Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Con đường để thúc đẩy tiến bộ và phồn vinh
13/09/2022 | 14:40Ngày 12/9 tại Bảo tàng Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021". Đây là Hội thảo quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.
Công nghiệp văn hóa- ngành kinh tế mũi nhọn
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu là đến năm 2020 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Sau khi Chiến lược được phê duyệt, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần dần được coi là một động lực- vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…
So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới với mức tăng trung bình hằng năm đều đặn 10%. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cho biết, phát triển công nghiệp văn hóa còn là con đường để thúc đẩy sự "tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc". Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền. Công nghiệp văn hóa góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng. Bên cạnh đó, di sản văn hóa hiện còn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, trò chơi điện tử, điện ảnh,... từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và thương hiệu nhận diện cho những ngành này trong thị trường khu vực và thế giới.
"Ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa và cạnh tranh văn hóa trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia…", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.
Còn những khó khăn
Dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn. Việc định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm- dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn không ít rào cản.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao, cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
Đáng chú ý, nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc cùng khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Khảo sát nghiên cứu của VICAS cũng chỉ ra mức độ tiêu dùng sản phẩm công nghiệp văn hóa Hàn Quốc hiện nay đang cho thấy sự xâm chiếm mạnh mẽ thị trường tiêu dùng của sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam. Cụ thể, người dân thường xuyên xem điện ảnh của Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 67,4%, tiếp đến là thưởng thức âm nhạc (56,2%)... Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính bền vững và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.
Nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn về thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường. Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề về đào tạo và quản lý nhân sự theo hướng tăng cường khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến …
Tiến sĩ Lê Thị Cúc (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, nhận thức đóng vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đảng và Nhà nước cần có chủ trương và biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh về vai trò đặc biệt của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa do ngành công nghiệp văn hóa tạo ra, trong đó đề cao chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, giá trị tinh thần và bản sắc Việt Nam trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa...
Nêu kinh nghiệm từ nhiều nước trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa khuyến nghị, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn kết chính sách công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương; tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số, gắn kết với truyền thông mới…
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua việc tạo việc làm và mở cửa thị trường mới. Việt Nam sẽ thành công nếu huy động đúng mức các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, hấp dẫn./.