PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Những thành tựu văn hóa đã lan tỏa, tạo động lực phát triển cho đất nước
06/02/2019 | 23:14Năm 2018, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước. Những thành tựu của ngành góp phần lan tỏa tinh thần phấn khởi trong xã hội, tạo động lực phát triển cho đất nước.
Nhân dịp đầu Xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia về những thành tựu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời gian qua.
Năm 2018, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Trong những thành tựu đó, ông có ấn tượng sâu sắc với thành tựu nào, thưa ông?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2018, được sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tích cực của Ban, Bộ, Ngành, đoàn thể và ủng hộ của UBND các tỉnh/thành, ngành VHTTDL trong cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Vấn đề quan trọng trong văn hóa đó là tạo được không khí tích cực và vui vẻ trong toàn xã hội
Trong đó, đã báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 Nghị định, 03 Quyết định.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh hoạt động lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục, không để xảy ra hiện tượng phản cảm.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Hội nghị "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững" với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy góp phần phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho các địa phương.
Năm 2018, 11 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng xếp hạng, 22 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia; 43 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức tốt công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam"; xây dựng hồ sơ "Xòe Thái" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình UNESCO.
Thể thao Việt Nam có bước tiến vượt bậc tại ASIAD 2018 với nhiều huy chương ở các môn Olympic, Đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại giải vô địch bóng đá Đông Nam Á sau 10 năm chờ đợi tiếp nối, chiến thắng của đội tuyển U23 giành ngôi Á quân tại Giải vô địch U23 châu Á đem lại niềm vinh dự, tự hào dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Du lịch Việt Nam lần đầu tiên được vinh danh là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2018; khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017, tăng 2 lần so với năm 2015.
Với những thành tựu trên, ngoài những câu chuyện về số lượng khách du lịch gia tăng, ngoài những câu chuyện về những thành tích trong thể thao hay di sản văn hóa đã được bảo vệ, khai thác hiệu quả, hợp lý và những vấn đề khác thì tôi thấy một vấn đề quan trọng trong văn hóa đó là tạo được không khí tích cực và vui vẻ trong toàn xã hội. Từ những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã tạo bầu không khí tích cực, không khí đó sẽ ảnh hưởng, lan tỏa trong toàn xã hội, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực khác, từ đó sẽ tạo động lực phát triển cho đất nước trong những năm sắp tới.
Đó là những cái quan trọng hơn cả, là sự kết tinh, kết quả của tổng hợp những yếu tố khác. Như là Cúp vô địch AFF cup của đội tuyển bóng đá Việt Nam, hay là con số ấn tượng trong 16 triệu khách du lịch hay các di sản của chúng ta ngày càng được bảo vệ tốt hơn, khai thác tốt hơn, trở thành những động lực phát triển của đất nước.
Đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) sau 10 năm chờ đợi
Ông có cho rằng, kết quả vượt bậc của ngành trong năm 2018 là thành quả của nhiều năm phấn đấu, nỗ lực?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tất nhiên, những kết quả đạt được của ngày hôm nay bao giờ cũng là sự kế thừa và là kết quả của rất nhiều những hoạt động khác nhau. Từ những nỗ lực của chúng ta ngay chính ngày hôm nay đến những nỗ lực, định hướng của những năm trước của các cấp các ngành và toàn xã hội.
Chúng ta phải nhận thấy rằng, từ khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ban hành đã tạo động lực căn bản để các cấp các ngành, các địa phương triển khai tinh thần của Nghị quyết vào các hoạt động cụ thể của từng ngành, từng địa phương. Các chiến lược phát triển, các ngành công nghiệp văn hóa, các văn bản, quy định từ Trung ương đến địa phương đã giúp cho thành tựu ngày hôm nay đạt kết quả. Và chắc chắn trong thời gian sắp tới, những kết quả tốt hơn nữa tiếp tục đạt được từ những gì chúng ta đã làm, đã quyết tâm cho lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh các thành tựu văn hóa, thể thao, du lịch có thể đong đếm lượng bằng số lượng, huy chương… thì có một vấn đề được nhắc đến khá nhiều là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Ông có thể cho biết đánh giá của ông về vấn đề này?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thực trạng đạo đức xã hội đang xuống cấp là có thật và chúng ta cần phải thừa nhận điều đó. Dẫn chứng tiêu biểu, nếu tra cụm từ "đạo đức xã hội xuống cấp" thì chỉ trong 0,62s đã có hơn 17 triệu kết quả. Con số này là chỉ báo cho thấy tình hình đã rất nghiêm trọng và được nhiều người đề cập trên mạng.
Hàng ngày nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như thầy cô đánh học sinh, học sinh đánh nhau, đánh lại cả thầy cô; người mẹ sinh con rồi bỏ rơi đâu đó dù xã hội phương Đông đề cao tình mẫu tử; những vụ án giết người chỉ vì một vài lý do nhỏ nhặt đến khó tin...
Đạo đức xuống cấp còn thể hiện ở sự vô cảm ngày càng phổ biến. Người ta thấy điều xấu không lên án, thấy điều tốt không tôn vinh; thậm chí có những người sẵn sàng làm điều xấu, bất thường, đi ngược lại các giá trị đạo đức nhưng lại cho đó là bình thường.
Xã hội đang có những biểu hiện rối loạn trong nhiều lĩnh vực và theo tôi, đạo đức xuống cấp nhanh từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới. Đời sống kinh tế, vật chất tốt hơn, nhưng nhiều giá trị đạo đức, văn hóa cũng bắt đầu lu mờ. Tất nhiên không phải xã hội trước đây hoàn toàn tốt đẹp như nhiều người vẫn ao ước. Đơn cử lĩnh vực y tế, trước đây vì phương tiện kỹ thuật còn thô sơ, trình độ y bác sĩ chưa được như bây giờ nên sự cố xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên vì truyền thông, mạng xã hội chưa phát triển nên mọi người ít biết. Ngược lại, bây giờ y học tân tiến, ít sự cố hơn song khi có sự cố thì hàng triệu người sẽ biết và lên án.
Du lịch Việt Nam đón vị khách thứ 15 triệu
Từ góc độ văn hóa, ông cho rằng, cần làm gì để hạn chế sự xuống cấp đạo đức trong xã hội?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, tôi cho rằng cần xây dựng những hệ giá trị hướng con người đến chân, thiện, mỹ; thông qua văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc... để truyền đi thông điệp sống đẹp đến công chúng. Bởi nghệ thuật là cách dễ đi vào lòng người nhất. Nếu có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của công chúng thì tác dụng lan tỏa hơn rất nhiều những lời hiệu triệu trên bục phát biểu.
Mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp để tạo tác động tích cực trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.
Hiện nay truyền thông và mạng xã hội đang chi phối lớn đến đời sống cộng đồng. Trước đây, một thời gian dài chúng ta tuyên truyền quá nhiều các tấm gương tốt, nhưng thời gian gần đây thì ngược lại, việc xấu được nhắc đến và quan tâm quá nhiều. Tôi nghĩ trong xã hội không tránh khỏi sự tồn tại của cái xấu, song luôn có những việc tốt, truyền cảm hứng cho mọi người. Chúng ta không cực đoan tô hồng hay nói xấu, nhưng nên hướng đến các việc tốt để duy trì năng lượng tích cực trong xã hội.
Xin cảm ơn ông!