Phổ biến phim trên không gian mạng: Doanh nghiệp chủ động, tăng trách nhiệm
02/06/2023 | 15:54Các quy định của pháp luật về quản lý phổ biến phim trên không gian mạng hiện nay hết sức "mở", tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Phổ biến các quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện ảnh diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 2/6 do Thanh tra Bộ VHTTDL tổ chức. Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Tự chủ và tự chịu trách nhiệm
Theo ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, các doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL hoặc Cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.
Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm.
Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.
Gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh (về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh) và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm: Triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm và các nghĩa vụ theo quy định của Luật Điện ảnh (khoản 3 Điều 21). Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 4 Điều 21).
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đã đặt các câu hỏi về tiêu chí của hội đồng tự thực hiện phân loại phim; phim đã được đài truyền hình duyệt liệu có phải thẩm định trước khi phổ biến trên các nền tảng không gian mạng khác?
Ông Đỗ Quốc Việt thông tin: Tại Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Nghị định quy định rõ hơn về việc trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức nếu thực hiện tự phân loại phim phải gửi Hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL (Cục Điện ảnh) công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Hồ sơ và trình tự thủ tục được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Nghị định.
"Ngày 19 và 20/4/2023, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi các tổ chức, doanh nghiệp về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi phổ biến phim trên không gian mạng. Đến thời điểm ngày 02/6/2023, Cục Điện ảnh mới nhận được hồ sơ của 03 doanh nghiệp đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, trong đó có 01 Công ty có báo cáo thuyết minh giải trình đáp ứng yêu cầu và được công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và gửi hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng để Cục thẩm định, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam"- ông Đỗ Quốc Việt cho biết.
Cũng theo ông Đỗ Quốc Việt, tại Nghị định số 131/2022/NĐ-CP đặc biệt lưu ý nội dung quy định tại khoản 5 Điều 12: "Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện thực hiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng có kết quả phân loại phim không phù hợp với kết quả do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL thực hiện khi kiểm tra thì cần: thực hiện sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Đồng thời, được coi là chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim khi kết quả phân loại, hiển thị kết quả phân loại không phù hợp với kết quả phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL quá 05 lần trong vòng 01 tháng đối với Loại P, Loại T18, Loại T16, Loại T13 và 02 lần trong 06 tháng đối với Loại C thì phải thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh; Sau thời hạn 03 tháng, thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này để tiếp tục triển khai phân loại phim".
Các chủ thể trước khi phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL (Cục Điện ảnh) trước khi phổ biến phim trên không gian mạng. Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng để tiếp nhận thông báo.
Gỡ phim vi phạm
Theo Luật Điện ảnh năm 2022 và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023, Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý chuyên ngành, có thẩm quyền trực tiếp yêu cầu Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong vòng 03 đến 05 ngày đối với các nội dung vi phạm khác (khoản 2 Điều 15 Nghị định131/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số có trách nhiệm thực hiện: Triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan; Ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ VHTTDL.
Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông phải bảo đảm thực hiện: Thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ VHTTDL khi phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ VHTTDL. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 03 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.
Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo được áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim, trong đó bao gồm cả phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đó, bên cạnh 06 mức phân loại phim (Loại P, Loại K, Loại T13 (13 ), Loại T16 (16 ), Loại T18 (18 ) và Loại C, thông tư quy định 05 nguyên tắc chung và 07 tiêu chí để đánh giá mức phân loại bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; Tiêu chí về bạo lực; Tiêu chí về khỏa thân, tình dục; Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Tiêu chí về kinh dị; Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Về nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim đối với phim phổ biến trên không gian mạng phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P. Đồng thời, việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim, và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận được thông tin.
Cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật.
Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác.
Ngoài ra, về nguyên tắc thực hiện cảnh báo phải được thực hiện trước và trong quá trình phổ biến phim; việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: lời nói, chữ viết; hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 03 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 03 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.
Với những nguyên tắc trên, theo Chánh Thanh tra Bộ Lê Thanh Liêm, những điều kiện và quy định về phổ biến phim trên không gian mạng hết sức cởi mở cho các tổ chức, doanh nghiệp. Trên tinh thần các tổ chức, doanh nghiệp chủ động trong kiểm duyệt, thực hiện phân loại, cảnh báo… và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm./.