Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhà hát Tuổi trẻ: Không ngừng đổi mới và phát triển

05/04/2018 | 11:03

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đang hăng say tập luyện hướng đến ngày kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (10/4/1978 – 10/4/2018) và tham dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc vào tháng 4/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

40 năm một thương hiệu

Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập ngày 10/04/1978 là Nhà hát đầu tiên và duy nhất dành cho thiếu niên và nhi đồng. Trải qua bao thăng trầm, cho đến hôm nay Nhà hát Tuổi trẻ luôn giữ vững được thương hiệu với nhiều vở diễn đa dạng dành cho nhiều tầng lớp khán giả, một sân khấu lý tưởng cho tuổi trẻ thủ đô cũng như tuổi trẻ cả nước.

Hình ảnh trong vở kịch "Vòng phấn Kavkaz" gây ấn tượng cho khán giả với sân khấu tương tác. Ảnh: Gia Linh

Suốt 40 năm, Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến gần 500 chương trình nghệ thuật phục vụ hàng triệu lượt khán giả thuộc mọi tầng lớp trên địa bàn cả nước và quốc tế. Bằng sức trẻ, bằng sự nhạy bén và linh hoạt thích ứng với mọi nhu cầu thưởng thức của khán giả, Nhà hát Tuổi trẻ đã cho ra đời hàng loạt các Công trình nghệ thuật cao cả về tư tưởng, sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức, thể loại và có tính giáo dục cao từ lần đầu tiên đưa “Romeo và Juliet” lên sân khấu Việt, lần đầu tiên đưa kịch câm đến với khán giả thủ đô đến chuỗi chương trình “Đời cười” đã được khán giả đón đợi trong những năm gần đây. Trên sân khấu kịch nói, khán giả thủ đô nói riêng, khán giả cả nước nói chung vẫn nhớ mãi những “Rômêô và Juliet”; “Ôtellô”; “Trưởng giả học làm sang”; “Người tốt thành Tứ Xuyên”; “Lôi Vũ”; “Macbet”; “Con cáo và chùm nho”; “Nhà búp bê”; "Vòng phấn Kavkaz", “Âm mưu và tình yêu”, “Rừng trúc”; “Vũ Như Tô”, “Công lý không gục ngã”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ai là thủ phạm”, chuỗi chương trình “Đời cười”… Bên cạnh đó là các chương trình nghệ thuật hấp dẫn dành cho thiếu nhi như “Mảnh Lego màu đỏ”, “Cuôc phiêu lưu của gà trống”, “Dế mèn phiêu lưu ký” và “Phưu lưu trong thế giới hoạt hình”; các chương trình ca, múa, nhạc sôi động như “Hương xuân Hà Nội”…

Hình ảnh trong vở diễn "Công lý không gục ngã". Ảnh: Gia Linh

Tất cả đã góp phần tạo nên các trào lưu nghệ thuật và trào lưu thưởng thức trong cộng đồng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của nhân dân. Mặt khác, thông qua các đợt lưu diễn ở nước ngoài, thương hiệu “Nhà hát Tuổi trẻ” không chỉ được khán giả Việt kiều mà còn khán giả các nước trên thế giới biết đến đánh giá cao. Chính từ những tác phẩm nghệ thuật phản ánh chân thực cuộc sống, Nhà hát Tuổi trẻ đã tạo cho mình một thương hiệu riêng trong lòng công chúng.

Đồng hành với khán giả trẻ là nhiệm vụ sống còn

Hình ảnh trong chương trình thiếu nhi "Dế mèn phiêu lưu ký". Nguồn: NHTT

Đúng với tên gọi “tuổi trẻ”, việc đi đầu nắm bắt xu hướng, dám nghĩ, dám làm đã mang lại những thành công vang dội của nhà hát trong những năm qua và quan trọng nhất là dành được sự quan tâm từ phía khán giả. Đơn cử như tại chuỗi chương trình hài kịch “đời cười” xuất hiện năm 1999 đã trở thành một “hiện tượng” sân khấu thời bấy giờ và kéo theo sự ra đời của các chương trình như “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm” vẫn được đông đảo công chúng đón nhận hiện nay.

Ngày nay, khán giả đứng trước quá nhiều lựa chọn giải trí qua các phương tiện thông tin truyền thông, kéo theo “cơn khủng hoảng” đối với ngành sân khấu. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Nhà hát Tuổi trẻ trong việc phát triển khán giả.  Bên cạnh đó, là những khó khăn trong việc tìm tòi hướng đi sáng tạo cho các tác phẩm, định hướng phong cách nghệ thuật để sáng tạo các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhưng đồng thời cũng mang giá trị hội nhập, thu hút được công chúng và tiếp tục khẳng định thương hiệu được xây dựng suốt 40 năm qua.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ Nhà hát Tuổi trẻ cần luôn tâm niệm, luôn hướng đến khán giả trẻ, luôn tôn trọng khán giả trẻ, đúng như định hướng khi nhà hát được thành lập. Sáng tạo, đổi mới, phá bỏ “giới hạn” của sự khô cứng, sáo mòn là cách duy nhất để nhà hát tiếp tục phát triển đúng như tên gọi  Nhà hát Tuổi trẻ - nhà hát của những giấc mơ./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×