Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhà hát Kịch Việt Nam: Cánh chim đầu đàn nền kịch nghệ nước nhà

28/01/2017 | 16:38

Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) – “Anh cả đỏ” của nền sân khấu kịch nói Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, từng lớp diễn viên của nhà hát đã góp từng viên gạch, đặt nền móng cho sự phát triển của Nhà hát ngày hôm nay.

Bên thềm xuân Đinh Dậu, PV Trang tin điện tử CINET – Bộ VHTTDL đã có một cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam về hoạt động nghệ thuật của nhà hát trong năm qua.
Thưa ông, Nhà hát Kịch Việt Nam, “cái nôi” của nền kịch nghệ nước nhà đã trải qua hơn 60 năm trưởng thành và phát triển. Đứng trên cương vị người đứng đầu nhà hát, theo ông, đâu là động lực, là nguyên nhân đưa đến những thành công của nhà hát như ngày hôm nay?



Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Gia Linh

Số tuổi của nhà hát đã nói lên rất nhiều. Chúng tôi vẫn động viên nhau đấy là  bắt đầu bước đi đầu tiên của một vận hội mới của NHKVN khép lại 60 năm với nhiều vui, buồn đan xen. Năm nay, năm Đinh Dậu nhà hát đã bước vào năm thứ 65 với những vận hội mới.

Lịch sử, quá khứ hào hùng và tên tuổi của các nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi của nhà hát hôm nay. Đó vừa là nền tảng, vừa là động lực, là điểm tựa để cho chúng tôi tiếp tục dựng xây nối tiếp truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước.

Nhà hát Kịch Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn thời điểm năm 2012, 2013, khi nhà hát gần như đã đánh mất tiếng tăm của mình trong lòng công chúng, khi danh hiệu “anh cả đỏ” gần như đã bị lu mờ. Nhưng với niềm tin mãnh liệt vào nền tảng vững chắc, vào một quá khứ hào hùng, cùng sự đồng hành của các thế hệ nghệ sĩ, chúng tôi đã cùng vượt qua những khó khăn để có được những thành công trên sân khấu.

Những thế hệ diễn viên đứng trên sân khấu luôn lấy đó là nền tảng, là mục tiêu để phấn đấu cho xứng đáng với danh hiệu “anh cả đỏ”, xứng với sự kỳ vọng của thế hệ nghệ sĩ cha anh và công chúng yêu nước.

Đặc biệt trong 4 năm trở lại đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã trưởng thành, đã đổi thay từng ngày từng giờ, không những đổi thay về con người mà còn về nghệ thuật. Chúng tôi đã vượt qua chính mình và đạt được những thành tích ngoạn mục, hơn cả kỳ vọng, mong đợi. Thành công của những hội diễn vừa qua đã nói lên tất cả. Hầu như ở tất cả các hội diễn không chỉ trong nước mà còn tại các liên hoan quốc tế, số lượng các vở diễn đạt huy chương, số lượng nghệ sĩ đạt huy chương của nhà hát đều đứng đầu.

Hơn 60 năm qua, Nhà hát đã dàn dựng và biểu diễn rất nhiều tác phẩm. Theo ông, những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với khán giả là những tác phẩm nào?



Hình ảnh trong vở diễn "Biệt đội báo đen". Ảnh: Hà Tuấn

Có thể nói, NHKVN là cái nôi của kịch nói Việt Nam, nói đến kịch nói là nói đến Nhà hát Kịch Việt Nam. Trước đây, người dân vẫn quen gọi chúng tôi là Đoàn Kịch nói Trung ương, rồi đến Nhà hát kịch Trung ương.

Vở diễn kinh điển thì rất nhiều. Có thể tùy từng thời điểm, từng thời kỳ nhưng những người yêu kịch nói Việt Nam vẫn còn lưu giữ trong tâm trí đến ngày hôm nay các vở diễn như: “Chuông đồng hồ điện Kremlin”, “NiLa”, “Người cầm súng”, “Ánh đèn nê-ông”, “Người đốt đền” – vở kịch để đời của Nhà hát Kịch Việt Nam. Các vở diễn gắn liền với tên tuổi các nghệ sĩ của Nhà hát như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Quẫn”, “Vua Lia”, “Nhân danh công lý” – vở diễn chấn động sân khấu kịch nói đương thời, “Nghêu, sò, ốc, hến”.

Những năm gần đây nhà hát đã cho ra đời một loạt các tác phẩm gắn liền với hơi thở cuộc sống, chất lượng các vở diễn khẳng định tên tuổi “anh cả đỏ” như: vở “Tai biến” do NSND Anh Tú dàn dựng, vở “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ do đạo diễn Lâm Tuấn Hải phục dựng, vở “Lâu đài cát” của Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương do NSND Anh Tú dàn dựng, vở “Dư chấn” của nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng.

Năm 2016 là năm thành công với Nhà hát Kịch Việt Nam, xin ông cho biết đôi nét về những hoạt động nghệ thuật của nhà hát thời gian qua?

Năm 2016 là một năm thành công rực rỡ của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong năm, chúng tôi đã dàn dựng 05 vở diễn gồm “Biệt đội báo đen”, “Kiều”, “Khát vọng”, “Thầy và trò” và hiện nay đang hoàn thành nốt  vở “Lão hà tiện”.

Năm 2015 chúng tôi dàn dựng vở “Hamlet” nhưng đầu năm 2016 chúng tôi mới đưa được vở diễn sang Singapore, và vào TP. Hồ Chí Minh biểu diễn phục vụ khán giả. Có thể nói việc mang vở diễn sang Singapore với chúng tôi thực sự là kỳ tích.



Hình ảnh trong vở "Hamlet"  của NHKVN

Khi diễn tại nhà hát Victoria – một nhà hát rất cổ kính tại Singapore, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Singapore - Nguyễn Tiến Minh đã khẳng định “Thành công của vở diễn “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã nâng cao hình ảnh văn hóa của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”. Rất hiếm khi có một chương trình, một vở diễn hoành tráng như thế của Việt Nam có mặt tại Singapore và nước ngoài. Ít người có thể tin rằng chúng ta có thể dàn dựng được một vở diễn kinh điển mà lại chinh phục được khán giả nước ngoài như vậy.

Năm 2016 cũng là năm thành công của nhà hát tại các liên hoan quốc tế. Sau đợt lưu diễn tại Singapore theo lời mời của Hiệp hội nghệ thuật Singapore, chúng tôi tham dự chương trình giao lưu do Sở Văn hóa tỉnh Hà Nam, Trung Quốc mời. Tại Liên hoan, chúng tôi mang đến 02 vở diễn là “Lâu đài cát” và “Đám cưới con gái chuột”. Tiếp đến chúng tôi mang vở “Con gà trống” tham dự Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới 2016 tại Nhật Bản. Tháng 9 chúng tôi lại mang vở “Lâu đài cát” tham dự Liên hoan và Diễn đàn Sân khấu ASEAN - Trung Quốc lần thứ 4 tại Nam Ninh (Trung Quốc). Có thể nói năm 2016  là năm nở hoa đối với Nhà hát Kịch Việt Nam.



Hình ảnh vở diễn "Con gà trống" tham dự Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới 2016
tại Nhật Bản. Nguồn: NHKVN

Thực hiện chủ trương công diễn những tác phẩm chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trong năm 2016, NHKVN đã công diễn vở “Biệt đội báo đen” và “Hamlet” và nhận được sự tán dương của rất nhiều khán giả. Trong năm 2017, phía nhà hát có tiếp tục biểu diễn tại thánh đường này? và đâu là điểm nhấn cho các tác phẩm biểu diễn tại Nhà hát Lớn thời gian tới?

Năm 2017 theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, chương trình công diễn những tác phẩm chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ có nhiều đổi mới, rút kinh nghiệm năm 2016 vừa làm vừa thử nghiệm. Dự kiến sẽ có một tháng kịch ở Nhà hát Lớn vào khoảng tháng 8/2017. Tên gọi dự kiến sẽ là “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Bộ trưởng cũng chỉ đạo sẽ phục dựng lại những vở kịch đã rất thành công trước đây.

Riêng các tác phẩm của Nhà hát Kịch Việt Nam thì đã rất nhiều rồi. Phục dựng lại những vở diễn đó sẽ rất hay và đáp ứng sự đón đợi của công chúng. Trước mắt, mở màn cho tháng kịch sẽ có 05 đơn vị của Hà Nội tham gia gồm: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn Kịch nói Công an, Kịch nói Quân đội. Sau đó, Bộ trưởng sẽ tiếp tục mời các đơn vị ở các địa phương lên biểu diễn.

Bên cạnh chùm kịch sẽ có các chùm ca nhạc, chùm dân ca, chùm ca Huế… theo chỉ đạo của Bộ trưởng.
Được biết, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ văn hóa được Lãnh đạo Bộ VHTTDL giao, Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ông có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động này?

Không chỉ trong năm qua, mà nhiều năm nay, Nhà hát Kịch Việt Nam đã thực hiện hoạt động này rất tốt. Tất cả các đêm diễn của chúng tôi tại các địa phương hầu như đêm nào cũng trích lại doanh thu chuyển cho các quỹ làm tự thiện như: Quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, Quỹ khuyến học... Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi sẽ diễn phục vụ đồng bào bão lụt ở miền Trung miễn phí.

Bên cạnh đó, nhà hát có một chi đoàn rất mạnh, kết hợp với chi đoàn kết nghĩa của Học viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam thường xuyên có các chương trình giao lưu, tặng quà cho con em các vùng cao, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Đây là một hoạt động mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn Nhà hát Kịch Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm qua.



NS Hồ Liên trong vở diễn "Cải lão hoàn đồng" phục vụ con em chiến sĩ Trường Sa. Nguồn: NHKVN

Đặc biệt, năm 2016 Nhà hát Kịch Việt Nam có kết hợp với Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương của Trung ương Đoàn và phối hợp với Bộ tư lệnh Hải Quân. Chúng tôi phục vụ 02 chương trình biểu diễn để lại ý nghĩa chính trị rất lớn. Đầu tiên vào dịp 01/6, chúng tôi vào biểu diễn và tặng quà cho các cháu là con em các chiến sĩ công tác ngoài đảo tại vùng 4 Hải quân, Cam Ranh, Khánh Hòa. Đêm diễn với chủ đề “Bố công tác xa, con ở nhà có bạn” đã thu hút khoảng 2.000 trẻ em có bố đang công tác ngoài đảo tới xem. Đêm diễn thứ 2 vào dịp Trung thu 2016, diễn tại TP Hải Phòng – Vùng 1 Hải Quân phục vụ hơn 1.000 con em các chiến sĩ công tác ngoài đảo.

Chương trình đã được Bộ tư lệnh Hải Quân, các đài truyền hình đánh giá rất cao, góp thêm tình cảm cho người thân của chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Chúng tôi gọi đó là “góp tình thương xây dựng điểm tựa tinh thần cho các chiến sĩ ngoài đảo”.

60 năm đã đi qua với nhiều thăng trầm, đứng trên cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam xin ông cho biết phương hướng phát triển thời gian tới để viết tiếp truyền thống của nhà hát?

Nhà hát vẫn giữ vững định hướng nghệ thuật. Đó là dàn dựng những vở kịch kinh điển, vở kịch lớn, hiện đại, nói về đề tài nóng của đất nước, và những vấn đề người dân đang quan tâm, những vở kịch tâm lý xã hội với những vấn đề mà người dân đang trăn trở như đạo đức gia đình, nhà trường, tham nhũng…
 
Cùng báo giới, Nhà hát kịch VN nói riêng và giới sân khấu nói chung góp tiếng nói vào diễn đàn đấu tranh, giúp xã hội tốt đẹp hơn, gạt bỏ những tiêu cực, những hành động xấu làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình an của người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục dàn dựng những vở kịch kinh điển của nước ngoài để giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật của thế giới đến với công chúng yêu kịch của Việt Nam.

(Theo Cinet.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×