Nghệ sĩ kỳ vọng nền điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, hội nhập mạnh mẽ
16/03/2023 | 09:1970 năm Điện ảnh Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh khai sinh "Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam" - tiền thân Điện ảnh Cách mạng Việt Nam ngày nay - là một chặng đường đồng hành vẻ vang cùng với biết bao thử thách thăng trầm của lịch sử dân tộc. Các nghệ sĩ gạo cội, những nhà quản lý đã chia sẻ với chúng tôi về tâm tư, tình cảm cũng như kỳ vọng nền điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, hội nhập mạnh mẽ.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú- Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Muốn có một tác phẩm điện ảnh tốt phải đầu tư đúng nghĩa
Muốn có một tác phẩm điện ảnh tốt dù là phim giải trí hay nghệ thuật cũng cần phải có tiền đầu tư đúng nghĩa, thậm chí là đầu tư tốn kém. Nghị Quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị đã từng chỉ rõ "sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức". Do đó, nếu cắt giảm một cách cơ học, đầu tư nhỏ giọt, đầu tư toàn diện về cơ chế cũng như kinh tế đối với các dòng phim, tạo nên dòng chảy phong phú cho điện ảnh.
Để nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững và có đủ nội lực và điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có vai trò nổi bật của nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt theo đuổi dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn và trả lời câu hỏi: làm gì và làm sao để có tác phẩm đạt giá trị cao?
Trong diện mạo của điện ảnh Việt Nam hôm nay, sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim thương mại, giải trí hướng tới doanh thu. Khi đã coi điện ảnh là ngành nghệ thuật - kinh tế sáng tạo đặc biệt, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, khi đã xem tác phẩm điện ảnh là sản phẩm hàng hóa đặc biệt để xuất, nhập khẩu, lan tỏa giá trị toàn cầu, thực sự hòa nhập với điện ảnh thế giới - thì càng nên ghi nhận, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích cực đóng góp sôi động của các nhà làm phim tư nhân. Dù phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao để có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh, nhưng cũng nên trân trọng và có nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dòng phim này.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên khuyến khích dòng phim tác giả của những nhà làm phim độc lập. Với khám phá, tìm tòi, khát khao thể hiện ý tưởng, nhằm gửi gắm những thông điệp mang đậm cá tính riêng và nhắm tới các Liên hoan phim quốc tế và các thứ hạng giải thưởng từ các liên hoan phim này. Nhà nước cũng cần có sự phát hiện, dẫn dắt, nuôi dưỡng, quý trọng tự do sáng tạo, khuyến khích nâng đỡ những tìm tòi mới mẻ lành mạnh của những nghệ sĩ trẻ vốn sẵn tràn đầy khát vọng cùng bao năng lượng tích cực phát huy được tài năng và ham muốn dấn thân.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Phấn đấu có được những tác phẩm chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, có ảnh hưởng xã hội tích cực, sức sống lâu bền
Điểm lại quá trình 70 năm hình thành và phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, chúng ta vui mừng nhận thấy Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã và đang hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao phó trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; tích cực đóng góp xây dựng nền văn học nghệ thuật cách mạng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo, Ngành và Hội đã dày công xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao ý thức công dân - trách nhiệm xã hội, khao khát sáng tạo và tràn đầy tâm huyết với đất nước, dân tộc và sự nghiệp điện ảnh. Kho tàng Văn học nghệ thuật Cách mạng Việt Nam bao năm qua luôn tiếp nhận và phong phú thêm bởi hàng ngàn các bộ phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình của Điện ảnh; trong đó rất nhiều tác phẩm đã giành các giải thưởng lớn trong nước, quốc tế và in sâu trong tâm trí bao thế hệ khán giả Việt Nam.
Với riêng cá nhân, tôi có sự gắn bó sâu đậm và dài lâu với điện ảnh, đã nhiều năm cộng tác với điện ảnh với tư cách là một nhạc sỹ sáng tác. Tôi vinh dự được làm việc với các đạo diễn, biên kịch, quay phim, họa sĩ, kỹ sư âm thanh, diễn viên có tài và đáng kính như các vị Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Bạch Diệp, Đặng Nhật Minh, Bành Châu, Lê Đức Tiến, Đỗ Minh Tuấn, Hữu Mười, Lưu Trọng Ninh, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hữu Tuấn... Cảm ơn điện ảnh Việt Nam đã đưa tôi vào thế giới nghệ thuật thứ 7 và trở thành thành viên nhỏ của gia đình điện ảnh nước nhà với 6 giải âm nhạc trong các kỳ liên hoan phim Quốc gia.
Năm nay, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021). Tiến hành tổng kết 15 năm Nghị quyết 23 về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới". 10 năm Nghị quyết 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Năm 2025 tới đây văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ bước trọn chặng đường nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất. Hướng tới sự kiện quan trọng này, giới văn học nghệ thuật cả nước đang phấn đấu có được những tác phẩm chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, có ảnh hưởng xã hội tích cực, sức sống lâu bền với thời gian và tin tưởng Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.
NSND Trà Giang: Mong điện ảnh ngày nay nói lên văn hóa, cuộc sống, tâm hồn của người Việt Nam
NSND Trà Giang bồi hồi nhớ lại cách đây hơn 70 năm, khi là đại biểu trẻ nhất tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất 11-1946 cũng diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội như hôm nay. Bà nhớ lại thời Bác Hồ quan tâm đến điện ảnh, mở đường cho điện ảnh Việt Nam phát triển. "Như tôi bước vào ngành điện ảnh đã được 60 năm, đó là 60 năm không ngừng phấn đấu, theo như Bác nói: Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Tôi là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc từ khi mới 12 tuổi. Tôi được học hành, trưởng thành như hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn nhân dân Thủ đô, nhân dân miền Bắc đã yêu thương, đùm bọc và khích lệ tôi, ủng hộ tôi cho đến khi tôi trở thành người nghệ sĩ của nhân dân như bây giờ"- NSND Trà Giang xúc động.
NSND Trà Giang cũng tin tưởng vào thế hệ kế cận của nền điện ảnh hiện đại. Theo bà, lớp trẻ bây giờ thực sự rất giỏi. Các em được làm việc trong điều kiện đất nước hòa bình, máy móc hiện đại. Ngày xưa về mặt kỹ thuật, chúng tôi làm việc rất vất vả để phục vụ cho nghệ thuật. Còn các em bây giờ có đủ phương tiện và điều kiện để phục vụ cho ý tưởng của mình một cách dễ dàng.
Nữ nghệ sĩ cũng vẫn đau đáu nỗi buồn về Hãng phim truyện Việt Nam bởi sau khi cổ phần hóa, hãng không phát triển. "Ai đến thăm cũng rơi nước mắt. Tôi quay lại hãng cách đây 3 ngày và không thể nói nên lời. Nhưng tôi nghĩ rồi một ngày nỗi buồn sẽ lắng xuống và tương lai lớp trẻ sẽ có điều kiện hơn. Tôi mong các em cố gắng trong các phim của mình nói lên được văn hóa, cuộc sống, tâm hồn của người Việt Nam vì thời đại nào cũng cần. Những bộ phim như thế sẽ tồn tại mãi mãi cho dù là 70 năm hay 100 năm"- NSND Trà Giang bày tỏ.
NSND Ngọc Lan: Mong thế hệ trẻ say với nghề
Tên tuổi của NSND Ngọc Lan gắn liền với hàng loạt bộ phim: Lửa trung tuyến, Một ngày đầu thu, Biển lửa, Lửa rừng, Biển gọi, Một chiến công, Quê nhà, Mảnh trăng cuối rừng, Thị trấn yên tĩnh, Giông tố… Ở tuổi ngoài 80, bà vẫn tham gia nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích.
Chia sẻ về nghề diễn, NSND Ngọc Lan cho biết: Nghề diễn viên cũng là một trong những nghề vất vả nhất, lên rừng xuống biển, bất kỳ đâu cũng phải đi. Đóng phim ngày xưa còn cơ cực hơn nhiều. Tôi nhớ mãi ngày đóng phim Lửa trung tuyến và Quê nhà, có cảnh cánh quạt máy bay thì thổi, vòi rồng phun nước, rét đến nỗi đến giờ mỗi khi trở trời là người lại ốm đau xương khớp, viêm phế quản… Ăn uống ngày đó cũng vô cùng kham khổ. Phim Lửa rừng, Một chiến công, buổi nào cũng chỉ được phát cho một cái bánh mỳ và một bát bí đỏ xào chạy qua hàng mỡ. Lần ấy tôi vào vai cô bến phà trưởng, phim quay từ chập tối hôm trước đến 5, 6 giờ sáng hôm sau. Hôm nào về cũng nhờ anh em trong đoàn lặn lội nhảy xuống các hầm tăng xê bắt được mớ cóc, lại đèo từ bến phà Khuyến Lương về, nhờ người làm cóc lấy thịt làm thực phẩm cho con. Thời đó, vất vả là thế, nhưng không ai nghĩ đến tiền thù lao, không so tính tiền nong nhiều ít, khổ sở cũng chịu miễn là được hăng say với nghề.
Ngày nay, điều kiện làm phim dễ dàng hơn, máy móc hiện đại hơn, tôi mong thế hệ các diễn viên, đạo diễn trẻ say nghề, cống hiến nhiều hơn nữa để điện ảnh Việt Nam có những tác phẩm thực sự chất lượng.
Diễn viên Quyền Linh: Mong ước kết hợp người làm điện ảnh xưa với người trẻ
Kỷ niệm 70 năm điện ảnh Việt Nam, ký ức lại ùa về, cái thời chúng tôi làm phim hoành tráng lắm, một phim có khi làm 1-2 năm mới hoàn thành. Bây giờ một thời đại mới, xu hướng mới, một thế hệ làm phim mới cập nhật các xu hướng hiện đại, tôi cho đó là một bước phát triển lớn. Tuy vậy, Quyền Linh và anh em nghệ sĩ vẫn mong cơ quan chức năng đầu tư, quan tâm nhiều hơn đến điện ảnh nước nhà.
Không khí vào rạp xem phim bây giờ mang tính thương mại nhiều quá, rạp chiếu của nhà nước gần như không còn. Đó là thiệt thòi rất lớn của các anh em làm điện ảnh. Vì làm phim phải lo chỗ chiếu đã mà rạp thì gần như xã hội hóa hết. Ngoài việc làm nghệ thuật, họ phải lo về kinh tế nữa vì cạnh tranh rạp chiếu, suất chiếu, rồi tỷ lệ ăn chia với rạp rất căng thẳng.
Với những người làm điện ảnh, khi không còn hãng phim lớn như Hãng phim truyện Việt Nam hay Hãng phim Giải Phóng, đó là một nỗi buồn lớn. Vì điều đó đồng nghĩa với việc không còn những bộ phim hoành tráng nữa. Các hãng phim tư nhân làm rất tốt việc của họ là cập nhật những cái mới nhất, hiện đại nhất, đưa phim ảnh đến với khán giả, làm phim đúng nhu cầu của khán giả nhưng cái thiếu lại là giá trị truyền thống, thiếu những "cây đa cây đề", tên tuổi làm điện ảnh. Giá như có sự kết hợp của những người làm điện ảnh xưa với người trẻ thì điện ảnh của chúng ta sẽ mạnh hơn./.