kho tàng dữ liệu số. Việc số hóa các di tích lịch sử văn hóa đã góp phần tích cực vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên quê hương Đất Tổ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, thu hút đông đảo du khách về với vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.