Nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc, từng bước tháo gỡ vấn đề ở Hãng phim truyện Việt Nam
24/03/2023 | 15:41Sáng 24/3, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I năm 2023. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì họp báo.
Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Văn phòng Bộ.
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều nhà báo. Thông tin về vấn đề này, bà Phan Linh Chi- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết: Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra và có Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30.3.2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23.8.2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19.9.2018 về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã tích cực triển khai những nội dung đã được nêu trong kết luận cũng như từng chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài tại Hãng.
Ngày 13.9.2021, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ngày 23.8.2022, Bộ VHTTDL tiếp tục có Công văn số 3187/BVHTTDL-TTr gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo quá trình thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, Bộ VHTTDL báo cáo những vấn đề cụ thể, xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty vận tải thuỷ- Vivaso) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận Thanh tra.
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi nêu 2 khó khăn: “Thứ nhất, tới thời điểm này, Vivaso chưa đưa ra được văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ về số tiền nhận lại khi thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước.
Thứ hai, nếu Vivaso đưa ra số tiền cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó sẽ đưa vào dự toán chi hàng năm của Bộ VHTTDL, tất cả đều phải có quy trình".
Cũng theo bà Phan Linh Chi, ngày 22/3, Bộ VHTTDL đã báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về lộ trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. "Tại buổi làm việc, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo với Phó Thủ tướng về việc này. Hai báo cáo đều trùng khớp thông tin", bà Chi cho biết.
Song song với việc giải quyết câu chuyện cổ phần hoá, Bộ VHTTDL vẫn đang nghiên cứu tìm nhà đầu tư. Điện ảnh là một ngành đặc thù, mấy năm qua Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hiện tại chưa tìm ra nhà đầu tư chiến lược khác.
Chia sẻ về thông tin những tư liệu phim của Hãng phim truyện Việt Nam bị hư hại, bà Phan Linh Chi khẳng định, không có việc các phim của Hãng bị ẩm mốc, hỏng hóc bởi đó chỉ là bản copy. "Hãng phim truyện Việt Nam có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác. Không thuộc trách nhiệm lưu trữ của Viện phim Việt Nam", bà Chi nói.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc giải quyết những vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam, quan điểm của Bộ VHTTDL là nhìn thẳng vào khó khăn vướng mắc, tháo gỡ từng bước.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, đây là những vướng mắc, khó khăn đã tồn tại lâu dài, nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ. Bộ VHTTDL mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện sẽ nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí, nhằm thông tin đúng, chính xác, ổn định tâm lý văn nghệ sĩ, định hướng đúng cho độc giả, những người yêu mến nền điện ảnh Việt Nam./.