Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhà hát Tuồng Việt Nam kỷ niệm 55 năm Ngày Thành lập và Đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất

05/09/2014 | 15:05

Sáng 4/9, tại Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã long trọng kỷ niệm 55 năm Ngày Thành lập và Đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, cùng tập thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tới dự.



Tiết mục mở màn lễ kỷ niệm


Được thành lập vào năm 1959, tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có chặng đường dài 55 năm kế thừa, gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống của dân tộc. Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tập trung sức lực và trí tuệ của các tác giả, đạo diễn, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên khai thác, dàn dựng 88 tác phẩm sân khấu Tuồng thuộc nhiều đề tài: Truyền thống, lịch sử, dân gian, hiện đại, nước ngoài. Trong đó có hàng loạt các vở Tuồng cổ mẫu mực: Sơn  Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Triệu Đình Long cứu chúa, Đào Phi Phụng, Ngoại Tổ dâng đầu, Phụng Nghi đình, Nghêu-Sò-Ốc-Hến, Mục Quế Anh dâng cây, Nhất Điện thị hàm oan, Thất hiền quyến Trương Đồ Nhục, Lý Phụng Đình...

Ngoài  các vở Tuồng cổ, hàng chục trích đoạn đặc sắc cũng được chọn lọc, khai thác, phục hồi: Ôn Đình chém Tá, Đào Tam Xuân đề cờ, Châu Sáng qua sông, Châu Sương cấy râu, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Xuân Đào cắt thịt, Triệu Tử đoạt A Đẩu, Nữ Vương xé  nộm, Trụ Vương dỡn tượng, Ông già cõng vợ đi xem hội...  được đầu tư, tinh luyện để biểu diễn, nghiên cứu  giới thiệu nghệ thuật và truyền dạy cho các thế hệ diễn viên trẻ. Những tác phẩm Tuồng cổ, những trích đoạn mẫu mực đó là cây đại thụ lưu giữ và chuyển tải nguồn nhựa sống dồi dào của nghệ thuật Tuồng đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam và khán giả trên khắp năm châu, bốn biển.

Để việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống có hiệu quả, Ban Giám đốc Nhà hát các thời kỳ đã vạch ra những phương án và thực hiện một cách kiên trì, bài bản. Trước hết là định hướng đúng chiến lược phát triển nghệ thuật và đề ra các giải pháp cụ thể đó là tiến hành xây dựng các Dự án trong đó có việc xây dựng khu trưng bày và lưu giữ tư liệu bằng văn bản, đầu tư tổ chức quay phim chụp ảnh, ghi âm các vở diễn, vai diễn, các điệu múa, hát, bài bản âm nhạc mặt nạ hoá trang... của các nghệ nhân cao tuổi, các NSND, NSƯT của Nhà hát và nhiều địa phương trong cả nước để nghiên cứu và giảng dạy cho các thế hệ sau. Đồng thời, tổ chức tập huấn nhằm nâng cao tay nghề, thường xuyên luyện tập và biêu diễn các vở diễn, trích đoạn Tuồng cổ để phục vụ nhân dân. Việc làm này đã đem lại những kết quả tốt bởi nó không chỉ làm cho các nghệ sĩ được ôn luyện, nâng cao nghề nghiệp mà còn giữ gìn, bảo lưu vở diễn trên sàn diễn thông qua từng cá nhân nghệ sĩ. Nó giống như một bảo tàng sống chứ không phải chi lưu trữ trên các tư liệu văn bản hay băng, đĩa hình.
 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Nhà hát Tuồng Việt Nam

Với những thành tích đáng tự hào, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất; đồng thời, nhiều tập thể, cá nhân cũng nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL vì những đóp góp to lớn cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×