“Những vở kịch còn mãi với thời gian”: Các nhà hát sát cánh để quảng bá kịch
31/07/2017 | 20:30Năm nhà hát kịch hàng đầu cả nước với những nghệ sĩ tên tuổi sẽ cống hiến cho khán giả những vở kịch chất lượng cao trong chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”.
Hội tụ những nghệ sĩ tài năng của sân khấu
Chuỗi hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội theo chủ trương bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm chất lượng cao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ được tiếp nối với chuyên đề kịch mang tên “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Chương trình gồm 11 vở kịch, được biểu diễn khai mạc tối 5/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với vở “Vòng phấn Kavkaz” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình "Những vở kịch còn mãi với thời gian" (ảnh Minh Khánh)
Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục biểu diễn trong các tối 6-7/8 với vở kịch “Ai là thủ phạm” và “Công lý không gục ngã”.
Nhà hát kịch Hà Nội biểu diễn từ tối 8- 10/8 các vở “Cát bụi”, “Điện thoại di động” và “Bỉ vỏ”.
Nhà hát Kịch Việt Nam diễn “Kiều” vào hai đêm 11- 12/8; vở “Lão hà tiện” 13/8.
Đoàn kịch nói Công an Nhân dân diễn vở “Bão của hoàng hôn” vào tối 17/8 và “Quyết đấu giữa sương mù” (18/8).
Nhà hát kịch nói Quân đội biểu diễn vở “Dưới cát là nước” tối 20/8.
“Những vở kịch còn mãi với thời gian” hội tụ những nghệ sĩ tên tuổi nhất của sân khấu kịch hiện nay như: NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung, NSƯT Minh Hằng, NSND Minh Hòa, NSND Trung Hiếu, NSƯT Thu Hà… hay các nghệ sĩ trẻ đang là cái tên “hot” trên truyền hình như Bảo Thanh, Hồng Đăng, Mạnh Hà, Ngọc Quỳnh, Thúy An…
NSƯT Chí Trung: "Những vở kịch còn mãi với thời gian" khích lệ nghệ sĩ chúng tôi giữ niềm tin và tình yêu vào sân khấu (ảnh Minh Khánh)
Những vở diễn cũng đa dạng và phong phú về đề tài. Khán giả yêu thích sân khấu cổ điển có thể lựa chọn “Vòng phấn Kavkaz”- vở kịch kinh điển của Bertol Brecht. Người yêu mến kịch của Lưu Quang Vũ lại có dịp thưởng thức một vở kịch nổi tiếng của ông với “Ai là thủ phạm”. Bên cạnh đó, khán giả yêu thích sân khấu chính kịch chuẩn mực cũng có thể tiếp tục lựa chọn: "Công lý không gục ngã", "Cát bụi", "Bỉ vỏ…"
Khán giả yêu thích sân khấu hài sẽ hài lòng với đêm diễn của “Lão hà tiện”. Ngoài ra, các vở diễn mới được dàn dựng và các vở diễn đã đoạt giải thưởng của các nhà hát cũng “hội ngộ” tại “thánh đường” sân khấu Nhà hát Lớn, đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn.
Theo ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Chủ trương của Bộ VHTTDL không chỉ lựa chọn các đơn vị của Bộ vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn mà sẽ mời các đoàn nghệ thuật, các nhà hát trong cả nước đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn với những chương trình có chất lượng cao nhất. Với chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, sau 5 nhà hát tại Hà Nội, lần lượt các Nhà hát, các đoàn nghệ thuật trên cả nước cũng sẽ đến biểu diễn tại Hà Nội trong các năm tiếp theo”.
NSƯT Xuân Bắc: Nghệ sĩ chúng tôi đang dựa vào nhau để tạo thành một thể thống nhất, để quảng bá cho kịch, hỗ trợ nhau để kịch phát triển hơn (ảnh Minh Khánh)
Cùng sát cánh vì sân khấu
Trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu, việc Bộ VHTTDL chọn kịch nói làm chuyên đề biểu diễn tại Nhà hát Lớn đã khích lệ các nghệ sĩ rất lớn.
NSƯT Chí Trung- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Hoạt động sân khấu rất khó khăn trong bối cảnh khán giả không quan tâm đến nghệ thuật”.
Lấy ví dụ về các vở diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ được làm truyền thông rất nhiều, khán giả biết sân khấu nhà hát sáng đèn, nhưng họ lại không lựa chọn đến với sân khấu.
“Chủ trương tổ chức những đêm diễn kịch nói “Những vở kịch còn mãi với thời gian” không phải là cứu cánh của ngành sân khấu nhưng sẽ khích lệ nghệ sĩ chúng tôi giữ niềm tin và tình yêu vào sân khấu. Các nghệ sĩ trẻ của sân khấu hiện nay đi đóng phim, đi diễn show bên ngoài rất nhiều, nhưng khi Nhà hát gọi về diễn kịch, các em sẵn sàng trở về ngay và đều nhiệt tình biểu diễn, tập luyện. Vào Nhà hát Lớn biểu diễn, chắc chắn cảm xúc của nghệ sĩ thăng hoa hơn”- nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.
Đại tá, NSƯT Nguyễn Ngọc Thư- Giám đốc Nhà hát kịch nói Quân đội chia sẻ: “Việc Bộ VHTTDL tổ chức “Những vở kịch còn mãi với thời gian” là một điều đáng vui mừng. Đối với chúng tôi, đặc thù là biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ, có đối tượng phục vụ riêng nhưng nhìn chung, sân khấu đang rất khó khăn và nghệ sĩ rất vất vả để giữ nghề. Để tác phẩm sân khấu đến được với khán giả một cách rộng nhất, nhiều nhất đó là tôn vinh các vở diễn tại Nhà hát Lớn. Đây là điều cần thiết mà Bộ VHTTDL đã làm được và tôi mừng vì điều đó”.
Vở diễn "Vòng phấn Kavkaz" sẽ mở đầu "Những vở kịch còn mãi với thời gian" (ảnh Nhà hát Tuổi trẻ)
NSƯT Nguyễn Ngọc Thư nhấn mạnh thêm: “Các nhà hát vẫn luôn muốn biểu diễn, dựng vở ở Nhà hát Lớn. Với Nhà hát kịch nói Quân đội, chúng tôi có đối tượng phục vụ riêng và có thể không khó khăn để xin kinh phí thuê khán phòng biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Nhưng chúng tôi vẫn muốn biểu diễn ở Nhà hát Lớn, diễn vì xây dựng thương hiệu, vì sự thăng hoa hơn của nghệ sĩ”.
NSƯT Xuân Bắc- Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đồng quan điểm. Anh cho biết: “Chúng tôi mong muốn khán giả Thủ đô biết rằng, trong tháng 8 này, với sự nỗ lực của các nghệ sĩ, sẽ có “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Các nghệ sĩ chúng tôi đang dựa vào nhau để tạo thành một thể thống nhất, để quảng bá cho kịch, hỗ trợ nhau để kịch phát triển hơn”./.
Hồng Gấm - Minh Khánh