Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng

18/07/2024 | 15:40

Sáng 18/7, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có cuộc làm việc với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông; Trịnh Thị Thủy; Hoàng Đạo Cương; Hồ An Phong cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm việc với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

"Chưa bao giờ ngành VHTTDL nhận nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như hiện nay"

Tại buổi làm việc, báo cáo tóm tắt về kết quả công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 6 tháng vừa qua, Bộ VHTTDL cũng như toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó, Bộ đã làm tốt vai trò tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong việc tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành VHTTDL.

"Chưa bao giờ ngành VHTTDL đón nhận nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ như hiện nay. Trong các văn kiện, nghị quyết hay các phát biểu chỉ đạo của các lãnh đạo chủ chốt đều đề cập đến vấn đề văn hóa, trên nhiều phương diện. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở các cấp ủy, chính quyền được nâng lên, từ đó đã có những chuyển biến tích cực trong hành động", Bộ trưởng cho hay.

Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã tập trung hoàn thiện, rà soát khoảng trống về pháp lý để tiếp tục tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật và Nghị định, xem đây không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn kiến tạo sự phát triển.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tóm tắt về kết quả công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.

Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng và có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ VHTTDL đã xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền 2 dự án Luật (Luật Di sản văn hóa sửa đổi, Luật Quảng cáo sửa đổi) và 3 Nghị định.

"Đáng chú ý, Quốc hội đã cho ý kiến lần 1 về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030. Đây là một trong những dấu ấn của Bộ VHTTDL, vượt qua tư duy nhiệm kỳ để kiến tạo sự phát triển, huy động sức mạnh tổng hợp nhằm phát triển văn hóa theo hướng bền vững như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, xác định xây dựng văn hóa là công việc lâu dài, đòi hỏi cần phải phát huy sức mạnh của nhân dân, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, Bộ VHTTDL đã tập trung vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa.

"Chỉ có môi trường văn hóa lành mạnh mới kiến tạo sự phát triển và tạo ra những con người văn hóa", Bộ trưởng nói và cho biết với cách tiếp cận này, sau lễ phát động công tác "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" tại tỉnh Nghệ An – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL đã phối hợp để phát động xây dựng môi trường văn hóa tại các cơ quan, doanh nghiệp…

Từ đó, hình thành nhiều mô hình mới, cách làm hay, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến. Tiêu biểu như gương "Trưởng thôn thân thiện" tại thủ đô Hà Nội; mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" tại Vĩnh Phúc; mô hình "Phát triển Câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh" tại Nghệ An...

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 3.

Bộ trưởng cho biết trong công tác tham mưu, Bộ VHTTDL đã chọn đúng, trúng, làm có trọng tâm, trọng điểm.

Về xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, Bộ trưởng cho biết với quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, sau khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 được ban hành, Bộ VHTTDL không chỉ đẩy mạnh triển khai trong công tác phòng chống bạo lực mà mục tiêu hướng đến xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Cùng với đó, sau thành công của Hội thảo khoa học quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", Bộ đã tập trung chỉ đạo và đề nghị các tỉnh, thành ban hành các nghị quyết chuyên đề. Đến nay, 63/63 tỉnh đều có các kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để phát huy giá trị, tiềm năng văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người ở mỗi vùng đất.

"Nhìn chung, trong công tác tham mưu, Bộ VHTTDL đã chọn đúng, trúng, làm có trọng tâm, trọng điểm. Từ công tác thể chế đến các nội dung hoạt động cụ thể", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điểm sáng tiếp theo cũng trong lĩnh vực văn hóa đó là các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức góp phần quảng bá, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa (nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một), đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ VHTTDL đã chủ trì tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-07/5/2024); phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức thành công Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 với chủ đề "Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận"; phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì hòa bình năm 2024; các sự kiện Liên hoan trình diễn nghệ thuật...

Du lịch, thể thao đạt nhiều kết quả quan trọng

Đối với lĩnh vực du lịch, thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, du lịch Việt Nam tiếp tục có sự phát triển, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là "điểm sáng trong bức tranh kinh tế".

Bộ VHTTDL đã tập trung khai thác, mở rộng thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm, tiềm năng để thu hút khách du lịch. Lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã có dấu hiệu tăng; trong đó, có những thị trường đã phục hồi và vượt qua các con số thống kê thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Cũng theo Bộ trưởng, du lịch nội địa được xác định là bệ đỡ của ngành du lịch. Điểm đáng mừng là mỗi địa phương đã bắt đầu có những sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời có sự kết nối trong việc phát triển vùng.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 5.

Bộ trưởng nhấn mạnh công tác đối ngoại về văn hóa được triển khai đồng bộ, từng bước đi vào chiều sâu, góp phần chung trong thành tựu đối ngoại của đất nước.

Về thể thao, thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột, thể thao cho mọi người với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" để phát hiện tạo nguồn, đưa thể thao thành tích cao phát triển và thể thao thành tích cao cũng được quan tâm, chú trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương tổ chức 14 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia. Thể thao thành tích cao giành được 57 huy chương vàng, 55 huy chương bạc, 71 huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 16 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024.

Điểm sáng tiếp theo đó là công tác đối ngoại về văn hóa được triển khai đồng bộ, từng bước đi vào chiều sâu, góp phần chung trong thành tựu đối ngoại của đất nước. Trong đó, các hoạt động xúc tiến, các ngày văn hóa, tuần văn hóa đã được triển khai một cách trọng điểm, gắn với các sự kiện, nhiệm vụ chính trị.

"Gần đây nhất là Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc dưới sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga với tổng thể 3 hoạt động đã được sự đón nhận, quan tâm đặc biệt của nước chủ nhà, qua đó nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế", Bộ trưởng bày tỏ.

Các Thứ trưởng Bộ VHTTDL báo cáo tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Trong đó có những thách thức và quan hệ có tính mâu thuẫn.

Cụ thể: Mâu thuẫn thứ nhất là mâu thuẫn giữa nhận thức của xã hội với chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL; Thứ hai là mâu thuẫn giữa mục tiêu cần hướng đến và nguồn lực được phân bổ cho mục tiêu này còn khó khăn; Thứ ba nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa đang còn đang thiếu, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành trong quản lý, nghiên cứu sâu về văn hóa, nghệ thuật.

"Có thể thấy việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách đã được nhìn ra nhưng quá trình thực thi còn gặp nhiều khó khăn", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, ngành VHTTDL đang thiếu cơ chế để phân tích dự báo, nhất là công tác thống kê. Việc thiếu cả hạ tầng cứng và phần mềm là bài toán không phải "ngày một ngày hai" có thể giải quyết được.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tạo nên thách thức cho sự phát triển của văn hóa. Để khắc phục đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp, lâu dài và có chiều sâu.

"3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả"

Điểm những kết quả nổi bật và khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu những bài học kinh nghiệm rút ra và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.

Theo đó, Bộ VHTTDL và toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ "làm văn hóa" sang " quản lý Nhà nước về văn hóa", triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt.

Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Tập trung phát triển văn hóa toàn diện, trên cơ sở kết quả làm được; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa; Rà soát, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; Tập trung triển khai Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong thời kỳ mới; Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch, tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024...

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 7.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Bộ trưởng cho biết, để hoàn thành các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024 và cuối nhiệm kỳ, toàn ngành chú trọng thực hiện "3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả".

Cụ thể, 3 Quyết tâm gồm: Quyết tâm tăng tốc, về đích, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch công tác năm 2024 đã đề ra; Quyết tâm xây dựng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, thực thi nhiệm vụ với phương châm "nỗ lực của mỗi người tương lai của chúng ta"; Quyết tâm tổ chức thành công, hiệu quả, có sức lan tỏa các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch lớn, quy mô toàn quốc.

4 Chủ động gồm: Chủ động xử lý công việc theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao, không thoái thác, không né tránh, không đùn đẩy; Chủ động là "đối tác tin cậy trong mọi nhiệm vụ" khi phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xử lý công việc, tạo sức mạnh tổng hợp; Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các ban, bộ, ngành, địa phương; Chủ động công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân lực chất lượng cao.

5 hiệu quả gồm: Hiệu quả về sử dụng nguồn lực: Phân bổ dự toán, giải ngân vốn đầu tư công, khai thác sử dụng cơ sở vật chất; Hiệu quả trong thực thi hoạt động nghiệp vụ: phải suy nghĩ thực thi nhiệm vụ có chiều sâu, để "xuất sắc là một thói quen"; Hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp; Hiệu quả thực sự về xây dựng Đảng tại các cơ quan, đơn vị; Hiệu quả thi đua, thi đua phải thực chất, vì "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông".

Tại buổi làm việc, sau báo cáo kết quả công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 của Bộ VHTTDL của Bộ trưởng, các Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Trịnh Thị Thủy; Hoàng Đạo Cương; Hồ An Phong và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã lần lượt báo cáo, làm rõ hơn từng lĩnh vực trong phạm vi phụ trách.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch khởi sắc với nhiều điểm sáng - Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu kết luận buổi làm việc.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Bộ VHTTDL cũng như toàn ngành đạt được trong thời gian qua. Trong đó, cả ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đều có sự khởi sắc, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ VHTTDL là bộ quản lý lĩnh vực rất rộng và với nhiều đặc thù. Việc thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa là sự chuyển hướng quan trọng, đúng đắn tạo tiền đề để Bộ thực thi các nhiệm vụ quan trọng.

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng bày tỏ nhất trí cao với các phương hướng, nhiệm vụ mà Bộ VHTTDL nêu ra, đồng thời đề nghị Bộ ưu tiên triển khai các công việc khả thi trước mắt cũng như có định hướng tiếp tục với các công việc lâu dài./.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×