Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hạnh phúc là không ai bị bỏ lại phía sau

28/06/2018 | 16:59

Muốn có hạnh phúc thì nhìn ở tầm quốc gia đất nước phải được độc lập, phát triển, người dân được sống trong hòa bình, tự do.

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 và Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tham dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Qua 5 năm triển khai đề án (2013-2018), đông đảo nhân dân đã biết tới Ngày Quốc tế Hạnh phúc, ý nghĩa của ngày này và tiếp nhận được nhiều thông tin về các chính sách an sinh xã hội. Thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” của Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã sáng tạo, thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, mang lại cảm xúc ấm áp, khơi gợi lòng yêu thương, nhắc nhở nhau về giá trị sống tốt đẹp.

Ý thức và hành động thiết thực trong xây dựng hạnh phúc gia đình, cộng đồng được nâng cao và cụ thể hóa. Các cấp, ngành, tổ chức tích cực và chủ động hơn trong công tác phối hợp, trong công tác tham mưu, lồng ghép thực hiện đề án hướng tới mục tiêu vì xã hội hạnh phúc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực công sở, bạo lực giới và góp phần giảm tệ nạn xã hội. Các địa phương đã huy động được nguồn lực xã hội trong các hoạt động, chương trình từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ, miễn phí, giảm phí, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc Hội nghị

Bên cạnh đề án về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 11 nhằm tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đấy nước; các mục tiêu cần đạt đến năm 2020 của  Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các chương trình, đề án, liên quan đến lĩnh vực gia đình. Sau một năm thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều bộ, ban, ngành thực hiện nhiều chương trình thiết thực.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cũng đã báo cáo Sơ kết 5 năm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản hướng dẫn về chủ đề, khẩu hiệu tuyên truyền, nội dung hoạt động gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ cũng có kế hoạch từng năm tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc.

Ở địa phương, nhiều tỉnh, thành đã ban hành Chỉ thị, Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm; chỉ đạo lồng ghép vào các chương trình kinh tế, xã hội. Các Sở VHTTDL Sở VHTT ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc gửi các cấp quận, huyện, cơ sở. Các ban, ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp lựa chọn, tổ chức hoạt động thiết thực nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, ngăn chặn bạo lực trong gia đình.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh… đã có những báo cáo về tình hình thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Muốn có hạnh phúc thì nhìn ở tầm quốc gia là đất nước phải được độc lập, phát triển, người dân được sống trong hòa bình, tự do. Việc phát triển đất nước phải thực sự bền vững, phát triển ở ngày hôm nay không được gây ảnh hưởng tới tương lai, không hủy hoại môi trường, cao hơn nữa là phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả mọi người đều là trung tâm của sự phát triển, tham gia vào các hoạt động phát triển...

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Ở tầm nhỏ hơn, trong cộng đồng, cơ quan, gia đình cần chung tay chia sẻ nhiều thông điệp yêu thương, làm nhiều việc tốt. Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động, chiến lược, đề án, dự án liên quan đến phát triển bao trùm, bền vững, trong đó đặc biệt lưu ý chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người bệnh hiểm nghèo... Dù đã có khá đầy đủ chính sách nhưng thực tế vẫn có nơi, có lúc chưa thực hiện tốt như mong muốn bởi các địa phương đang chịu sức ép phát triển kinh tế, tập trung nguồn lực vào các mục tiêu kinh tế trước mắt. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện các chương trình này...  

Quang cảnh Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Để có cuộc sống hạnh phúc cần tập trung 3 nhiệm vụ. Trước hết mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần có hiểu biết về luật pháp để không vi phạm pháp luật. Do đó, các đơn vị chức năng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân trong cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật đến người dân cũng cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, con người muốn có hạnh phúc lâu dài phải cần phải có niềm tin vào tương lai, vào những điều tốt đẹp.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Tương lai sẽ có rất nhiều điều cần phải làm, trong đó có việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cháu, thế hệ trẻ ở cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Việc giáo dục phải chú trọng hơn nữa việc dạy làm người cho con cháu từ khi còn thơ bé từ những việc nhỏ, đơn giản nhất để thế hệ con cháu trong tương lai là những con người nhân văn, có trí tuệ được khai mở, sáng tạo, có lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.../.

Hồng Hà- Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×