Phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL với 6 nội dung lớn
06/01/2022 | 16:42Sáng 6/1, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của ngành VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; nhằm "tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi", Bộ VHTTDL phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành với chủ đề "Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả".
Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL gồm 6 nội dung:
Một là: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, theo đó, trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật (Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình); nghiên cứu, rà soát xây dựng 03 dự án Luật (Luật Quảng cáo sửa đổi, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và Luật Nghệ thuật biểu diễn). Xây dựng trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư điều chỉnh các lĩnh vực chuyên môn.
Hai là: Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các đơn vị sự nghiệp trong Bộ nhằm nâng cao hiệu quả triển khai công tác quản lý, tham mưu và các hoạt động sự nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương theo hướng chủ động, trách nhiệm, xây dựng. Tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ba là: Thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó, triển khai hiệu của Kế hoạch thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2021-2025; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và nhu vầu sáng tạo văn hóa nghệ thuật của văn nghệ sĩ, trí thức. Chú trong xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.
Thứ tư là triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế, du lịch; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.
Củng cố, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tiếp tục phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu tiên xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa, bản đồ mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam.
Thứ năm là, tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác thể dục, thể thao, xây dựng Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao thể thao thành tích cao trên trường quốc tế, trong đó, tập trung cao độ cho công tác tổ chức SEA Games 31; tăng cường đầu tư, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự ASIAD 19; tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XI đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19. Phấn đấu số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35,6%, số gia đình tập luyện thể dục, thể thao đạt đạt 26,9%. Phấn đấu đạt từ 3-5 huy chương vàng tại ASIAD 19; giữ vững vị trí là một trong 3 nước đứng đầu và tổ chức thành công SEA Games 31.
Thứ sáu, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; phát triển công nghệ sách và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng "mỗi tình có một sản phẩm du lịch độc đáo". Năm 2022, phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu du khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. Tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2022.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy kêu gọi các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vấn động viên, học sinh, sinh viên và người lao động trong toàn ngành hưởng ứng, tổ chức triển khai có hiệu quả để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới./.