Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

NSƯT Trần Văn Hải - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Muốn phát triển, phải giữ được người tài

16/10/2019 | 15:35

Với bề dày 60 năm thành lập và phát triển, Học viện Múa Việt Nam tiền thân là Trường trung cấp Múa. Là cái nôi đào tạo nghệ thuật múa trong nước, Học viện Múa Việt nam đã trải qua nhiều thăng trầm, vượt qua nhiều khó khăn để vững bước trên một chặng đường mới, đóng góp thêm những nhân tài nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Múa nói riêng.

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Học viện, NSƯT Trần Văn Hải, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Tổ quốc:

- Thưa NSƯT Trần Văn Hải, xin ông cho biết những điểm nhấn đáng nhớ trong quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện?

- Học viện Múa Việt Nam được thành lập ngày 25/10/1959, lúc đó được gọi là Trường Trung cấp Múa Việt Nam- là cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau hơn 50 năm xây dựng, ngày 7/5/2001, Trường trung cấp Múa chính thức được nâng cấp thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam.

Và ngày 3/1/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở trường Cao đẳng. Tính đến thời điểm này, Học viện Múa Việt Nam có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực Múa có trình độ đại học, sau đại học và trình độ thấp hơn về các ngành được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép; sưu tầm, nghiên cứu khoa học, sáng tác và biểu diễn những tác phẩm múa, góp phần bảo tồn các giá trị múa truyền thống của các dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa của các nước trên thế giới.

Từ cái nôi của Học viện Múa, hơn 3.000 nghệ sĩ múa đã được đào tạo, trưởng thành và phục vụ cho đất nước. Đa phần trong số họ đều là những nghệ sĩ, diễn viên múa hàng đầu của Việt Nam, thậm chí một số người còn thành danh trên sân khấu quốc tế. Nhiều giảng viên, biên đạo, diễn viên múa trưởng thành từ mái trường này đã tỏa sáng và tạo dựng vị trí nghề nghiệp của mình cả trong nước và quốc tế. Nhiều nghệ sĩ đã sống được bằng nghề và khẳng định tài năng bằng nghề, họ tham gia ở các thành phần biên đạo, diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ khắp đất nước. Những Vương Linh, Đặng Hùng, Cao Chí Thành…đã trở thành lớp nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.

NSƯT Trần Văn Hải - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Muốn phát triển, phải giữ được người tài - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Múa Việt Nam cho tập thể lãnh đạo nhà trường

- Từng là trường trung cấp múa, sau đó là Cao đẳng, theo ông, việc nâng cấp lên Học viện Múa có những khó khăn gì đối với Nhà trường?

- Nâng cấp lên Học viện là niềm tự hào của những thành viên học tập, giảng dạy trong ngôi trường, nhưng đồng thời cũng là những thách thức không dễ vượt qua. Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất,... một trong những thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Thực tế cho thấy chính sách tinh giảm biên chế, thống nhất các đầu mối là rất thiết thực, song, việc thực hiện này nếu áp dụng lên các trường chuyên ngành, đào tạo nghệ thuật thì không dễ dàng. Nghệ thuật nói chung và múa nói riêng, giảng viên cần có sự trải nghiệm. Thường các giảng viên phải từng là diễn viên mới có được kinh nghiệm thực tế để truyền tải cho học sinh, sinh viên. Một giảng viên múa phải hội tụ nhiều tố chất: diễn giỏi, truyền đạt tốt, thị phạm chuẩn… Ngoài ra, phải có sức khỏe tốt và thực hiện chế độ giữ gìn cơ thể nghiêm ngặt.

Trong khi đó, nếu không có chính sách thu hút người tài, quyền lợi cho họ chưa đủ tốt thì khó giữ chân được, hoặc có giữ thì họ cũng khó toàn tâm, toàn ý với trường, với công việc được giao. Mặt khác, với cơ chế hiện nay, họ hoàn toàn có thể dừng chân ở các trường tư nhân, các trung tâm về lĩnh vực nghệ thuật và hưởng những ưu đãi hoàn toàn xứng đáng. Vì vậy, tôi cho rằng điều quan trọng nhất đối với Học viện Múa nói riêng và ngành đào tạo nghệ thuật nói chung là giữ được người tài nếu muốn phát triển tốt.

Bên cạnh đó, khi đã là Học viện, hoạt động trao đổi, hợp tác với quốc tế phải được nâng cao. Để có thể tạo cơ hội cho các học viên được tham dự các Festival, các cuộc thi tài năng, các khóa đào tạo quốc tế,… hay thu hút học viên nước ngoài đến học tập, Học viện sẽ phải triển khai hàng loạt kế hoạch điều chỉnh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, biểu diễn… duy trì các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia có nghệ thuật múa phát triển như châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, mời chuyên gia về tư vấn, giảng dạy, trao đổi các dự án nghệ thuật… Thậm chí, xa hơn một chút trong giai đoạn từ nay đến 2015, Học viện sẽ cần thành lập thêm các phân viện Múa tại TPHCM, Huế…

NSƯT Trần Văn Hải - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Muốn phát triển, phải giữ được người tài - Ảnh 2.

NSƯT Trần Văn Hải - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam

- Khác với các trường đại học và học viện thông thường, học sinh của Học viện Múa Việt Nam thường bước chân vào trường khi tuổi đời còn rất nhỏ. Điều đó có tạo nên những thách thức cho giảng viên của trường không, thưa ông?

- Khá đông học sinh của Học viện ở độ tuổi 11-15. Ngoài việc học và luyện tập các môn chuyên ngành, các em tham gia lớp học văn hóa như học sinh ở các trường trung học khác. Lịch học rất căng. Tập luyện nhiều thì không thể ăn và ngủ nhiều. Dù nhắc nhở các em ăn uống, ngủ nghỉ điều độ hàng ngày để giữ hình thể, nhưng để thực hiện thì rất khó. Bên cạnh đó, hầu hết các em đều không ở thành phố mà xuất thân ở các vùng nông thôn. Vì vậy, giảng viên, bên cạnh việc đào tạo, giảng dạy, các giảng viên còn là những người cha, người mẹ thứ hai, lo lắng cho các học sinh từ chuyện ăn, ngủ, đến vấn đề tâm lý tuổi vị thành niên…

NSƯT Trần Văn Hải - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Muốn phát triển, phải giữ được người tài - Ảnh 3.

Tác phẩm múa Côn Đảo ngày trở về của Biên đạo trẻ Nguyễn Hải Trường- Học viện Múa Việt Nam

- Cột mốc 60 năm rất có ý nghĩa với một trung tâm đào tạo nói chung và Học viện Múa Việt Nam nói riêng. Vậy, để đánh dấu mốc son này, Học viện sẽ có những chương trình hoạt động gì sắp tới?

- Chúng tôi đã và đang thực hiện hàng loạt các hoạt động để chào mừng ngày lễ trọng đại này của Học viện. Từ cuối tháng 9 vừa qua, Học viện đã tổ chức chương trình tọa đàm khoa học mang tên "Định hướng phát triển Học viện Múa Việt Nam trong tương lai", phối hợp cùng với các nhà khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đối với học sinh, sinh viên, chúng tôi cũng tổ chức cuộc thi viết báo tường, để viết về những cảm xúc, những câu chuyện xúc động về hành trình phát triển của Học viện. Bên cạnh đó là cuộc thi tiếng hát học sinh sinh viên. Ngày 22 tháng 10 tới, Học viện sẽ tổ chức đêm biểu diễn nghệ thuật mang tên "Tinh hoa hội tụ" tại Nhà hát Lớn Hà Nội trước khi diễn ra lễ kỷ niệm chính thức vào ngày 25/10 tại Học viện.

- Xin cảm ơn và chúc Học viện Múa Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Hà An (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×