Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nỗ lực không ngừng nghỉ của khối Nhà hát - Bài 1 : Nhà hát Múa rối Việt Nam, luôn luôn đổi mới, sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng

29/05/2018 | 09:59

Luôn luôn đổi mới, sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, mang giá trị nghệ thuật cao với hình thức thể hiện mới cho sân khấu múa rối trên nền tảng nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc là cách mà các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam thu hút khán giả.

Những nỗ lực của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã mang đến những thành công bước đầu qua sự đón nhận của công chúng, thể hiện với tần suất đỏ đèn tại các sân khấu trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, chương trình biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã trung thành với việc sáng đèn cả 365 ngày với 3 suất/ngày. 

Tạo dấu ấn múa rối Việt trên trường quốc tế

Múa Sen Việt trong chương trình "Nhịp điệu quê hương". Ảnh: Đăng Huy

Với mục tiêu giới thiệu vẻ đẹp nghệ thuật múa rối dân tộc tới với bạn bè năm châu, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã lưu diễn tại nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế và tạo được tiếng vang như: Liên hoan Múa rối ASEAN (Thái Lan), Triển lãm thế giới Expo 2017 (Kazazkhstan), Liên hoan Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 5 (Trung Quốc), Lễ hội Việt Nam (Nhật Bản), Lễ hội Gyeonggi Asia Arts (Hàn Quốc), Lễ hội Múa rối Quốc tế lần thứ 4 “Tea in Mytischi” (Nga), Lễ hội  Múa rối ASEAN tại VN, Liên hoan Văn hóa quốc tế Festival de l’Imaginaire lần thứ 21 (Pháp)…Đặc biệt, trong năm 2017, Liên hoan Múa rối ASEAN được tổ chức tại Việt Nam được Hiệp hội Múa rối ASEAN đánh giá cao. 

Bên cạnh các tiết mục múa rối nước truyền thống, các tiết muc rối cạn, tiết mục rối cạn kết hợp rối nước được nhà hát giới thiệu tại nhiều liên hoan đã được khán giả quốc tế phản hồi tốt. Nổi bật như chương trình múa rối “Vũ điệu hoa Quỳnh” từng đoạt Huy chương vàng Liên hoan Múa rối Quốc tế lần IV - HN 2015, chương trình “Nhịp điệu quê hương”, “Hồn quê”, “Truyện cổ Andecxen”, “Chuyện tò he”, “Hồn khí Thăng Long”, “Vịt con xấu xí”, “Aladanh và cây đèn thần”…

Phía sau những thành công đó, là sự tìm tòi, khổ luyện của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam nhằm mang đến cho công chúng những tác phẩm hấp dẫn nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đồng thời góp từng viên gạch trên con đường xây dựng thương hiệu của một nhà hát múa rối quốc gia cũng như giữ lửa cho nghệ thuật múa rối truyền thống. 

“Đội ngũ làm nghề chúng tôi phải luôn sáng tạo, đổi mới, lao động, luyện tập không ngừng cốt sao để đáp ứng cho nghề nghiệp và cống hiến cho khán giả những chương trình vở diễn hấp dẫn”- NSND Nguyễn Tiến Dũng – PGĐ Nhà hát Múa rối Việt Nam khẳng định.

Nỗ lực ghi dấu ấn bằng các vở diễn chất lượng

Hình ảnh trong chương trình "Đồng vọng rối Việt". Ảnh: Gia Linh

Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện có ba sân khấu biểu diễn: Một sân khấu biểu diễn rối cạn và hai sân khấu biểu diễn múa rối nước (Sân khấu trong nhà và sân khấu ngoài trời). Bên cạnh đó là sân khấu múa rối lưu động sẵn sàng đáp ứng các hợp đồng biểu diễn trong và ngoài nước. Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có nghệ thuật múa rối, Ban Giám đốc nhà hát luôn xác định việc xây dựng các vở rối chất lượng cả về nội dung và nghệ thuật là cách để tạo nên khác biệt. Chính vì vậy, chương trình nghệ thuật của Nhà hát luôn được đổi mới, thích ứng với nhịp độ phát triển của xã hội.

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa rối cạn và rối nước, cũng như nhiều loại hình múa rối trong nhiều chương trình múa rối đã tạo nên sự hấp dẫn với công chúng. Các tác phẩm như  Hồn quê, Truyện cổ Andecxen, Giấc mơ bí ẩn của Tễu và Kangaroo, Không gian trắng, Chuyện tình Dạ Trạch, Đồng vọng rối Việt… đã mang đến một diện mạo mới cho múa rối nước truyền thống. Cùng với đó là sự hỗ trợ đắc lực từ vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng… đã giúp cho những tiết mục, chương trình của nhà hát tạo được phong cách nghệ thuật riêng.

Đặc biệt với chương trình “Đồng vọng rối Việt” cũng là lần đâu tiên nhà hát kết hợp giữa du lịch và nghệ thuật. Việc kết hợp, tiếp thị với các tour du lịch đã giúp Nhà hát đi đầu trong chiến lược giới thiệu nghệ thuật rối với du khách trong nước và quốc tế.

 “Điểm mới lạ của “Đồng vọng rối Việt” không chỉ đến từ nghệ thuật múa rối mà còn đến từ một “không gian nghệ thuật mở”. “Khán giả đến đây không chỉ để thưởng thức nghệ thuật múa rối mà còn thưởng thức một không gian thiên nhiên thân thuộc với thủy đình ngoài trời và một bảo tàng giới thiệu lịch sử múa rối Việt Nam nói chung, múa rối nước nói riêng”, NSND Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Nhà hát cho biết. 

Mới đây, nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nắm bắt xu thế chung, Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa ra mắt chương trình múa rối “Đi phượt cùng bà lão đánh cá” do NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn với sự tham gia của tập thể diễn viên đoàn diễn 1 của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Từ câu chuyện cổ tích đã rất quen thuộc với thiếu nhi là “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, vở diễn được dàn dựng với nhiều tình tiết mới lạ, hư cấu để khán giả có thể thấy nội dung vừa quen, vừa lạ trong câu chuyện.

NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ “Việc xây dựng vở diễn cũng như chương trình mới hàng năm nhân dịp quốc tế thiếu nhi là việc làm thường niên của nhà hát, lấy ý tưởng từ các câu truyện cổ tích làm đề tài luôn phù hợp và gần gũi với các em thiếu niên nhi đồng, năm nay cũng vậy truyện được lựa chọn là Ông lão đánh cá và con cá vàng nhưng lần này nhân vật chính không phải là Ông lão mà là Bà lão - vợ của ông. Sở dĩ lấy nhân vật Bà lão đánh cá làm nhân vật chính để các nhân vật khác xoay xung quanh tạo nên những tình huống,c ảnh diễn gây cười cũng như gây khó chịu,tức tối cho người xem bởi lòng tham của người đàn bà này, thông qua vở diễn muốn cho các em thiếu nhi nhạn ra cái xấu của tính ích kỉ,trong cuộc sống không được tham lam và Bà lão đánh cá là nhân vật điển hình cho thói xấu đó.”

Như vậy có thể thấy rằng việc làm mới các cốt chuyện cũ, tìm tòi sáng tạo các nội dung mới, hình thức thể hiện mới, vào những thời gian hợp lý là cách các tác phẩm rối của Nhà hát múa rối Việt Nam chinh phục khán giả, đáp ứng thị hiếu chung.

“Các vở diễn là sự kết hợp nhịp nhàng giữa diễn viên biểu diễn và các nhân vật là con rối. Phần múa rối ở các vở diễn đã kết hợp nhiều thể loại rối khác nhau để tạo nên sự phong phú về thể loại rối và điều quan trọng là các thể loại rối này đã tạo nên sức hấp dẫn cho từng màn diễn. Xử lý hợp lý và khai thác được hết lợi thế của mỗi thể loại rối là việc làm cần thiết và không dễ của sân khấu múa rối” – NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Cùng với đôi bàn tay vàng, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam còn sử dụng sự sáng tạo và nhạy bén để tìm ra chìa khóa giúp cho nghệ thuật múa rối đứng vững và khẳng định thương hiệu của nhà hát hôm nay. Dám nghĩ, dám làm để tạo ra sự khác biệt là cách để nghệ thuật múa rối tiếp tục phát triển, để khán giả đến với nhà hát nhiều hơn, để mọi người biết đến nghệ thuật múa rối sâu hơn nữa./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×