Nam Định: Phát huy vai trò công tác quản lý trong phát triển du lịch
18/11/2022 | 16:01Từ khi du lịch trong nước hoạt động bình thường trở lại (15-3-2022) sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT và DL) trên địa bàn tỉnh được tổ chức, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng, giữ vững hình ảnh du lịch Nam Định an toàn, thân thiện, hấp dẫn, tỉnh ta đã đẩy mạnh quản lý, tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước
Ngay khi dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, và trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách có chiều hướng tăng trở lại sau hai năm phải “bó chân”. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch tranh thủ khai thác thị trường du lịch phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của tỉnh và của quốc gia. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Du lịch tỉnh, huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch phối hợp liên ngành triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; thẩm định, xếp hạng cho các cơ sở lưu trú, cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Ngành VH, TT và DL tỉnh, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ; vận động xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, ứng xử văn minh. Sở VH, TT và DL tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chương trình kích cầu, khuyến mại du lịch theo quy định. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; ngăn chặn tình trạng chèo kéo, đeo bám, bắt chẹt “chặt chém” du khách và các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Nam Định.
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chủ yếu là quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chất lượng dịch vụ chỉ ở mức trung bình. Các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh là du lịch văn hóa tâm linh - lễ hội và du lịch biển chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, dòng khách đến với 2 loại hình du lịch này thiếu ổn định, chủ yếu là khách nội địa với khả năng chi trả thấp. Sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác ở dạng tự nhiên; hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nên chưa thực sự hấp dẫn, thu hút khách. Lực lượng lao động, đặc biệt là nhân lực chuyên nghiệp trong ngành Du lịch còn thiếu, trình độ hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường kinh doanh du lịch...
Cùng với nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của tỉnh về phát triển du lịch, thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong 2 năm 2019-2020, các tổ chức, cá nhân đã xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch với tổng vốn đầu tư trên 743,5 tỷ đồng với 312 buồng phòng. Tập đoàn Nam Cường đưa vào khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại thành phố Nam Định với tổng vốn đầu tư 730 tỷ đồng. Tại huyện Hải Hậu đã xây dựng và đưa vào khai thác mô hình, sản phẩm du lịch mới - trải nghiệm du lịch nông nghiệp, nông thôn Ecohost. Đến nay, toàn tỉnh có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó có 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với 5.617 buồng phòng, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác (trong đó có 220 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống).
Chú trọng bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch
Với đặc thù xu hướng phát triển du lịch của tỉnh thì bên cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ kinh doanh dịch vụ du lịch, môi trường ở tỉnh có nhiều nguy cơ bị tác động tiêu cực bởi các loại chất thải, khí thải phát sinh từ hoạt động du lịch (từ các công trình xây dựng, từ các phương tiện vận chuyển khách, từ các khách sạn, nhà hàng và do người dân đi lễ hội đốt vàng mã, xả rác...). Tuy nhiên, do phần lớn các điểm, khu du lịch của tỉnh hiện đang khai thác nằm ở vùng ven biển và các vùng nông thôn, mật độ dân cư không cao nên tác động tới môi trường tự nhiên hiện ở mức độ vừa phải.
Thực hiện các quy định Luật Bảo vệ môi trường, ngành VH, TT và DL, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với những người làm việc trực tiếp, gián tiếp trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch và người dân địa phương về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó với nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, vận dụng những mô hình hay, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm, tập quán sinh hoạt truyền thống của cộng đồng dân cư trong việc phòng chống bão, lũ, ngập úng… Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, phương tiện ô tô, tàu, thuyền…) về các biện pháp sử dụng các loại vật liệu xây dựng, các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm thải nhiệt, các chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Hướng dẫn các cơ sở thờ tự, di tích đình, đền, chùa, phủ thực hiện nghiêm các quy định về thực hành nếp sống văn minh trong lễ hội, hạn chế đốt vàng mã, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực di tích…
Thời gian gần đây, tỉnh ta đã quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, gắn phát triển loại hình du lịch này với các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên như: bảo vệ rừng, bảo vệ dải cây xanh, từng bước tạo lập sinh kế mới cho người dân bản địa chung sống hài hòa với tài nguyên thiên nhiên ban tặng, thay thế sinh kế truyền thống là chỉ khai thác gây tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái như: làm than, chặt phá rừng lấy củi, thu hẹp diện tích rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Những giải pháp đồng bộ
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, thời gian qua, Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường trong tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, đẩy mạnh giới thiệu trên hệ thống website, cổng thông tin điện tử, trên các nền tảng ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, twitter về hình ảnh con người, quê hương Nam Định thân thiện, văn hóa, văn minh, các khu, điểm du lịch của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, các cơ quan hữu quan, các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch; thực hiện các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch. Thiết lập và duy trì trật tự kỷ cương, văn hóa kinh doanh bền vững đối với kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường quản lý giá cả, chất lượng dịch vụ; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý du lịch; chú trọng quản lý bảo vệ tài nguyên du lịch; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành đối với hoạt động du lịch tại các địa phương, các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là vào thời điểm lễ, tết, thời gian cao điểm về du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch Nam Định văn minh, thân thiện, hiện đại./.