Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phong phú các hình thức trực tuyến hưởng ứng Ngày sách Việt Nam

26/04/2020 | 09:59

Dịch bệnh Covid - 19 đang tạo ra những thách thức đối với hoạt động thư viện truyền thống, nhưng đây cũng là thời cơ để ngành Thư viện cả nước sáng tạo, chuyển hướng hoạt động để bắt kịp với xu hướng mới, nhu cầu mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng và phát triển văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ.

Phong phú các hình thức trực tuyến hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh: Thư viện tỉnh Bình Định

"Ngày Sách Việt Nam 21/4" hàng năm là dịp tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc. Năm nay, Ngày sách diễn ra khi cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để góp phần vào cuộc chiến này, ngành Thư viện đã tham gia tích cực, thực hiện nghiêm túc quy định theo Chỉ thị, các thư viện đóng cửa phục vụ bạn đọc tại chỗ nhưng không có nghĩa là ngừng cung cấp dịch vụ. Sự vào cuộc nhanh chóng của ngành Thư viện là việc thúc đẩy các dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến, hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho mọi người. Cũng từ đó nhiều cách làm hay, nhiều mô hình mới đã ra đời để đáp ứng nhu cầu của người đọc.

Để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, góp phần giúp cho mọi người sử dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích, TS Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện đã có sáng kiến thiết lập kênh "Cùng bạn đọc sách: Truyền cảm hứng, Kết nối và Lan tỏa tri thức". TS. Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ: "Tôi thiết lập kênh này với mục đích truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức cho mọi người, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Kênh được thiết lập với mục tiêu ban đầu là góp phần giúp cho mọi người sử dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhưng về lâu dài, tôi mong muốn kênh này sẽ trở thành một địa chỉ quen thuộc, giúp mọi người vừa giải trí, vừa học tập một cách hiệu quả. Từ đó, sẽ lan tỏa tình yêu và niềm vui đọc sách, hình thành và khôi phục lại thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ".

Đặc biệt hơn, qua "Cùng bạn đọc sách", bạn đọc truy cập còn được thưởng thức các ca khúc truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu đọc sách. Trong đó, nhiều bài hát được phổ nhạc từ những bài thơ của TS. Vũ Dương Thúy Ngà. Các ca khúc nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khích lệ, động viên những người làm công tác thư viện, những người yêu sách, những người đã và đang miệt mài mang tri thức đến với cộng đồng, người dân trên mọi miền Tổ quốc. Kênh cũng được đa dạng hóa nội dung sách dành cho mọi đối tượng từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Toàn bộ sách được đăng tải dưới dạng âm thanh, tạo sự thuận tiện trong việc tiếp cận đối với người truy cập.

Phong phú các hình thức trực tuyến hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ảnh 2.

Kênh "Cùng bạn đọc sách" mới chỉ ra mắt gần 2 tuần đã thu hút hơn chục nghìn lượt xem.

Hưởng ứng Ngày sáng Việt Nam năm nay, các phương đã đẩy mạnh triển lãm, tuyên truyền trực tuyến. Nhiều địa phương đã thực hiện linh hoạt các chương trình. Một số thư viện tổ chức những chương trình qua mạng khá phong phú, cho phép bạn đọc tiếp cận đa chiều như Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã có những hướng đi mới mang lại hiệu quả cao, đó là mở rộng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, đặc biệt là qua 02 cuộc thi trực tuyến: "Tìm hiểu về Covid- 19 - Đẩy lùi dịch bệnh" và "Giới thiệu cuốn sách tôi yêu".

Sau khi phát động cuộc thi, Thư viện tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Kế hoạch và Thể lệ các cuộc thi tới nhân dân trên địa bàn tỉnh. Với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn, cách thức tham gia đơn giản, chủ đề độc đáo, các cuộc thi đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều bài dự thi ấn tượng và chất lượng với nhiều độ tuổi đến từ các địa phương khác nhau trên toàn tỉnh.

Với việc đổi mới các hoạt động tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020, thành công rõ nhất là chỉ sau một tuần bình chọn online của các cuộc thi, đã có thêm trên 1.500 lượt người truy cập và theo dõi trang Fanpage của Thư viện tỉnh. Như vậy, các cuộc thi đã thành công trong việc khơi gợi niềm đam mê đọc sách, góp phần khuyến khích cộng đồng cùng chung tay thúc đẩy văn hóa đọc, để thói quen đọc sách truyền thống không bị mất đi giá trị vốn có, không bị lấn át bởi các phương tiện nghe, nhìn trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng và phát triển văn hóa đọc - Ảnh 3.

Gia đình chị Nguyễn Thanh Huệ, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long hào hứng tham gia các cuộc thi trực tuyến do Thư viện tỉnh tổ chức. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Trong khi đó,  Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các Thư viện Quận huyện trên địa bàn thành phố thực hiện Triển lãm trực tuyến "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản Quyền Thế Giới 23/4".

Mục đích nhằm giới thiệu đến bạn đọc và công chúng các hoạt động phát triển văn hóa đọc, các bộ sưu tập có giá trị, các dạng tài liệu in và tài liệu điện tử, giúp bạn đọc tiếp cận nguồn tri thức phong phú, đa dạng, hữu ích đang lưu trữ tại hệ thống thư viện công cộng thành phố theo một cách thức hoàn toàn mới: tiện ích, linh động và thoải mái.

Triển lãm trực tuyến lần này cung cấp cho bạn đọc khoảng 1.000 tài liệu được giới thiệu tóm tắt, và hơn 4.000 tài liệu số có thể đọc được toàn văn, đợt triển lãm mong muốn mang đến cho bạn đọc một trải nghiệm mới nhằm khuyến khích mọi người quan tâm hơn đến việc đọc sách.

Thư viện tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức "Triển lãm tài liệu trực tuyến hưởng ứng Ngày sách Việt Nam" trên trang điện tử (thuviendaklak.org.vn) và trên facebook của Thư viện tỉnh. Với gần 2.000 bản sách điện tử theo các chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Biển đảo Việt Nam; Tác phẩm, tác giả Đắk Lắk; Sách thiếu nhi… được số hóa, xử lý và sắp xếp khoa học, dễ tra cứu, thuận tiện cho bạn đọc khi sử dụng thông qua máy tính, laptop, thiết bị di động.

Như vậy, dù ảnh hưởng của đại dịch, song ngày sách năm nay vẫn phát huy ý nghĩa bằng hình thức Online, qua đó đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn xã hội, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa kết tinh qua từng cuốn sách, để từ đó rút ra những bài học nhằm hoàn thiện bản thân trong cuộc sống.

Phong phú các hình thức trực tuyến hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ảnh 4.

Nhiều địa phương đã thực hiện linh hoạt các chương trình. Ảnh: Thư viện Long Khánh

Trong bối cảnh Việt Nam và Thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Luật Thư viện ra đời đã xác định một trong những nhiệm vụ của các thư viện là ứng dụng khoa học công nghệ. Chính vì thế, chúng ta càng thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam". Đề án khi được thông qua sẽ nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người sử dụng; Chủ động ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững.

Với việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện, các thư viện thực hiện liên thông, phát triển và đổi mới sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, tích cực truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, có khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của người sử dụng thư viện… Qua đó, góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng người dân Việt Nam toàn diện.

Phong phú các hình thức trực tuyến hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ảnh 5.

Ảnh minh họa (nguồn: Giáo dục và Thời đại)

Gia Huệ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×