Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nâng cao chất lượng công tác truyền thông tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

06/12/2022 | 08:22

Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông nói chung và truyền thông số nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển di sản văn hoá, đặc biệt đối với hoạt động bảo tàng, công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là một hoạt động không thể thiếu của một bảo tàng hiện đại nhằm tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, các hoạt động của bảo tàng, thu hút khách tham quan, nâng cao uy tín, hình ảnh của bảo tàng.

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng, bảo tàng muốn tồn tại và phát triển bền vững thì phải luôn sáng tạo, đổi mới cả hình thức lẫn nội dung hoạt động của mình. Trong giai đoạn hiện nay, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, truyền thông, đặc biệt là truyền thông số đã chứng tỏ sức mạnh to lớn và sự lan toả rất nhanh trong cộng đồng. Các bảo tàng đang đứng trước những thách thức to lớn nên càng cần phải nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của truyền thông đối với sự phát triển của mình. Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các bảo tàng nói chung, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng đã từng bước số hóa tư liệu, trưng bày, từng bước thích ứng và chuyển đổi trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, công tác truyền thông của bảo tàng vẫn chưa chuyên nghiệp, thường xuyên, liên tục, bài bản, chưa có chiến lược rõ ràng trong từng giai đoạn và cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của nhà quản lý. Để phát huy hết giá trị của mình, xứng đáng là điểm đến du lịch, là trung tâm văn hóa, giáo dục của nhân dân các dân tộc trên cả nước, đòi hỏi công tác truyền thông của Bảo tàng cần phải được đổi mới và có những giải pháp phù hợp với hoạt động của đơn vị.

Nâng cao chất lượng công tác truyền thông tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tham dự lớp tập huấn về công tác truyền thông cho bảo tàng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thứ nhất, phải Xây dựng thương hiệu Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thương hiệu là yếu tố hữu hình đại diện cho những gì công chúng nghe, nhìn thấy và cảm nhận được về bảo tàng nhằm tạo nên sự khác biệt giữa các thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Xây dựng thương hiệu bao gồm rất nhiều các thành phần khác nhau: Trưng bày, trải nghiệm, dịch vụ, con người… chứ không chỉ dừng lại ở hình ảnh, logo, banner hay slogan. Để phát triển thương hiệu bảo tàng và quản lý thương hiệu là một quá trình lâu dài nhưng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Muốn thành công, Bảo tàng cần sở hữu thương hiệu dễ nhớ, ấn tượng và khác biệt. 

Thứ hai, xây dựng chiến dịch truyền thông số để kết nối công chúng với bảo tàng. Đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các bảo tàng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, trong đó có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tất cả đều ở trong tình cảnh thiếu hụt về ngân sách, lượng khách đến tham quan sụt giảm một cách nghiêm trọng, hệ thống trang thiết bị lạc hậu,… và phải đối mặt với nhiều thách thức từ làn sóng chuyển đổi số của các loại hình giải trí khác. Vì vậy, bảo tàng cần phải tích cực ứng dụng kỹ thuật hiện đại trên nền tảng số để mở rộng đối tượng tham gia, quảng bá các bộ sưu tập, hoạt động của bảo tàng thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông tương tác, đồng thời tạo video quảng cáo, trang web quảng cáo về các sự kiện và triển lãm quan trọng.

Thứ ba, nâng cấp và đổi mới giao diện website, xây dựng bảo tàng ảo 3D và duy trì hiệu quả các trang mạng xã hội như facebook, fanpage… Nếu như trước đây, website của bảo tàng là một yếu tố quan trọng của bản sắc "thương hiệu", thì ngày nay các trang mạng xã hội như tiktok, instagram, facebook, tiktok, twitter…được công chúng sử dụng rộng rãi và phổ biến nên bảo tàng cần chú trọng đầu tư xây dựng nội dung, hình ảnh sinh động và hấp dẫn bởi đây là nhu cầu của khách tham quan trong xu thế phát triển công nghệ số, để khách tham quan ở bất cứ đâu cũng có thể tìm hiểu thông tin, tham quan Bảo tàng. Đây là những công cụ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động truyền thông có tính chiến lược của Bảo tàng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất đối với bảo tàng. Bảo tàng nên biết tận dụng khai thác triệt để trong giai đoạn chuyển đổi số công nghệ như hiện nay.

Nâng cao chất lượng công tác truyền thông tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 2.

Cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tham dự lớp bồi dưỡng về công tác truyền thông tại Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia, Hà Nội

Thứ tư, in ấn, xuất bản các ấn phẩm, tờ gấp, catalog, với nội dung, hình thức hiện đại, có tính thẩm mĩ cao. Ấn phẩm truyền thông là một trong những công cụ phục vụ đắc lực cho công tác truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh của Bảo tàng. Vì vậy, Bảo tàng cần phải thiết kế các ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, catalogue với hình ảnh và nội dung hấp dẫn, bắt mắt, ấn tượng, có dấu hiệu dễ nhận diện và ghi nhớ. Các ấn phẩm in song ngữ Việt – Anh để công chúng trong nước và quốc tế dễ tiếp nhận.

Thứ năm, đầu tư, chú trọng nhân lực thực hiện công tác truyền thông. Cần có đội ngũ/nhóm chuyên trách về hoạt động này, vì đây là công việc đòi hỏi cần đầu tư về thời gian và trí óc. Cán bộ truyền thông phải tập trung xây dựng nội dung cần đăng tải, tìm kiếm thông tin tư liệu, cập nhật thường xuyên hình ảnh hoạt động của bảo tàng, đăng tải các thông tin hiện vật, không gian trưng bày của bảo tàng lên các trang mạng xã hội, phải biết khai thác và sử dụng các phần mềm công nghệ vào việc đăng tải thông tin sao cho sống động và đa dạng. Vì vậy, cán bộ thực hiện công tác này nếu được đầu tư, đào tạo chuyên sâu, thì sẽ mang lại hiệu quả, chất lượng cho hoạt động truyền thông của bảo tàng.

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×