Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngày Độc lập 2/9: Những hình ảnh sống lại mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc

12/08/2020 | 16:01

Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020) Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề "Ngày độc lập 2/9". Với 150 tài liệu, hiện vật và những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử, trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do… để từ đó góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trưng bày là hoạt động văn hóa góp phần kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (2/9/1945-2/9/2020). Tiếp tục khẳng định Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Trưng bày sẽ khai mạc ngày 18/8 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trưng bày "Ngày Độc lập 2/9" được chia thành 2 phần: Sức mạnh dân tộc và Ngày Độc lập 2/9.

Ngày Độc lập 2/9: Những hình ảnh sống lại mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ở phần I, Sức mạnh dân tộc tập trung giới thiệu những nội dung như: Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, tháng 5/1941 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước của dân tộc để xây dựng khối đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng… cùng với quá trình chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, khi thời cơ đến, Đảng đã phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền; Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày (16/8/1945) nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước; sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị (30/8/1945), chế độ phong kiến tồn tại trên đất nước ta hàng ngàn năm bị xóa bỏ.

Trong phần trưng bày này, công chúng có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu rõ hơn về lịch sử cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta qua một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu như: Sưu tập Nghị quyết, văn kiện của Trung ương Đảng; sưu tập báo chí, truyền đơn của Đảng; sưu tập vũ khí nhân dân sử dụng trong Cách mạng tháng Tám; sưu tập cờ sử dụng trong Cách mạng tháng Tám; sưu tập hiện vật nhân dân ủng hộ cách mạng trong Cách mạng tháng Tám.

Đó là bức tranh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 28/1/1941; đó là hình ảnh thân thuộc, bình dị Lán Khuổi Nậm, Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đã họp từ 10/5 đến 19/5/1941, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Đó là bản trích Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8/1945 "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta".

Ngày Độc lập 2/9: Những hình ảnh sống lại mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc - Ảnh 2.

Nhân dân Hà Nội sản xuất cứu đói

Đó là bộ sưu tập vũ khí thô sơ tự tạo như súng kíp, dao găm, mã tấu, gậy tầm vông, giáo mác... được nhân dân Việt Nam sử dụng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Là con dao của ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Chùa Tiếng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên dùng bảo vệ đồng chí Hoàng Văn Thụ, tháng 9/1941; là dao găm, Ông Nguyễn Đức Lao dùng tham gia cướp chính quyền ở Hà Đông, năm 1945; là mũi lao mà bà Ngong ở thôn Trung Chữ, xã Ninh Giang, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình dùng trong ngày giành chính quyền ở tỉnh, năm 1945; hay gậy tầm vông của anh Phan Khắc Minh, ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang dùng tham gia giành chính quyền ở địa phương, tháng 8/1945.

Đó là bộ sưu tập những hình ảnh Khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, tháng 8/1945: nhân dân huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi trong ngày Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, tháng 8/1945; Đội du kích Ba Tơ tiến về giải phóng thị xã Quảng Ngãi trong ngày Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, tháng 8/1945; Các chiến sĩ tự vệ thành phố Hải Phòng mít tinh, biểu dương lực lượng trong ngày Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945… Đặc biệt là những hình ảnh quý hiếm như hình ảnh Chi đội 4 Giải phóng quân tiến vào Hà Nội trong ngày Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945; Nhân dân và lực lượng tự vệ cách mạng tỉnh Cao Bằng mít tinh biểu tình trong ngày Tổng Khởi nghĩa, tháng 8/1945; ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt, kiểm tra đơn vị giải phóng quân, chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 26/8/1945…

Ngày Độc lập 2/9: Những hình ảnh sống lại mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc - Ảnh 3.

Lán Khuổi Nậm- nơi Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đã họp từ 10-5 đến 19-5-1941, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh

Phần 2: Ngày Độc lập 2/9 gồm những hiện vật, tài liệu thể hiện sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thành quả của Cách mạng tháng Tám: Nhà nước dân chủ nhân dân; Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946; Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946; và ký ức về ngày Độc lập- qua những câu chuyện kể, hồi ức của các nhân chứng lịch sử.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn người dân vừa được giải thoát khỏi kiếp nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những hình ảnh đã quen thuộc với công chúng như: Bản Tuyên ngôn độc lập; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập"; bộ quần áo kaki, một trong những bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong những ngày đầu cách mạng sau khi giành được chính quyền… nhiều hình ảnh mới được triển lãm như micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945; Sổ tay ghi công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi công việc hàng ngày của Người từ 2/9/1945 đến 17/10/1945 (bản viết tay); Sổ ghi thông tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi những thông tin chi tiết, năm 1945.

Cùng với đó là những hình ảnh, hiện vật của đất nước Việt Nam khi mới thành lập như: Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946; Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 (Bản viết tay năm 1994, có chữ ký của tác giả tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia); Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được phát hành và lưu thông để khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính của nhà nước Việt Nam độc lập.

Cùng với việc sống lại những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc qua những hiện vật, hình ảnh… công chúng còn có thể được gặp lại những nhân vật- những nhân chứng lịch sử của những ngày tháng không quên ấy và những câu chuyện kể.

Ngày Độc lập 2/9: Những hình ảnh sống lại mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc - Ảnh 4.

Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946

Ông Phạm Hồng Cư, sinh năm 1926 - Đội viên Trung đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 bồi hồi nhớ lại: "Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình được tổ chức hết sức chặt chẽ. Có ba lực lượng chính đó là: Sở Liêm phóng Bắc Bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ các thành viên Chính phủ Lâm thời. Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu chúng tôi bảo vệ địa bàn nơi diễn ra Lễ Độc lập, còn đơn vị Giải phóng quân từ chiến khu về được phân công trực tiếp bảo vệ lễ đài. Ngoài ra, các lực lượng quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc... tuy dự mít tinh nhưng có ý thức cùng bảo vệ Chính phủ Lâm thời".

Bà Lê Thi sinh năm 1926, người kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Khi bài Quốc ca vang lên cũng là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, khi bài Quốc ca vừa kết thúc là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình.… Đó cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào"./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×