Muốn có nghệ sĩ giỏi, phải quan tâm ngay từ tuyển sinh
01/06/2018 | 09:20Cũng như mọi năm, Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ VN (Trường Xiếc) lại vất vả săn tìm học sinh dự tuyển ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Về vấn đề này, TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng cho biết:
- Để giải bài toán thiếu tài năng dự tuyển vào xiếc, năm nay chúng tôi phải tổ chức tuyển sớm, sao cho kết quả tuyển sinh vòng I Sơ tuyển phải kết thúc trước tháng 5 để tránh lịch thi học kỳ, thi chuyển cấp của các trường văn hóa phổ thông.
Học sinh Trường Xiếc thi tốt nghiệp
Nhiều năm trở lại đây, học sinh ở các thành phố lớn không muốn chọn vào học ngành xiếc, vì vậy chúng tôi phải xây dựng kế hoạch tuyển những học sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, ngoại thành Hà Nội. Lực lượng giáo viên của Trường Xiếc đã phải toả đi thành nhiều nhóm, nhiều đợt. Mùa tuyển sinh năm nay, các giáo viên của Trường đã tới 176 trường học, trong đó có 88 trường tiểu học và 80 trường PTCS, 8 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Mặc dù vô cùng vất vả, song chúng tôi cũng đã lựa chọn được 543 em trúng vòng Sơ tuyển từ số lượng 6.203 em đăng kí. Với số lượng thí sinh trúng tuyển vòng Sơ tuyển như vậy quả là cũng mừng, nhưng chúng tôi vẫn băn khoan lo lắng, vì không biết sau này các em có được gia đình đồng ý cho học hay không. Mặc dù các em được miễn giảm tiền học tới 70%, chỉ phải đóng có 15.000 đồng/1 tháng nhưng các khoản mà các gia đình phải chi trả cho việc ăn học cũng lên tới hàng triệu đồng. Với những gia đình nông dân nghèo thì đây là bài toán vô cùng khó khăn nếu cho con lên thành phố học.
Dường như việc tuyển sinh diễn viên của Trường Xiếc luôn gặp rất nhiều áp lực. Được biết không ít trường hợp học sinh đỗ chính thức vào trường, bố sáng đưa con lên nhưng chiều đã đưa về luôn. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao lại có sự thay đổi đột ngột này?
- Đúng vậy. Toàn bộ học sinh của trường hiện đang ở ký túc xá chung do Bộ VHTTDL xây dựng dành cho sinh viên các trường VHNT. Nhà trường cũng đã cử 3 giáo viên (bảo mẫu riêng) thay nhau 24/24 giờ ăn ở cùng học sinh, nhưng vì là ký túc xá chung nên quản lý vẫn không thể chặt. Sinh viên các trường nghệ thuật lớn tuổi hơn học sinh Trường Xiếc nên không tránh khỏi chuyện yêu đương. Nhiều em gái mới 11 tuổi xa gia đình, lên ở kí túc xá, bố mẹ các cháu không yên tâm vì thấy các cháu sinh hoạt cùng với các chị sinh viên lớn tuổi nên có không ít gia đình khi đưa con vào kí túc xá lại thay đổi quyết định không cho theo học xiếc nữa... Hiện nay, Trường Xiếc vẫn còn diện tích đất trống, chúng tôi rất mong được xây dựng ký túc xá riêng để có một môi trường sống và học tập phù hợp với lứa tuổi của các em.
Một trong những biện pháp đó là đào tạo có địa chỉ để học sinh có sẵn “đầu ra”, năm nay Trường Xiếc có áp dụng đào tạo theo hình thức này không thưa ông?
- Trước đây Trường đã kết hợp với Đoàn xiếc thành phố Hồ Chí Minh để cùng tuyển sinh và đào tạo. Tuy nhiên, do sáp nhập với đoàn nghệ thuật khác để thành lập Nhà hát mới, vì vậy sự phối kết hợp trong lĩnh vực tuyển sinh và đào tạo theo địa chỉ đối với đơn vị này không còn nữa. Mặc dù không kết hợp tuyển sinh, song các đơn vị nghệ thuật của các tỉnh phía Nam lại có nhu cầu nhận diễn viên, song do khoảng cách địa lý mà nhiều học sinh khi tốt nghiệp không thể vào trong đó, vì thế chúng tôi rất mong các địa phương dành nguồn ngân sách đào tạo cho xiếc để tuyển sinh diễn viên trực tiếp trên địa bàn cử đi học, có như vậy mới có được những tiết mục đặt hàng đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của địa phương và ngành xiếc Việt Nam mới có thêm điều kiện để phát triển đồng đều trên phạm vi cả nước.
Những năm gần đây, Trường Xiếc cũng đặt cao mọi tiêu chí về chất lượng đào tạo nên có rất nhiều tiết mục của học sinh tốt nghiệp đã được nhận ngay về các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Có thể nói, 100% học sinh tốt nghiệp của Trường được các đơn vị nghệ thuật xiếc công lập đón nhận, không có tình trạng học sinh sau khi tốt nghiệp không có việc làm, uy tín về chất lượng đào tạo của Trường ngày một được khẳng định.
Tiết mục “Tạo hình trên xà đơn” của Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN
đoạt HCV tại Cuộc thi tài năng Xiếc trẻ ba nước VN - Lào - Campuchia 2015
Trước mùa tuyển sinh năm nay, Ban giám hiệu Trường Xiếc có những đề xuất gì để làm tốt công tác đào tạo trước mắt?
- Cấp uỷ của Trường đã họp bàn về cơ chế áp dụng biện pháp tuyển và tuyên bố đỗ hay không ngay khi tuyển trực tiếp tại địa phương, các em không mất công đi lại, giảm bớt những gánh nặng về kinh phí cho các gia đình khi đưa học sinh về thi tại trường. Điều này cũng giải toả tâm lý để các em yên tâm khi quyết định chọn ngành xiếc. Chúng tôi sẽ nghiên cứu cân nhắc để điều chỉnh quy chế tuyển sinh, nếu áp dụng sẽ phải năm sau. Việc quảng bá hình ảnh của Trường Xiếc được phản ánh qua thành tích đào tạo của học sinh đã được khẳng định ở các cuộc thi, liên hoan xiếc trong nước và quốc tế với những giải thưởng cao. Chúng tôi mong muốn hằng năm sẽ có nguồn kinh phí để dàn dựng và tổ chức cho học sinh ra nước ngoài tham dự các liên hoan nghệ thuật quốc tế, khích lệ cho giáo viên và học sinh giỏi đi thi đấu mang vinh quang về cho đất nước. Trường cũng mong muốn mở rộng quy mô mà một số chuyên ngành đào tạo mới hướng tới mục tiêu nâng cấp thành hệ Cao đẳng như mục tiêu đặt ra nhiều năm qua. Việc nâng cấp thành trường cao đẳng vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp cho các học sinh có điều kiện nghiên cứu nâng cao sự hiểu biết những kiến thức khoa học xã hội, đặc biệt là sự hiểu biết về những lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, sân khấu, múa, hội họa, ánh sáng, phục trang... để có thể tự dàn dựng và xây dựng tiết mục xiếc. Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030”, Trường Xiếc là một trong các cơ sở đào tạo được Bộ VHTTDL lựa chọn để triển khai. Đề án đang được triển khai thì việc nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí đào tạo cho Trường cũng sẽ được cải thiện và đi vào trọng điểm. Hy vọng những nỗ lực của Chính phủ, Bộ VHTTDL, các bộ ngành liên quan sẽ giải quyết những khó khăn trong việc tuyển năng khiếu và đào tạo tại Trường Xiếc.
Theo baovanhoa.vn