Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường, Dao ở Thanh Sơn gắn với phát triển du lịch

03/11/2022 | 10:03

Ngày 2/11, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Sở VHTTDL, UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch năm 2022.

Đây là hoạt động thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-BVHTTDL ngày 31.8.2022 của Bộ VHTTDL về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư đối với công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Hội nghị với sự tham gia của 200 công chức văn hóa xã, đại diện giáo viên tại các trường phổ thông, nghệ nhân, học viên là người dân tộc Mường, Dao đang sinh sống trên địa bàn các xã thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường, Dao ở Thanh Sơn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Các nghệ nhân, học viên dân tộc Mường, Dao trình diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết, công tác bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số do Bộ VHTTDL tổ chức tại các địa phương là hoạt động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số- chủ thể văn hóa, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đây là việc làm cấp thiết, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, mà còn góp phần gìn giữ vốn di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch.

Phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường, Dao ở Thanh Sơn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc phát biểu tại Hội nghị

Đồng thời, là dịp để các nghệ nhân, học viên là người dân tộc Mường, Dao, công chức văn hóa xã, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn huyện Thanh Sơn học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là việc trao truyền cho thế hệ trẻ vốn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu của cha ông. Qua đó, các giá trị văn hóa dân tộc Mường, Dao không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của ở Thanh Sơn, mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tại các bản, làng- bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.

Phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường, Dao ở Thanh Sơn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Hội nghị với sự tham gia 200 công chức văn hóa xã, đại diện giáo viên tại các trường phổ thông, nghệ nhân, học viên người dân tộc Mường, Dao đang sinh sống trên địa bàn các xã thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ

Ông Phạm Tú, Phó Chủ tịch huyện Thanh Sơn chia sẻ, với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mường, huyện đã  xây dựng Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đến năm 2025 gắn với phát triển du lịch. Đến nay, toàn huyện đã có 127 CLB văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng; 123 bộ nhạc cụ khác; 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường; phục dựng 03 di sản, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang.

Với sự quan tâm của Bộ VHTTDL, các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân địa phương, phát triển du lịch cộng đồng ở Thanh Sơn đã đạt được sự đồng thuận và ngày càng thu hút  đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Thanh Sơn đang có xu hướng phát triển ở nhiều bản làng vùng cao có phong cảnh đẹp với nhiều nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc, hình ảnh cọn nước, nhà sàn truyền thống gắn liền với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Một số nơi thu hút khách đến tìm hiểu phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao như Khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng; bản Chen, Chự, Hồ, xã Yên Sơn; bản Sinh Tàn, xã Thượng Cửu. Các điểm dừng chân trải nghiệm qua đường như Khu đồi chè xã Địch Quả, bãi hoa bờ Sông Đà xã Lương Nha...đã hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm bản, làng nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian.

Phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường, Dao ở Thanh Sơn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 4.

Nghệ nhân tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn văn hóa tại Hội nghị

Hàng năm, tại các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở huyện Thanh Sơn được tổ chức, với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú như Tết cổ truyền, Tết Hàn thực mùng 3 tháng Ba, tết hạ điền, Tết mùng 7 tháng 7 Tết Cầu lá lúa, Tết cơm mới mùng 10 tháng Mười của người Mường; lễ hội cầu mùa, lễ hội nhảy lửa, lễ hội Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân, thu hút khách du lịch đến Thanh Sơn.

Trong thời gian tới, để các mô hình du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả, huyện Thanh Sơn sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu về việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vận động bà con giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.

Cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc nói chung, dân tộc Mường, Dao nói riêng, hy vọng tới đây, các mô hình du lịch cộng đồng ở Thanh Sơn sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm, góp phần khơi dậy tiềm năng du lịch, thúc đẩy mọi lĩnh vực khác cùng phát triển tại địa phương- ông Phạm Tú cho biết.

Ngày 3/11, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL, UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tổ chức bảo tồn, phát huy "Tết cơm mới của dân tộc Mường" tại xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn. Trước đó, từ ngày 28/10 đến 1/11, các nghệ nhân và học viên người Mường xã Hương Cần đã tích cực trao truyền, hướng dẫn và tập luyện các nghi lễ, nghi thức và các tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ cho buổi lễ diễn ra trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, nhằm thu hút được sự quan tâm của người dân, du khách.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×