Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế
01/05/2021 | 17:11Ngày 28/ 4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”.
Chủ trì hội thảo là Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và Bà Belinda Lui, Chủ tịch MPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tham dự Hội thảo có đại diện các ban, bộ ngành trung ương và các địa phương.
Đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo trực tuyến quốc tế về điện ảnh Việt nam do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đồng tổ chức. MPA là Hiệp hội thương mại đại diện cho 6 hãng phim lớn ở Hollywood (Paramount Pictures, Sony Pictures, Universal Pictures, Walt Disney Studios, Warner Bros và Netflix). Sự tham gia trực tuyến của các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh của Hoa Kỳ và quốc tế sẽ tạo cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm và mở rộng hợp tác cho các nhà làm phim Việt Nam. Hội thảo cũng giới thiệu môi trường làm phim ở Việt Nam, thế mạnh, khả năng thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam.
Hội thảo đưa ra những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế. Đó là: xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất để làm ra những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; tầm quan trọng của bản quyền và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững.
Hội thảo quốc tế "Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế" bao gồm 3 phần. Nhà biên kịch, sản xuất Kay Nguyễn là người dẫn chương trình.
Phần 1 với chủ đề Quan điểm của các nhà làm phim có sự tham gia của các chuyên gia: Đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn; Ông Nelson MOK, Giám đốc, Cố vấn Film Group và Đạo diễn Phan Đăng Di. Tham gia điều phối phần 1 là Bà Phan Cẩm Tú, chuyên gia về sở hữu trí tuệ, Đại diện MPA tại Việt Nam.
Trong phần này các diễn giả tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề: Làm thế nào sản xuất các bộ phim, chương trình truyền hình có chất lượng cho cả thị trường Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Kế hoạch phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam: nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; phát triển các kênh phát hành, hệ thống rạp chiếu phim; hệ thống phát hành phim trực tuyến.
Phần 2 với chủ đề Tư duy toàn cầu có sự tham gia của: Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh; Ông Jay Roewe, Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách Sản xuất và ưu đãi, HBO/Warner Media; Ông Freddie YEO, Giám đốc điều hành, Infinite Studios; bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham gia điều phối phần 2 là Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh.
Nội dung thảo luận bao gồm: Làm sao để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng làm phim quốc tế? Các ưu đãi sản xuất phim hợp tác, xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam có tính cạnh tranh lành mạnh? kinh nghiệm của các nước xây dựng thị trường đã thành công như điện ảnh Hàn Quốc, Singapore, Úc, Niu – Di - Lân
Phần 3 với chủ đề Bảo vệ thành quả có sự tham gia của Bà Esther Peh, Trưởng nhóm bộ phận Đối ngoại và Luật pháp quốc tế, Châu Á Thái Bình Dương; bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD): Bà Grace Chui, Luật sư cao cấp về bảo vệ nội dung, Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ khu vực Châu Á Thái Bình Dương; Ông Yew Kuin Cheah, Cố vấn chính chống vi phạm bản quyền – Truyền thông kỹ thuật số tại Công ty Walt Disney. Tham gia điều phối phần 3 là Bà Esther Peh, Trưởng nhóm, Bộ phận Đối ngoại và Luật pháp quốc tế, Châu Á Thái Bình Dương.
Nội dung thảo luận gồm: Cơ chế bảo hộ bản quyền hiệu quả có thể khuyến khích và nâng đỡ việc tạo dựng các sản phẩm sáng tạo như thế nào? Xây dựng một nền kinh tế số sáng tạo cần tập trung vào những điểm nào? Kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý hiệu quả các trang web lậu và mang lại doanh thu cho các kênh khai thác phim chính thống?
Trong 3 phiên hội thảo có phần thảo luận của bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh; Bà Vũ Thị Thu Thủy, Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh; bà Đinh Thanh Hương, Chủ tịch điều hành của Galaxy Studio; ông Nguyễn Trinh Hoan, Giám đốc HK Film; Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và những nhà làm phim đang là lực lượng chủ lực của hoạt động điện ảnh Việt Nam như: các đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân, Lê Thanh Sơn, Vũ Ngọc Phượng, Võ Thanh Hòa, Lý Minh Thắng; biên kịch Trần Khánh Hoàng, Đặng Thanh Bình. Hội thảo cũng cũng có sự góp mặt của các nhà làm phim gạo cội: Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn; nhà biên kịch Châu Thổ.
Hội thảo quốc tế "Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế" đánh dấu sự phát triển hợp tác giữa Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà sản xuất phim Việt Nam và các đối tác nước ngoài đặc biệt là các hãng phim Hollywood. Hội thảo góp phần quan trọng vào việc đưa hoạt động Điện ảnh theo hướng phát triển nền công nghiệp Điện ảnh hội nhập sâu và hiệu quả hơn với Điện ảnh quốc tế. Đồng thời, trong giai đoạn các cơ quan quản lý của Việt Nam đang gấp rút hoàn thành dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, hội thảo đưa ra những gợi ý về các cơ chế, chính sách, quy định mới của nhà nước để phát triển bền vững nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam./.