Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

NSƯT Chí Trung: Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tập trung hướng về khán giả thiếu nhi

22/02/2018 | 07:30

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NSƯT Chí Trung chia sẻ, trong năm 2018, anh sẽ phát triển Nhà hát đi lên và chủ yếu tập trung khai thác khán giả thiếu nhi.

+ Bận rộn với vai trò mới – lãnh đạo tại Nhà hát Tuổi Trẻ, vậy cái Tết của anh năm nay diễn ra như thế nào?

- Mẹ tôi mới mất nên Tết năm nay tôi sẽ đi du lịch vòng quanh Việt Nam. Mọi năm Tết đến, tôi thường đưa đoàn đi các tỉnh xa để biểu diễn cho khán giả. Vì mình là trưởng đoàn, phải chăm lo cho đời sống anh em nên khá bận rộn và áp lực trong những ngày này. Tuy nhiên, năm nay có nhiều thay đổi, đó là tôi sẽ đi du lịch với gia đình nên ngày Tết sẽ đỡ vất vả hơn và không phải suy nghĩ, lo lắng nhiều. (cười)

Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mở cửa phục vụ khán giả từ mùng 6 Tết

+ Anh có thể chia sẻ cụ thể kế hoạch biểu diễn của Nhà hát trong dịp Tết 2018?

- Tôi cho Nhà hát nghỉ từ ngày 20 tháng Chạp để tổng kết. Sau đó các diễn viên trẻ sẽ có cuộc sát hạch, trong đó có tất cả 70 diễn viên thuộc các lĩnh vực: ca nhạc, múa, kịch đều phải diễn phải biểu diễn các tiết mục từ 5 – 20 phút để hội đồng nghệ thuật đánh giá.

Những diễn viên thử việc nếu đạt yêu cầu trong cuộc thi sát hạch lần này ban lãnh đạo sẽ nhận sau một tuần. Nếu không thì sẽ mời các bạn đi đến các đơn vị khác cho phù hợp. Bắt đầu từ ngày mồng 6, Nhà hát sẽ biểu diễn mở màn chương trình ‘Mùa xuân’. Sau đó là biểu diễn liên tiếp từ mồng 8 đến 10. 

Bên cạnh đó, chúng tôi còn có các đoàn kịch sẽ đi đều mọi miền Tổ quốc để biểu diễn từ Kom Tum, Gia Lai, Khánh Hòa…cuối cùng là về Hà Nội. Đến ngày 8-3, Nhà hát sẽ ra mắt chùm hài kịch có tên gọi ‘Tơ trời mong manh’ do tôi làm đạo diễn. Hài kịch này có 5 chủ đề về tình yêu như: mua bán tình yêu, ăn cắp tình yêu….

+ Anh đánh giá thế nào về lượng khách trong những ngày Tết, có gì khác biệt so với ngày thường?

- Tôi thấy khán giả đến xem ca múa kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ khá nhộn nhịp và đông vui. Thông thường sẽ cả gia đình đến xem nên rất tấp nập.

Vào ngày Tết sẽ có nhiều tụ điểm vui chơi nhưng hầu hết ngoài trời, sẽ khá lạnh cho khán giả. Chính vì vậy đến Nhà hát thì vừa được ấm cúng, giữ được sức khỏe ấm áp. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn những vở diễn để phục vụ khán giả.

Có một sự thay đổi nhỏ đó chính là về giá vé. Ngày thường sẽ ở mức giá 200 nghìn đồng nhưng ngày Tết chúng tôi sẽ nâng cao hơn một chút là 300 nghìn đồng. Nếu so với các tụ điểm giải trí khác ở mức hai đến năm triệu đồng thì đi xem kịch là quá rẻ. Mọi người đến xem hài kịch để vui, để cười.

NSƯT Chí Trung

+ Với vai trò là Giám đốc của một Nhà hát, vậy anh sẽ đưa đường lối phát triển theo hướng nào?

- Tôi hiểu, khán giả thích xem hài kịch dài nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng phải có thông điệp. Nếu không phải là kịch chính luận mang những đề tài lớn lao, như vở chính luận mang đề tài chống tham nhũng…Tuy nhiên, tôi nghĩ những thể loại này sẽ hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam hơn. Nếu Nhà hát tôi chuyển sang chủ đề này thì e ngại khán giả sẽ ‘sáng nắng, chiều mưa’.  Chính vì vậy, chúng tôi sẽ hướng đến phục vụ các đối tượng là thanh niên, thiếu nhi vì Nhà hát Tuổi trẻ có đặc thù là phụ vụ đối tượng thiếu nhi.

Trong năm 2018, Nhà hát dự kiến sẽ diễn đến 200 suất cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, tôi muốn đẩy mạnh mảng ca múa nhạc để lấy thanh niên về với chúng tôi. Nếu chúng tôi chỉ làm riêng về kịch thì khó kéo đối tượng khán giả lứa tuổi thanh niên.  Gần đầy, chúng tôi đã dựng vở kịch có tên ‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’ của tác giả Lưu Quang Vũ nhưng vẫn mang hơi thở thời đại. May mắn là chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của truyền thông lẫn khán giả.

Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể định hình thể loại kịch nào thì có thể lôi kéo được khán giả thanh niên. Vì đối tượng khán giả này ‘thoắt ẩn, thoắt hiện’ và chính các bạn đó cũng chưa xác định được mình thích thể loại gì nhất. Nhìn chung là các bạn thích hài nhất. Nhưng nếu hài kịch dựng không tốt, diễn không hay và không có thông điệp thì không được. Hiện tại, chúng tôi bị bí đề tài về.

+ Vậy trong vai trò lãnh đạo suốt sáu tháng qua, anh đã làm được gì và có điều gì trở ngại?

- Tôi trưởng thành từ diễn viên nên đã kinh qua mọi trận mạc cùng với các anh em. Là một diễn viên nên tôi hiểu được tâm lí khán giả họ muốn gì, thích gì. Cùng với ấp ủ của mình, cộng với sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ trong Nhà hát Tuổi trẻ và với di sản của thế hệ tiền bối đi trước để lại thì việc làm lãnh đạo của tôi không quá khó khăn.

Tôi đã làm được bốn chương trình ca nhạc lớn, hai chương trình hài và một vở của Lưu Quang Vũ. Tôi nghĩ bảy chương trình trong sáu tháng thì đó là sức bật vô cùng lớn. Trong đó có hai chương trình được nhà nước đầu tư, còn lại là xã hội hóa. Chưa kể các tỉnh miền Trung, Tây Bắc, tôi đều đưa quân đi diễn đều đặn.

+ Luôn chiêu mộ những nghệ sĩ trẻ, vậy anh nhận xét thế nào về thế hệ diễn viên trẻ hiện này?

- Tôi thấy có một số bạn muốn nhanh chóng được thành công, dẫn đến sự chộp giật là có thật. Điều này gây ra tình trạng là tự đốt cháy mình để nhanh kiếm tiền, nhanh có được thương hiệu. Do đó các bạn không có thời gian để rèn luyện cho nghề. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều bạn rất trẻ đang rất say mê luyện tập, say mê trau dồi, đọc sách rồi tham khảo mọi thứ.

Mỗi một thế hệ đều tồn tại những tính cách khác nhau, chúng ta hãy cứ yên tâm. Không có gì hơn cái gì và không có gì kém cái gì, mỗi người phù hợp cho một sản phẩm văn hóa, phù hợp cho văn hóa thu nhận khác nhau.

Cho nên chúng ta đừng lo cho lớp diễn viên trẻ, rồi đâu sẽ vào đó thôi. Những bước ngây dại đầu tiên nó sẽ có những cái dở nhưng sẽ cũng có những cái hay riêng của nó./.

+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Chí Trung!

Ngọc Hà Lê (thực hiện)

 

 

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×