Ngày hội cây Nêu: Nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc
07/11/2023 | 14:45Sáng 7/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đã chủ trì buổi làm việc với BTC Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023.
Tham dự buổi làm việc có đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc, đại diện 7 tỉnh tham dự Ngày hội và các đơn vị liên quan.
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II (gọi tắt là Ngày hội) nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc. Đồng thời, kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động của Ngày hội cần truyền tải thông điệp và lan tỏa giá trị văn hóa của các dân tộc. Buổi làm việc nhằm lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn từ hai cơ quan đồng chủ trì tổ chức Ngày hội và các đơn vị tham gia với tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để Ngày hội được tổ chức thành công.
Báo cáo tại buổi làm việc Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 23 – 25/11 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ 6 tỉnh/thành phố có nghi thức dựng cây nêu gồm Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đà Nẵng.
Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp vùng, miền, dân tộc.
Qua đó, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao giữa các vùng, miền, địa phương; giữ gìn, phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ thể hiện ước vọng về đời sống tâm linh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu VHTTDL các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 là điểm nhấn của Tuần Đại đoàn các kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam. Chương trình diễn ra vào 20h00 ngày 23/11 tại Quảng trường làng III (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam), được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Thông tin về tiến độ chuẩn bị cho Ngày hội, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Ngày hội được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho người dân, du khách được thụ hưởng các giá trị văn hoá; tạo ra những giá trị văn hóa phù hợp với không gian của đồng bào các dân tộc.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Ngày hội đang được Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam tích cực triển khai trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương. Làng cũng đang phối hợp chặt chẽ với Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam để sớm hoàn thiện kịch bản cho chương trình khai mạc.
Sau khi lắng nghe phần báo cáo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao nỗ lực của Vụ Văn hóa dân tộc, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và các đơn vị liên quan khi đã, đang chủ động tháo gỡ khó khăn; thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Ngày hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đặc biệt lưu ý đến công tác rà soát nội dung, hoạt động của Ngày hội. Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh, đồng bào tham gia Ngày hội phải có sự đầu tư kỹ lưỡng cho các tiết mục trình diễn; đảm bảo tính chính xác trong tái hiện những nét đẹp văn hóa nhưng vẫn đề cao tính nghệ thuật và gắn liền với quảng bá, phát triển du lịch.
Nội dung các hoạt động phải đặc sắc, hình thức phong phú, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa; đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại.
Bên cạnh đó, các hoạt động tại Ngày hội cần được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc.
"Các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa phải mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng dân gian của dân tộc tại địa phương; thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống. Đối với hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của các địa phương tham dự Ngày hội, các đoàn trưng bày mô hình, hiện vật, tranh, ảnh, nhạc cụ… theo hướng phản ánh chính xác văn hóa đồng bào các dân tộc trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; nêu bật những thành tựu trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, trình diễn nghề thủ công truyền thống…", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ.
Đặc biệt với lễ khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn kịch bản chương trình sẽ làm nổi bật ý nghĩa của hình tượng cây Nêu trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc; huy động sự tham gia của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để bà con được quảng bá những nét đẹp văn hóa trên sân khấu lớn của Ngày hội.
Đối với những công tác khác, Thứ trưởng đề nghị triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Ngày hội.
Cùng với đó khi Ngày hội diễn ra, phải thực hiện nghiêm các quy định về công tác an ninh, đảm bảo an toàn cho đại biểu, đồng bào, người dân, du khách về dự Ngày hội- Thứ trưởng yêu cầu./.