Nỗ lực không ngừng của Khối Nhà hát: Bài 2 - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, ngọn cờ đầu của nghệ thuật bác học.
28/06/2018 | 10:00NSƯT Trần Ly Ly bày tỏ mong muốn sẽ đưa Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ là ngọn cờ đầu của nghệ thuật bác học
Để tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng, tuy nhiên trong cái khó khăn sẽ phải tìm lối đi
+ Mới đây, chị đã đảm nhận vai trò giám đốc Nhà hát vũ kịch Việt Nam, vậy chị có gặp khó khăn khi “chèo lái” cả một con thuyền lớn?
- Đối với tôi, khó khăn cũng là một thú vị. Cuộc đời tôi luôn lấy khó khăn làm cảm xúc để vượt qua, vì trong mỗi một đơn vị đều có sự khó khăn và thuận lợi nhất định.
NSƯT Trần Ly Ly
Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả. Trên thế giới loại hình nghệ thuật này là bắt buộc, trong nhà trường các học sinh phải trang bị kiến thức về nhạc giao hưởng, vũ kịch…Những nước mình chưa có điều kiện.
Khó khăn của tôi là dưới mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết. Giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch….đều là những loại hình nghệ thuật chưa gần gũi với khán giả. Chính vì thế để tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng, tuy nhiên trong cái khó khăn đó tôi sẽ nghĩ ra phương hướng để tìm lối đi.
Trước tiên, tôi nghĩ mình cần phải cho ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng, bên cạnh đó người xem phải cảm nhận được câu chuyện và cái đẹp của sản phẩm đó. Thật ra, trước đây truyền thông, báo chí hay truyền hình vẫn chưa đưa ra đường lối để nghệ thuật hàn lâm đến gần với công chúng.
Tôi nghĩ, ngoài sản phẩm đến với công chúng, chúng ta còn phải làm sao tiếp cận được với khán giả, tạo cho khán giả thấy sự hấp dẫn, cần đi xem, cần phải hiểu….để làm được điều này đòi hỏi cần có một quá trình.
Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát…Nghệ thuật có cái thú vị hay ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữ lành vết thương tâm hồn.
+ Vậy chị đã chuẩn bị và có phương hướng thế nào để nhà hát luôn được “đỏ đèn”?
- Tôi không đi theo một cách chủ quan. Tôi sẽ nghiên cứu thị trường và phải hiểu rõ khán giả cần gì. Thế nhưng tôi không rời xa nghệ thuật của mình, cái mọi người cần thì ta đem lại. Ở đây có nghĩa là hai bên nghệ thuật sẽ vị nhân sinh và không phải nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật. Nghệ thuật vẫn là nghê thuật nhưng hãy đem đến cho khán giả những điều họ thích.
Người Việt Nam chúng ta thích những câu chuyên tình cảm vậy thì chúng ta phải đưa khán giả vào một không gian, không khí cảm nhận về cảm xúc.
Thời gian sắp tới, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ đưa ra các vở mới được đầu tư kỹ lương như: “Romeo và Juliet” hay “Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris”…Chúng tôi muốn sản xuất một tác phẩm lớn bao gồm opera và vũ kịch nhưng là của người Việt. Đây là điều không dễ dàng gì, vì để tập hợp những nhạc sĩ tài năng và cùng nhau xây dựng một tác phẩm Việt Nam sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ mình phải làm những tác phẩm có giá trị cho cộng đồng. Tôi biết, trong từng giai đoạn phải giải quyết từng khâu một. Rộng là để cho nghệ thuật hàn lâm được tỏa sáng và hẹp là Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam được thăng hoa.
+ Chị từng làm hiệu phó ở một trường học, sau đó là làm lãnh đạo của một nhà hát, còn làm giám khảo rất nhiều cuộc thi, vậy chị có nhận xét gì về thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay?
- Tôi thấy các bạn trẻ đang thiếu đi sự đam mê nồng nàn với nghề. Ngày nay, các bạn có quá nhiều điều hấp dẫn nên sự đam mê và tận tâm với nghề không sâu như thời xưa. Vì các bạn có nhiều thứ để lựa chọn, lựa chọn nghệ thuật chắc chắn sẽ không giàu nên chỉ có sự đam mê mới lôi kéo được các bạn. Thực sự, tôi thấy các bạn thiếu lửa để vượt qua được mọi chông gai, thử thách.
Tôi hay các những người lãnh đạo khác sẽ phải tạo ra sự hấp dẫn thì nhân tài mới đến. Không có tiền chưa chắc làm được nhiều việc nhưng tiền không phải duy nhất, quan trọng hơn tất cả là chúng ta cần có môi trường, sản phẩm tốt nhất để lôi kéo các bạn trẻ nhiệt tình, đam mê và tâm huyết với nghề nhiều hơn.
Sắp tới Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ đưa ra các vở mới như: “Romeo và Juliet” hay “Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris”…
Làm giám khảo sẽ phải chịu áp lực từ nhiều phía
+ Sắp tới, chị lại tiếp tục ngồi “ghế nóng” cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2018 , khi ở vị trí “cầm cân nảy mực” chấm thi các cô gái đẹp chắc hẳn chị sẽ chịu nhiều áp lực?
- Áp lực sẽ đến từ nhiều phía nhưng khi bạn ở vai trò ban giám khảo phải nói điều đúng nhất. Mọi áp lực sẽ không làm ảnh hưởng đến mình. Nhân cách, suy nghĩ mới quan trọng hơn tất cả mọi áp lực. Vai trò của mình là tư vấn cũng như đưa ra nhận định đúng nhất để đảm bảo sự công bằng. Quyết định sẽ cả một tập thể, một ý kiến cá nhân sẽ không thể thay đổi được kết quả.
+ Ở trong Nam chị hoạt động showbiz rất sôi nổi ở ngoài này thì khá trầm lắng, vậy chị có điều gì nuối tiếc?
- Tôi không nuối tiếc. Hiện tại, tôi có quá công việc và không có thời gian để thở (cười).
Có rất nhiều lời mời nhưng công việc ưu tiên số một của tôi lúc này là làm sao để Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ trở thành ngọn cờ đầu về nghệ thuật bác học của Việt Nam.
+ Nhiều cô gái tham gia các cuộc thi nhan sắc để tìm kiếm danh vọng, chị nhận xét gì về điều này?
- Khi họ đến với cuộc thi nhan sắc chính là họ đi tìm công cụ để có điều kiện làm việc tốt hơn sau này. Thông qua cuộc thi thì các bạn được truyền thông, báo chí…biết đến mình nhiều hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện sống tốt hơn và ai cũng cần có một điều kiện cuộc sống tốt hơn đối với mình. Vậy nên điều này cũng là rất bình thường./.
+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Trần Ly Ly!