Nhà hát Chèo Việt Nam: Luôn được Bộ quan tâm để phát triển
09/08/2018 | 07:30NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, trong giai đoạn sân khấu còn gặp nhiều khó khăn thì nhà hát may mắn được Bộ VHTTDL luôn đồng hành và đầu tư. Nhờ nguồn đầu tư của nhà nước nên nhà hát đã dần có những bước chuyển mình, trong đó có vở chèo “Quan âm thị kính” được sang Mỹ lưu diễn.
+ Chị có thể chia sẻ những thành công trong việc đưa nghệ thuật Chèo đến với công chúng qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc mà Nhà hát đã dàn dựng?
- Nếu nói về thành công của nhà hát, tôi có thể tự hào chia sẻ thành công nhất đó chính là sự đoàn kết của anh em nghệ sĩ đã cùng nắm tay nhau vượt qua giai đọan sân khấu đang còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2013, nhà hát đã tham gia “Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc” đều có giải thưởng mang về: “Đường trường duyên phận”, hay tổ chức được hai chương trình về âm nhạc như: “Năm cung chèo 1 và 2”…Gần đây, những nghệ sĩ trẻ tham gia các cuộc thi tài năng về Chèo cũng đạt được kết quả cao…..Những vở gây được ấn tượng tốt đến khán giả và anh em trong nghề như: “Dây chàng hạt diệu kỳ”, “Giai điệu Tổ quốc”….Hay những đêm diễn tại Nhà hát Lớn trong năm qua cũng được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt.
Dự định trong thời gian sắp tới của nhà hát sẽ kết hợp với các tour du lịch để biểu diễn vở Chèo giới thiệu với khách quốc tế.
NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam
+ Những thuận lợi và khó khăn của đơn vị khi thực hiện các chương trình nghệ thuật là thế nào?
- Nhà hát đã có những nhạc công được chúng tôi đào tạo rất tốt, điều này cũng là một thuận lợi, anh em luôn nhiệt tình với công việc.
Khó khăn của nhà hát cũng chính là khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay. Nhà hát nào cũng đau đầu về kinh phí đầu tư hay kịch bản. Khi nguồn ngân sách eo hẹp mà mình muốn dàn dựng vở hoành tráng thì sẽ rất khó khăn, hay kịch bản hay để dựng vở thì luôn khan hiếm. Đã có nhiều tác giả gửi kịch bản về cho nhà hát nhưng chúng tôi đều phải tham gia để phát triển thêm ý tứ, khi dàn dựng phải bồi đắp thêm để cho vở kịch đến gần với thị hiếu khán giả.
Khó khăn là một chuyện nhưng nhà hát của chúng tôi may mắn luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng hành và ủng hộ. Nhờ có sự đầu tư của Bộ mà chúng tôi đã có một khoản tiền xúc tiến du lịch nên được vào Huế diễn.
+ Chị có thể tiết lộ, trong thời gian qua, Nhà hát đã có những hoạt động cụ thể gì nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam và nâng cao trình độ diễn xuất?
- Để quảng bá cho nghệ thuật Chèo thì chúng tôi đã quyết định kết hợp với các tour du lịch để kéo khách quốc tế đến xem. Nếu trước đây, nhà hát chỉ diễn tối thứ 6 hàng tuần thì trong năm nay, chúng tôi đã có thêm một buổi vào thứ 4. Sắp tới, nhà hát sẽ có thêm phòng “bảo tàng”, trong đó sẽ trưng bày những kỉ niệm liên quan đến môn nghệ thuật truyền thống này, để khi khách đến xem Chèo, còn có thể tìm hiểu kỹ hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Trong tháng 9 tới đây, nhà hát sẽ có 20 người trong vở “Quan âm thị kính” đi sang Mỹ lưu diễn.
Về đội ngũ diễn viên trẻ chúng tôi vẫn thường xuyên cho các em lên sân khấu và tạo điều kiện được tham gia các vở diễn, được cọ sát nghề cùng với thế hệ cây đa, cây đề của nhà hát. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cho các nghệ sĩ đi học đạo diễn….
Vở Chèo cổ "Nàng trinh nguyên"
+ Nghệ thuật biểu diễn là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa trong cuộc cách mạng 4.0. Đơn vị có định hướng gì để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động?
- Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng, len lỏi vào mọi ngành nghề và văn hóa, nghệ thuật cũng không nằm ngoài guồng quay ấy. Nếu như nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn có được trang thiết bị âm thanh, công nghệ hỗ trợ thì vở diễn sẽ có hiệu ứng tốt hơn. Tuy nhiên, vì sân khấu và vốn đầu tư vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn nên chúng tôi đang phải từng bước vượt qua.
+ Việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, khi chủ trương xã hội hóa và sáp nhập các đơn vị nghệ thuật được thực hiện một cách triệt để và mạnh mẽ. Vậy hướng đi nào để bảo tồn loại hình nghệ thuật này?
- Để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này, tôi và anh em nhà hát luôn nhắc nhở nhau “giai đoạn nào cũng sẽ có lúc khó khăn nhưng chỉ cần mình đồng lòng cố gắng thì sẽ vượt qua”.
Chúng tôi ngoài dựng những vở Chèo gần gũi với khán giả thì nhà hát còn phục dựng lại Chèo cổ, vừa qua, nhà hát tôi đã ra mắt vở Chèo cổ có tên “Nàng trinh nguyên”.
Tôi nghĩ, để giữ gìn và phát huy chỉ cần chúng ta có tâm huyết với nghề chắc chắn nghề sẽ không phụ mình. Tới đây, nhà hát đã có những dự định dài hơi cho việc xúc tiến du lịch, chúng tôi luôn có những vở diễn mới để kéo khán giả đến rạp. Hiện tại, tôi thấy phản hồi của khán giả rất tích cực với loại hình truyền thống này./.
+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan!
Bài liên quan:
Hợp tác Quốc tế: Nhiệm vụ quan trọng trong công tác của Nhà hát Kịch Việt Nam
Nhà hát Cải Lương Việt Nam và những nỗ lực trước cuộc cách mạng 4.0
Ngô Đồng