Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai giảng năm học mới của Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội
12/09/2017 | 15:59Ngày 12/9, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và chia vui với tập thể nhà trường, các em sinh viên nhân dịp năm học mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ niềm tự hào với các thầy cô giáo, sinh viên Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội về thành tích đào tạo của trường trong 57 năm qua. Từ mái trường này, nền sân khấu, điện ảnh, thiết kế mỹ thuật…đã được chắp cánh, trưởng thành; hàng chục ngàn diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý sân khấu, điện ảnh đã có mặt trên khắp nẻo đường của Tổ quốc, từ trong kháng chiến cứu nước cho đến công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Họ đã góp phần mang lại cho nhân dân cơ hội thưởng thức nghệ thuật, cao hơn nữa là định hướng phong cách thưởng thức nghệ thuật của người Việt, bồi đắp nền văn hóa hàng ngàng năm của dân tộc…Với bề dày thành tích, truyền thống quý báu đó, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng trong tương lai, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, để có thể sánh vai với các nước trên thế giới không thể chỉ bằng kinh tế mà quan trọng nhất là phải có văn hóa dân tộc. Người Việt Nam cần giữ gìn, bồi đắp, trao truyền cho thế hệ mai sau những giá trị đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, cùng với đó là hội nhập, mở cửa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc các quốc gia khác trên thế giới. Văn hóa còn thì dân tộc còn, nhiều nền văn hóa cùng tồn tại, phát triển thì nền văn minh nhân loại mới tiếp tục tỏa sáng.
Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu vẫn duy trì cách làm truyền thống thì văn hóa nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước khó đạt được như kỳ vọng. Trong giáo dục đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, thầy và trò Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng phải có sự đổi mới mạnh mẽ để không chỉ tạo ra nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân mà còn là định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần có những tác phẩm đỉnh cao, đóng góp vào kho tàng di sản của dân tộc và thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh nhà trường đã chú trọng chất lượng đào tạo, đi đầu trong kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia; có bước đi đúng trong hội nhập quốc tế; đã thành lập các trung tâm vừa nghiên cứu vừa đào tạo, từng bước làm dịch vụ. Đây là điểm mạnh nhà trường cần tiếp tục phát huy; nhà trường cần tiếp tục đổi mới về cơ chế quản lý, quản trị, trên tinh thần tự chủ, để không còn quy định hành chính theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ các cơ quan hành chính. Nhà nước sẽ hỗ trợ, cấp kinh phí để đào tạo ở một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, khó tuyển sinh, thiếu nhân lực, nhất là với ngành văn hóa, văn nghệ truyền thống. Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên, chỉ bằng cách đó nhà trường nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu, điện ảnh mới phát triển vững mạnh.
Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường, các em sinh viên cần nỗ lực nghiên cứu, đưa ra lộ trình cụ thể để góp phần đóng góp để phát triển văn hóa thành ngành công nghiệp có giá trị cao. Điều cần thiết là nhà trường cùng toàn ngành văn hóa cần tập trung tinh thần, có những bước đi ban đầu vững chắc để hình thành nền công nghiệp văn hóa, giúp văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho biết: Trường có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, thiết kế mỹ thuật và truyền hình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam và thực hiện thành công các mục tiêu về hội nhập quốc tế. Là một trường đặc thù chuyên đào tạo năng khiếu nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, truyền hình nên chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, hướng tới mục tiêu cụ thể, cấu trúc hợp lý giữa lý thuyết và thực hành.
Các chương trình đào tạo được xây dựng vừa theo hướng đào tạo cơ bản, chuyên sâu, vừa theo hướng đào tạo nhân lực cho hoạt động nghệ thuật sân khấu, điện ảnh trong cả nước, vừa có thể liên thông được các cơ sở đào tạo sân khấu – điện ảnh trong cả nước và quốc tế. Hiện nay có trên 40 ngành/chuyên ngành đào tạo với các bậc đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến tiến sĩ; ngoài ra còn được tổ chức tại nhiều cơ sở khác nhau do có sự liên kết đào tạo theo yêu cầu của một số địa phương.
Trong những năm gần đây, trường nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xã hội; rà soát điều chỉnh hệ thống khung chương trình, giáo trình đào tạo một số chuyên ngành theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo các ngành sân khấu, điện ảnh – truyền hình…/.
Dạ Minh- Đình Đạt