Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình

24/01/2022 | 20:00

Chiều 24/1, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Đoàn chủ tịch Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB); ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế.

Công điện nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, trong đó ngành du lịch chịu tổn thất nghiêm trọng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76,7% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 95,9% so với năm 2020; qua đó tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị như: vận tải, ăn uống, khách sạn, lữ hành, bán lẻ, thương mại…nhất là tại các điểm du lịch và hầu hết các địa phương trọng điểm du lịch của cả nước.

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình - Ảnh 2.

Đoàn chủ tọa Hội thảo

Để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ.

Đồng thời, tổ chức hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng tác động để tạo sự đồng thuận, thống nhất; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn", xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

>> 16:58 ngày 24/01/2022

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, cộng đồng làm du lịch

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận Hội thảo

Thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều hội thảo, cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các cơ quan, nhằm tìm kiếm cơ hội mở cửa du lịch. Ngoài phân tích khó khăn, hạn chế, chúng ta kỳ vọng vào sự phát triển của ngành. Đi sâu vào những vấn đề ở góc độ khác, tiếp cận là điểm đến du lịch, khả năng thích ứng. Hôm nay, chúng ta nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, các Bộ, ngành liên quan vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. 14 ý kiến tại Hội thảo, sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí cho thấy Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, cộng đồng làm du lịch. 

Chúng ta đồng tình với nhau nhiều phương diện, đi đến khẳng định những cơ hội và chỉ rõ thách thức, rào cản để khắc phục. Về cơ hội: Các ý kiến không chỉ là tâm huyết, trăn trở mà chỉ rõ những cơ hội, từ đó thống nhất: một là thấy rõ hơn tiềm năng của du lịch Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà quốc tế bình chọn trao cho chúng ta những danh hiệu. Đó là cách cộng đồng quốc tế tôn vinh chúng ta là điểm đến an toàn, bên cạnh nhu cầu tìm hiểu văn hóa. Hai là, việc thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa bàn cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý. Chúng ta có cách nhìn về thị trường khách để tính toán. Ba là sự sẵn sàng của chính quyền địa phương, sự quyết liệt của các doanh nghiệp, sẵn sàng hành động, sẵn sàng làm. Trong đó có doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú. Bốn là, khi chúng ta mở cửa du lịch thì Đảng, Nhà nước đã cho mở cửa bầu trời. Có thị trường đã có 14 chuyến bay/tuần. Đó là sự thuận lợi. Cuối cùng, chúng ta đặt an toàn của Nhân dân là trên hết, trước hết. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiêm vắc xin cho toàn dân. Đây chính là những thế mạnh, cơ hội mà chúng ta có được. Sâu xa hơn, từ Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chúng ta có cơ sở về chính trị, thực tiễn, pháp lý để đề xuất với Chính phủ. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhưng thực tế chúng ta phải thừa nhận, khó khăn: Do dịch bệnh, công tác điều nghiên khả năng thích ứng còn khó khăn. Có bao nhiêu thị trường sẵn sàng đến Việt Nam? Có bao nhiêu còn do dự? Vì vậy, các doanh nghiệp cần khẩn trương điều nghiên để có chính sách phù hợp. Tiếp đến, phòng chống dịch bệnh nhất quán từ Trung ương đến địa phương, không có sự cát cứ, khác biệt giữa các địa phương. Đây là vấn đề cần khắc phục. Thứ 3 sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đuối sức. Liệu khi mở cửa, các doanh nghiệp có đủ nhân lực để thực hiện không? Cần thu hút lại để đào tạo. Doanh nghiệp sau một thời gian cần tìm hướng mới, trước đây là đông, quy mô lớn, rầm rộ. Hiện nay phải theo quy mô nhỏ, đi thẳng đến nhu cầu của du khách. Doanh nghiệp cần làm gì? Phải tính toán để phù hợp hơn. Nhận rõ thuận lợi và thách thức, chúng ta có cách nhìn tổng thể. 

Từ đây, chúng ta kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Một là: Cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế; Hai là: Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết; từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ. Ba là: Chúng ta có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao. Bộ trân trọng các ý kiến, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng. Mong các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam, ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.

>> 16:52 ngày 24/01/2022

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng: Tinh thần làm sao sớm mở cửa, phát triển trở lại kinh tế

Tôi cho rằng chúng ta thực hiện giải pháp, lộ trình vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ rất hiệu quả. Giai đoạn thí điểm chúng ta thực hiện từng bước rất thận trọng, vừa kiểm soát dịch vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, khôi phục du lịch. 

Như các tham luận đã đánh giá, du lịch là một trong những ngành quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tổng cục Du lịch đã đưa ra một số phương án từng bước khôi phục, chúng ta đồng tình rất lớn về việc mở cửa đón khách, rất phù hợp. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho ý kiến

Về lộ trình, Chính phủ cho chủ trương rồi, làm sao đạt được 2 mục tiêu vừa an toàn, đạt mục đích phát triển. Đến giờ chúng ta có thể mở cửa là tương đối được rồi. Còn về mốc thời gian mở, chúng ta làm sao linh hoạt là được. 

 Tiếp theo là yêu cầu xác định xét nghiệm âm tính. Cái này là vấn đề kĩ thuật các đơn vị quản lý cần đặt ra và có sự thống nhất. Nãy giờ chúng ta nói nhiều về việc đón khách, chúng ta có 37 cảng biển trước đó đón rất nhiều khách. Vấn đề đặt ra làm sao thu hút khách du lịch. Thời gian vừa qua khách về thăm gia đình là chủ yếu còn lại lượng khách du lịch rất ít. 

Với bộ đội biên phòng, chúng tôi quản lý tổng cộng 157 cửa khẩu trên toàn quốc, hoạt động du lịch thời gian qua trên tất cả tuyến đường bộ chủ yếu là người dân qua lại thôi chứ du khách rất ít. Hiện tại, chúng tôi đã có phương án đón khách du lịch trở lại. Các đơn vị du lịch đều có thể khai báo điện tử ở nhà hoặc ở đâu cũng làm được chứ không phải đến tận nơi. Chúng tôi cũng phối hợp triển khai 6 thủ tục điện tử. Việc thực hiện visa điện tử cũng được chúng tôi phối hợp với Bộ Công an triển khai tự động hoá công tác kiểm soát nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu đường bộ. Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút hành khách, các thị trường phù hợp để phát triển kinh tế. Chúng tôi đồng tình với các chuyên gia về việc việc mở cửa. Về phía Bộ, chúng tôi có mấy ý kiến nêu trên với tinh thần làm sao sớm mở cửa, phát triển trở lại kinh tế.

>>16:50 ngày 24/01/2022

"Phải nhất quán chính sách quản lý khách du lịch"

Ông Lương Thanh Quảng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, bày tỏ tâm đắc với câu hỏi của đại diện Bộ Y tế: Chúng ta tiêm vắc xin để làm gì? Câu hỏi này Thủ tướng đã trả lời rồi, chúng ta tiêm là để mở cửa các lĩnh vực kinh tế. Về phần Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã đề xuất một số chính sách trong việc tạo điều kiện cho bà con gốc Việt về nước. Câu chuyện còn lại là khách du lịch. Bộ được giao đàm phán hộ chiếu vắc xin. Hiện, có 10 nước đã công nhận hộ chiếu vắc xin của chúng ta như Anh, Mỹ Nhật…và chúng ta tạm công nhận hộ chiếu vắc xin của 72 nước. Việc này chúng ta cần tiếp tục đàm phán thêm. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Lương Thanh Quảng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phát biểu

Có lẽ thủ tục vướng nhất hiện nay đó là quy trình. Chúng ta phải thống nhất được từ lúc lên máy bay  đến lúc xuống. Các sân bay quốc tế có hệ thống quét mã QR code, trong khi đó chúng ta vẫn đang ghi tay. Việc này cần đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi. 

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, người nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam thường chuẩn bị từ mấy tháng, do đó chúng ta phải có chính sách nhất quán. Có khi lên máy bay thì chính sách này, xuống máy bay chính sách đã thay đổi. Khách du lịch rất sợ điều này. Do đó, chúng ta phải thống nhất cách quản lý khách du lịch quốc tế từ Trung ương đến địa phương.

>> 16:44 ngày 24/01/2022

"Tất cả visa còn hạn cứ bay vào Việt Nam"

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Dự- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho ý kiến

Ông Trần Văn Dự- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an): Nhiều ý kiến đề nghị miễn visa, chúng tôi xin nói hiện nay: Từ 18/1, căn cứ thông báo của Chính phủ, tạo điều kiện cho chuyến bay thương mại quốc tế. Tất cả visa còn hạn cứ bay vào Việt Nam, không có khó khăn gì cả. Được hiểu, chúng ta mở 70%. Còn du lịch nữa thôi. Các loại thăm thân nhân, hội nghị, thội thảo mở rồi. 50% trong số 8.500 khách bay về là người Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chưa về được qua chuyến bay thường kỳ, những người bắt buộc phải về cùng với người nước ngoài có vợ, chồng ở Việt Nam. Thực tế đặt ra vấn đề người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch ở Việt Nam như thế nào? Họ có sợ quay lại nước thì bị cách ly không? Chúng ta thoáng nhưng họ khó thì sao" Chúng ta có thể tuyên bố mở, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế, còn các doanh nghiệp có tài giỏi để đón được khách hay không thôi. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ là mở từ tháng 10 rồi. Miễn visa đơn phương. Luật Xuất nhập cảnh hiện chúng ta miễn 13 nước, miễn song phương chủ yếu các nước Asean; 78 nước được cấp thị thực điện tử. 

Băn khoăn đặt ra là, nếu miễn thị thực đơn phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ bị "tuột tay". Khách du lịch họ vào tự do, doanh nghiệp có kiểm soát được không? Họ vào du lịch nhưng đi cá nhân, rồi đi xe ôm… thì doanh nghiệp du lịch có được gì không? Ai là người kiểm soát khách này? Đề nghị cân nhắc điều này.

>> 16:38 ngày 24/01/2022

"Không nên tổ chức test ở sân bay mà test ở nơi lưu trú cho khách du lịch quốc tế"

Ông Đinh Việt Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải: Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế. Từ tháng 10/2021, Bộ đã nghiên cứu mở lại các chuyển bay quốc tế. Tháng 12, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất. Hiện nay, chúng ta đã mở lại đường bay tại 10 thị trường. Hiện nay còn Trung Quốc chưa đồng ý. Những thị trường Đông Bắc Á chúng ta đã mở 14 chuyến/tuần. Hiện chúng ta đang đàm phán, thương thảo với một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Đinh Việt Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải phát biểu

Kế hoạch mở cửa khách du lịch quốc tế của chúng ta là 30/4, khớp với kế hoạch mở lại của ngành hàng không. Chúng tôi đã xin ý kiến của Chính phủ cho phép căn cứ vào nhu cầu của từng thị trường để được chủ động mở cửa các đường bay quốc tế. Hiện, chúng ta đang yêu cầu trước khi lên hoặc sau khi xuống tàu bay phải xét nghiệm Covid-19. Ở quốc tế, không có một nhà ga nào thiết kế để thực hiện việc xét nghiệm cả. Việc này gây tắc nghẽn và đây chính là rào cản kỹ thuật. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định này thì sẽ ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế. Chúng ta không nên tổ chức test ở sân bay nữa mà thực hiện test ở nơi lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Chúng tôi đang đề xuất điều chỉnh Công điện 9406/CĐ-VPCP về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.

>> 16:37 ngày 24/01/2022

Bộ Y tế: Sẽ xem xét, rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán đáp ứng được tình hình dịch cho người nhập cảnh

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ: Đối với các vấn đề về mở cửa du lịch, về phía Bộ Y tế, chúng tôi không thể nói là mở ngay bây giờ hay về sau vì nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh. Chúng ta biết là từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh diễn biến bùng phát nhanh, kéo dài. Từ năm ngoái đến nay liên tục xuất hiện biến chủng mới mà không biết bao giờ mới dừng lại nên phải có những phương án linh hoạt an toàn, đáp ứng yêu cầu. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trong 3 năm qua, chúng ta đã thay đổi khá nhiều phương án ứng phó với đại dịch, thời gian đầu, chúng ta khép chặt hơn, sau đó, lại có thêm biện pháp khác như thông điệp 5K, xét nghiệm, nghiên cứu cụ thể hơn để có thể đáp ứng linh hoạt hơn. Bên cạnh đó là tiêm vaccine để miễn dịch. 

 Ở đây, chúng ta không nên chỉ nói về mở cửa hay đóng cửa, đi lại hay không mà chúng ta phải tiếp cận ở hướng là phòng chống dịch như thế nào như điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách rộng hay nhỏ hẹp với phạm vi ít (bao gồm hạn chế đi lại trong nước nhập cảnh)... Việc đáp ứng còn phụ thuộc là không chỉ diễn biến ở một quốc gia mà là khả năng phòng, chống dịch mỗi nước. Việt Nam là nước tiêm chủng đứng top đầu trên thế giới. Việc tiêm vaccine có đặc điểm là dù tiêm nhưng không đảm bảo 100% không mắc, chỉ giảm nguy cơ tử vong, bệnh nặng, trong cộng đồng chúng ta vẫn có người chưa được tiêm. Chúng ta tiêm vẫn phải có biện pháp phòng tránh cẩn thận... Tuy nhiên, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ xem xét, rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán đáp ứng được tình hình dịch cho người nhập cảnh. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 2.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia

Về đề nghị của Bộ VHTTDL với Bộ Y tế vẫn tiếp tục triển khai tiêm vaccine, chúng tôi vẫn đang tích cực triển khai. Hiện chúng ta đã có gần 100% tiêm mũi 1 và mũi 2 là 95%, hiện đang tiêm cho người từ 12 tuổi và nghiên cứu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. Chúng tôi có xem bản báo cáo chương trình đón khách, so với thời gian thực hiện thí điểm thì hướng dẫn của Bộ Y tế có sự mở ra hơn. Đối với chương trình của hội thảo hôm nay, về khía của Bộ Y tế, chúng tôi xin ghi nhận thông tin và sẽ rà soát để cập nhật thường xuyên hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế, từng bước một mở cửa.

>> 16:33 ngày 24/01/2022

"Ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn"

TS.Bác sĩ Nguyễn Thu Anh- chuyên gia nghiên cứu độc lập đưa ra dự báo tình hình dịch và giải pháp chính: Chúng ta đều biết, khi Omicron xuất hiện, các ca bệnh tăng nhanh, dự báo 400 nghìn ca/ngày. Tuy nhiều nhưng ca bệnh lại nhẹ hơn. Thế giới thống kê, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong ít hơn chúng Delta. Chúng ta không nên lo lắng vì tỉ lệ tiêm của chúng ta cao. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

TS.Bác sĩ Nguyễn Thu Anh phát biểu tại Hội thảo

Giải pháp do chúng tôi tìm hiểu: 1. Đảm bảo cho người dân được tiêm vắc xin. 2. Thế giới đã chuyển giãn cách rộng sang hẹp. nghĩa là chúng ta ngồi trong 1 phòng thì đeo khẩu trang. 3. Năng lực điều trị bệnh tốt. Cần truyền thông về việc người dân bị dương tính thì nên làm gì; Y tế tư nhân điều trị bệnh nhân covid có thu phí. 

Các giải pháp trên không có giải pháp nào là đóng cửa du lịch. Đóng cửa không giảm được lây lan. Đóng cửa để Omicron không vào Việt Nam nhưng Omicron đã vào. Vậy đóng làm gì? Đóng chờ cái gì? Chờ vắc xin chống Omicron thì 2-3 năm chắc có lẽ xóa sổ ngành du lịch. Điều này không ai mong muốn. 

Làm gì để du lịch có thể mở cửa? Có thể mở từ hôm nay nếu đảm bảo an toàn: 1. Khách du lịch được tiêm đầy đủ xắc xin; Có giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay. 2. Các chuyến bây quốc tế không yêu cầu khách mặc bảo hộ màu xanh, chỉ cần đeo khẩu trang. Khi vào Việt Nam thì hãy ứng xử như khách nội địa, không cách ly. Nhưng cần thông báo nếu họ có triệu chứng thì nên báo cáo để xử lý. Cho y tế tư nhân tham gia điều trị có thu phí; Ưu tiên điều trị ở nơi thông thoáng. 

Ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn. Chúng ta có miễn dịch cộng đồng rồi. Thích nghi an toàn, không nên theo đuổi chiến dịch zero Covid-19. Tăng khả năng chống dịch, chứ không phải là chăng dây khắp mọi nơi.

>> 16:23 ngày 24/01/2022

Nên bãi bỏ những quy định không phù hợp để doanh nghiệp du lịch phục hồi sớm nhất

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch nêu 3 vấn đề để phục hồi du lịch. Thứ nhất cũng là vấn đề khó nhất đó là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly… Đây là hạn chế lớn nhất cho du lịch.

Thứ hai là hiện nay có nhiều điều kiện hạn chế khiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. Chính vì vậy, chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp. Chúng ta cần xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất.

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch

Thứ ba, con số gần 8.000 khách vừa qua rất nhỏ, trước đây ta đón gần 2 triệu khách/1 tháng. Có thể thấy, do quy định về phòng dịch hiện hành khách rất ngại vào Việt Nam. Tại sao chúng ta không bỏ các quy định đó đi để tạo điều kiện cho khách du lịch có thể đến Việt Nam. Tôi cũng không hiểu, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam thì chúng ta yêu cầu cần bảo hiểm để làm gì? Tại sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc mở càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam. Tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022.

>> 16:15 ngày 24/01/2022

"Có lẽ ngay lập tức có 7,800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách"

Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao chủ trương hết sức kịp thời của Bộ VHTTDL. Ông bày tỏ tin tưởng vào Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc khôi phục du lịch. Việc khôi phục kinh tế trong đại dịch là việc sống còn. Chúng ta bị thiệt hại vô cùng to lớn do ảnh hưởng của dịch trong thời gian vừa qua. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn là vì du lịch là khởi đầu của hàng loạt ngành kinh tế khác. Du lịch tan vỡ là các ngành khác tan vỡ theo nên du lịch cần được đặt lên hàng đầu.

Tại sao trong thời gian thí điểm vừa rồi chúng ta chỉ đón được 8.500 khách? Người ta khao khát vào Việt Nam nhưng chúng ta không có “lò xo” tạo sự thúc đẩy. Chúng ta phải có hoạt động mới có khởi động. Thứ nhất, cần đánh giá thí điểm giai đoạn 1 thành công hay không, từ đó rút kinh nghiệm. Chúng ta thành công là chỗ từ nơi tê liệt về du lịch đã bước đầu mở cửa. Số lượng khách vừa rồi thể hiện niềm tin của khách du lịch với chúng ta nhưng tại sao họ chưa sang nhiều? Có thể vì họ băn khoăn là khi sang có bị cách ly hay không. Chúng ta phải đánh giá đúng sự nguy hiểm của Covid -19, nhưng không có nghĩa là sợ. Tôi sang các nước họ đi rất đông, đeo khẩu trang, vào cửa hàng có mã QR code. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là thái độ của chúng ta với đại dịch như thế nào? Riêng với du lịch, người làm du lịch cần mạnh mẽ hơn quyết liệt hơn. Cần nhất bây giờ là visa. Trước 2020, chúng ta miễn visa đơn phương với mấy nước. Người dân họ nghĩ việc tôn trọng nước họ, cho họ vào. Giờ lại không nữa, thì họ nghĩ vào Việt Nam bằng cách nào, có cấp visa cho tôi không? Rõ ràng visa là vấn đề vô dùng có khó khăn mà doanh nghiệp không thực hiện được nếu chúng ta vẫn giữ như hiện nay.

Thứ hai là xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Các nước quy định thời gian này là trước khi lên máy bay. Quy định 72 tiếng trước khi nhập cảnh ở Việt Nam tôi nghĩ là không hợp lí. Tôi nghĩ chúng ta nên như các nước quy định là 72 tiếng khi bước chân lên máy bay đến Việt Nam. Chúng ta đã làm chương trình thí điểm rất tuyệt vời, rõ ràng nhưng đến giờ sau 2,3 tháng tình thế khác rồi, việc chống Covid -19 tốt hơn nhiều, niềm tin lớn rồi nên tôi nghĩ chúng ta cần mở cửa, không thí điểm nữa mà chính thức mở cửa.

Về visa chúng tôi đề xuất khôi phục miễn visa cho khách du lịch vào Việt Nam trước năm 2020. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp làm du lịch, vừa rồi có quy định tạm thời phù hợp với bối cảnh hồi tháng 11 nhưng đến giờ không còn phù hợp nữa, đủ điều kiện được đón khách. Nhưng phải kiểm tra các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đăng ký lại với Tổng cục Du lịch để đón khách. Doanh nghiệp nào còn đủ tiền ký quỹ thì đăng ký lại để đón khách. Tôi nghĩ có lẽ ngay lập tức có 7,800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách. Bộ Y tế trình Chính phủ về việc cách ly ở các địa phương để khách đến biết được rõ ràng. Đề nghị các địa phương nếu có gì thay đổi chính sách dành thời gian báo trước cho doanh nghiệp để họ thay đổi.

Thứ 3, thực ra chúng ta mở cửa có khách hay không? Chúng ta mở cửa sẽ có 1 số khách Việt Nam về nhưng sau khi hết khách rồi ai sẽ bay nên phải có chiến lược xúc tiến du lịch. Chúng ta đẩy mạnh công nghệ thông tin, mạng xã hội… nhưng với doanh nghiệp du lịch việc tiếp xúc trực tiếp quan trọng hơn. Ngoài việc làm marketing số ra là cần tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch thì mới có khách. Đó là việc vô cùng cấp bách. Chúng tôi đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch triển khai chương trình xúc tiến mạnh mẽ trong nước, ngoài nước. Đồng thời đề nghị Nhà nước xúc tiến điểm đến, doanh nghiệp xúc tiiến sản phẩm, Bộ có thể hỗ trợ doanh nghiệp một phần để doanh nghiệp tổ chức một số sự kiện xúc tiến, kết quả là xem có tăng lượng khách hay không chứ không thể để như vậy.

>> 15:50 ngày 24/01/2022

Thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines

Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: Thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ.

Phó Tổng GĐ Vietnam Airlines đề nghị: Việc thực hiện cấp visa như năm 2019. Cùng với đó, chúng ta tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Không thực hiện cách ly tại Hà Nội, nếu không sẽ không có khách. Cần có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu khách du lịch. Khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng xin phép Thủ tướng mở cửa du lịch từ 1/2/2022.

>> 15:47 ngày 24/01/2022

"Không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"

Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV cho ý kiến: Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, Hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành Du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao? Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm. 

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình phát biểu tại Hội thảo

Bài toán đặt ra là mở thế nào? Tôi nghĩ rằng cần mở theo thông lệ quốc tế. Việt Nam không kém gì các nước, mình đã đồng ý hộ chiếu vắc xin, mình cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm thì khách du lịch cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid -19, du khách cũng vậy. Trước chúng ta mở visa cho nhiều nước, sao giờ không mở thêm. Chúng ta hãy làm việc đơn giản và cẩn trọng vì quyền lợi của người dân và đất nước.

>> 15:44 ngày 24/01/2022

Hà Nội đề xuất mở cửa sớm 1 tháng

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội: Các hoạt động của Hà Nội trong năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến các chỉ tiêu trong 2021 hầu như không đạt kết quả, giảm sâu. Chúng tôi đồng tình với báo cáo của ông Nguyễn Trùng Khánh Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trình bày. Về tỉ lệ tiêm vaccine của thành phố với những người trên 18 tuổi thì mũi 1 đạt tỉ lệ 99,7%, mũi 2 đạt 99,4% mũi 3 là 44%. Đây là cơ sở để thành phố thích ứng với du lịch.

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội phát biểu

Trên cơ sở Hội thảo này: TP Hà Nội đồng tình với những nội dung của Bộ, Tổng cục Du lich có ý kiến, Hà Nội đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ mở cửa chính thức hoàn toàn trong đó có mở cửa du lịch nội địa và quốc tế.

Theo dự thảo của Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Đề nghị các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi COVID-19 trong thời gian 6 tháng.

>> 15:24 ngày 24/01/2022

Quảng Nam đã sẵn sàng mở cửa vào 30/4/2022

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Điểm cầu Quảng Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, Quảng Nam đã tích cực thực hiện chương trình kế hoạch phục hồi du lịch. Tỉnh thống nhất rất cao với đề xuất mở cửa dịp 30/4/2022. Tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình an toàn, khoa học và hiệu quả về việc mở cửa đón khách . Tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng từ kinh nghiệm thí điểm đón khách quốc tế vừa qua, dù có ca bệnh nhưng xử lý an toàn và linh hoạt để đảm bảo tốt nhất cho du khách. Tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL cần sớm ban hành Hướng dẫn thay thế Hướng dẫn 4122 để phù hợp với tình hình hiện này. Đồng thời, khi mở cửa thí điểm cần có quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu như vừa qua. Đồng thời, cần mở lại đường bay quốc tế châu Âu và châu Mỹ. Khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh. Liên quan đến việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022, đề nghị Bộ VHTTDL sớm thống nhất nội dung để tỉnh sớm triển khai thực hiện. Sớm thành lập Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia, Họp báo để công bố… Tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế. Cộng đồng du lịch của tỉnh rất phấn khởi khi nghe thông tin Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa vào dịp 30/4/2022.

>>15:22 ngày 24/01/2022

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Đề nghị tăng thời gian giấy chứng nhận PCR

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh gửi ý kiến tới Hội thảo

 Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu, Sở đã phối hợp chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến TP trong thời gian tới. TP HCM toàn toàn đồng ý với chủ trương đón khách quốc tế của Bộ VHTTDL đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, TP HCM kiến nghị: Theo Hướng dẫn điều kiện đón khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận PCR âm tính trong 48 giờ là không phù hợp vì nhiều thị trường đến Việt Nam rất xa, thời gian quá cảnh, bay nhiều. Ví dụ như các nước châu Mỹ, Canada… vì vậy, đề nghị tăng thời gian giấy chứng nhận PCR là 72 giờ.

>> 14:59 ngày 24/01/2022

Kiên Giang thống nhất cao việc mở lại thị trưởng quốc tế từ tháng 4/2022

Sau báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Đoàn chủ tọa Hội thảo đã chủ trì điều hành phần tham luận của các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia y tế.

Địa phương là nơi thực hiện du lịch ở đấy, gắn liền với sản phẩm, địa chỉ cụ thể. Còn Tỉnh giữ vai trò tiềm năng, vai trò dẫn dắt.

Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, sử dụng hộ chiếu Vaccine.

Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình  - Ảnh 1.

Ý kiến từ đầu cầu Kiên Giang

Đến nay, Kiên Giang đã tổ chức đón tổng cộng hơn 10 chuyến bay với hơn 1.200 khách quốc tế. Trong đó có 1 chuyến bay từ Hàn Quốc, 1 chuyến từ Thái Lan, 3 chuyên cơ khác đến từ Lào, 4 chuyến từ Uzbekistan, 1 chuyến Kazakhstan.

Theo kế hoạch đón khách từ các doanh nghiệp lữ hành thì trong tháng 1/2022 còn 6 chuyến bay đến từ Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Dubai với  hơn 1.200 khách. Vào tháng 2 có 5 chuyến đến Phú Quốc khoảng 1.000 khách. Nhìn chung các sự kiện đón khách được xem như là sự kiện mở đầu quan trọng của chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu Vaccine. Đánh dấu sự phục hồi và dánh đấu sự phát triển của ngành du lịch.

Công tác đảm bảo an ninh an toàn phòng chống dịch được quan tâm triển khai thực hiện theo hướng dẫn. Tuy nhiên việc đón khách quốc tế từ Kazakhstan và Uzbekistan vẫn phát sinh 1 số trường hợp dương tính với Covid -19.

Về việc mở cửa đón khách quốc tế không chỉ Kiên Giang mà các tỉnh đều mong đợi Kiên Giang có khách từ hơn 100 quốc gia và lãnh thổ như năm 2019. Đến nay, với kinh nghiệm phòng chống dịch cùng phương châm sống chung với dịch, việc mở cửa là phù hợp với tình hình thế giới. Kiên Giang thống nhất cao việc mở lại thị trưởng quốc tế từ tháng 4/2022.

Đón khách quốc tế sẽ tập trung cho một số thị trường truyền thống có công tác phòng chống dịch cao như Hàn Quốc, Trung Quốc , Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Mĩ… sau đó nghiên cứu và đề xuất thêm theo tình hình thực tế.

Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang đưa ra kiến nghị: Để tiếp tục thực hiện thí điểm đón khách quốc tế được thuận lợi thì đề nghị các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong việc đón khách. Tiếp đến tạm dừng đoàn khác từ Kazakhstan cho đến khi ổn định. Thứ ba cho phép địa phương chủ động lựa chon đơn vị lữ hành quốc tế đón khách, giảm bớt thủ tục với doanh nghiệp, thuận lợi cho quản lý

Việc mở cửa thị trường quốc tế chúng ta cần thực hiện 1 số việc như sau:

Chỉ đạo chỉ cho phép khách nhập cảnh mục đích du lịch khi đăng ký chương trình tour, có mua bảo hiểm.

Bộ Y tế nên banh hành biểu mẫu phương án phòng chóng dịch đồng bộ trên cả nước.

>> 14:47 ngày 24/01/2022

Đến 23/1: Việt Nam đón 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin

Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL ngày 5/11/2021 của Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến ngày 23/1/2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam.

 

Xin ý kiến về lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.

Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Đối với công tác xử lý sự cố y tế, trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa.

Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn.

Xin ý kiến về lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.

Cụ thể, từ nay đến 30/4/2022, tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2.

Từ 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

>> 14:45 ngày 24/01/2022

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã có những đóng góp và sự phát triển chung theo hướng bền vững. Tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch chiếm 10% trong tổng số GDP của cả nước và là ngành kinh tế được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đến việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng bằng các quy định của pháp luật nhất là khi Luật Du lịch ban hành vào năm 2017 và Chương trình phát triển du lịch được phê duyệt càng có điều kiện để du lịch phát triển vững chắc hơn.

Xin ý kiến về lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại, tổn thất. Du lịch được xác định là ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề. Nhiều cơ quan truyền thông gọi là "đóng băng, xuống đáy"… và du lịch VN không nằm ngoài xu thế bị tác động tiêu cực. Nhưng với nỗ lực cao, quyết tâm lớn, cùng với việc tìm kiếm những giải pháp có tính khả thi để du lịch trở lại hoạt động bình thường, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã nỗ lực cố gắng tìm hướng đi một cách thích hợp.

Thời gian vừa qua được hiểu như một chiếc lò xo nén, tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội thuận lợi sẽ bật lên thúc đẩy nền kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn.

>> 10:16 ngày 24/01/2022

Đón 7,8 nghìn lượt khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin trong 2 tháng

Tại Hội nghị báo cáo kết quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 (VTCI 2021) cho 15 tỉnh, thành phố để hỗ trợ phục hồi ngành Du lịch và mở cửa thị trường khách quốc tế diễn ra ngày 18/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thông tin về kết quả thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin. Theo đó, chỉ trong 2 tháng, ngành Du lịch đã đón 7,8 nghìn lượt khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin.

"Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch bệnh. Qua đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn trong khu vực, quốc tế" - Bộ trưởng cho biết.

"Liệu chúng ta có thể đề xuất Chính phủ mở cửa vào dịp 30/4 năm nay được không?" Bộ trưởng gợi mở và cho rằng, để trả lời câu hỏi này không hề đơn giản, đòi hỏi phải tiếp tục điều nghiên trên cơ sở khoa học, thực tiễn và đáp ứng được an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này không thể chờ đợi lâu và phải có bước đi, lộ trình phù hợp.

Nhóm PV Báo điện tử Tổ quốc thực hiện

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×