Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Một năm với nhiều dấu ấn của ngành Thư viện

17/02/2018 | 07:30

Năm 2017 đánh dấu một năm với nhiều sự kiện thành công của ngành thư viện. Hoạt động thư viện phục vụ kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, của ngành, các chỉ tiêu về phát triển mạng lưới, đặc biệt các thư viện ở cơ sở, chỉ tiêu về phục vụ bạn đọc, xây dựng phát triển vốn tài liệu đã đạt và vượt so với kế hoạch.

Để có những thông tin cụ thể hơn về ngành, Cổng TTĐT Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thúy Ngà.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà. (Ảnh: Minh Khánh)

PV: Xin Vụ trưởng cho biết những kết quả nổi bật mà ngành thư viện đã đạt được trong năm 2017?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Năm 2017, Vụ Thư viện đã thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao trong năm bao gồm: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức hội nghị hội thảo, xây dựng tiêu chuẩn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn thư viện tỉnh/thành triển khai các nhiệm vụ công tác, các chương trình phối hợp công tác, đề án.

Nhiều hoạt động được Vụ triển khai thành công, đem lại những hiệu quả thiết thực như: Ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”; Hội nghị “Tổng kết thư viện cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam” và Hội thảo “Thư viện cấp huyện, cấp xã - Thực trạng hoạt động và mô hình quản lý”; Hội nghị góp ý Dự án Tiêu chuẩn Quốc gia “Thông tin và Tư liệu - Phương pháp và thủ tục đánh giá tác động của thư viện” tại 02 khu vực miền Bắc và miền Nam; Hội thảo khoa học “Thư viện cơ sở xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”; Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách, chủ đề ”Uống nước nhớ nguồn”; Tổ chức 02 lớp tập huấn Phổ biến các văn bản mới về lĩnh vực thư viện; …

Ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”. (Ảnh: Hằng Đinh)

Bên cạnh đó, hệ thống thư viện công cộng đã triển khai có hiệu quả những chỉ đạo, chương trình phối hợp công tác; tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, bám sát, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tích cực chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới trong thư viện, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. 

Nhiều thư viện đã đưa ra các sáng kiến trong việc xây dựng, hình thành thói quen đọc trong cộng đồng, tiêu biểu như: Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Quảng Ninh, ...; Tăng cường cải thiện, mở rộng các dịch vụ thư viện mới - dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác luân chuyển sách báo phục vụ ngoài thư viện - lượng bạn đọc ở một số thư viện đã tăng lên rõ rệt; Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện và xây dựng mới cơ sở vật chất - kỹ thuật của thư viện đã được các địa phương quan tâm; chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện đang từng bước được cải thiện; Các thư viện đại học, cao đẳng cũng có nhiều nỗ lực trong việc phục vụ, đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy, học và nghiên cứu trong giáo dục đại học.

PV: Sau khi "Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt, ngành thư viện đã triển khai các hoạt động như thế nào, Thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Sau khi "Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án) được Chính phủ phê duyệt, ngành thư viện đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện đề án. Cụ thể, từ phía Bộ VHTTDL, Vụ Thư viện tham mưu trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký 3 Quyết định có ý nghĩa quan trọng đến việc triển khai Đề án: Quyết định số 2706/QĐ - BVHTTDL ngày 12 tháng 4 năm 2017 về việc Giao nhiệm vụ triển khai Đề án; Quyết định số 2968/QĐ-BVHTTDL ngày 01 tháng 8 năm 2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai Đề án và Quyết định số 2967/QĐ-BVHTTDL ngày 01 tháng 8 năm 2017 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án. Bên cạnh đó, Vụ Thư viện tham mưu lãnh đạo Bộ gửi công văn số 3650/BVHTTDL-TV ngày 30 tháng 8 năm 2017 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh về việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án. Thừa lệnh Bộ trưởng, Vụ Thư viện đã có công văn số 3314/BVHTTDL-TV ngày 04 tháng 8 năm 2017 gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành để hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án. Nhờ đó, các địa phương và Bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án trong phạm vi quản lý của mình. Đến nay 33 tỉnh/thành và  3 Bộ ngành đã phê duyệt kế hoạch.

Sau khi Đề án được phê duyệt, các thư viện trong cả nước đã chủ động và nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để thu hút bạn đọc đến thư viện và triển khai nhiều dịch vụ thân thiện, hữu ích, nhờ đó chỉ tính riêng trong hình thức thư viện công cộng, tổng số sách báo luân chuyển và được đưa ra phục vụ năm 2017 trong các thư viện công cộng đã đạt: 55.157.021 lượt, tăng gần 20% so với năm 2016. Riêng thư viện cấp huyện đã phục vụ được hơn 20.000.000 lượt sách báo.

Sự kiện vận động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại Mai Châu (Hòa Bình). (Ảnh: Vụ TV)

Mạng lưới thư viện đã có bước phát triển vượt bậc với sự tăng lên nhanh chóng của mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở sau nhiều năm có dấu hiệu bị tụt giảm. Mặc dù các cán bộ thư viện cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm và làm thiện nguyện nhưng luôn nỗ lực hết mình trong công việc. Năm 2017, tổng số thư viện công cộng/phòng đọc sách, tủ sách cơ sở đã phát triển với 20.768 thư viện (tăng 15% so với năm 2016).  Nhờ đó, người dân có cơ hội để tiếp cận với sách báo và thông tin dễ dàng, thuận lợi hơn.

PV: Vụ trưởng có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Đề án trên?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Thuận lợi cơ bản là từ khi Đề án được phê duyệt, tại nhiều địa phương, lãnh đạo Đảng và chính quyền đã dành sự quan tâm hơn đến việc phát triển văn hóa đọc. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo về phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ngoài phê duyệt kế hoạch chung để thực hiện đề án đã cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng Đề án “Thí điểm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”. Các kế hoạch đổi mới dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thư viện nhằm tham gia tích cực vào phát triển văn hóa đọc đã được nhiều nơi chủ động xây dựng. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã tích cực tham gia phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Các thư viện và những cơ quan xuất bản có thêm động lực để triển khai các hoạt động của mình để có thể phục vụ nhu cầu đọc của cộng đồng. Nhiều sáng kiến đã được đề xuất.

Thuận lợi như vậy, nhưng khó khăn cũng không nhỏ. Trong đó, các thư viện đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất. Vốn tài liệu chưa đa dạng, phong phú, làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, miền núi và những vùng có điều kiện khó khăn. Mặt khác, do việc tinh giản biên chế, tại nhiều trường phổ thông và thư viện huyện, nhân viên thư viện còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên thời gian dành cho việc phục vụ phòng đọc còn chưa bảm bảo thường xuyên.

PV: Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018 Vụ Thư viện có những định hướng gì thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018, Vụ Thư viện đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ triển khai một số hoạt động: áp dụng thí điểm mô hình thư viện thân thiện để phục vụ bạn đọc thực hiện việc học suốt đời hiệu quả hơn, biên soạn các tài liệu hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ những người làm công tác thư viện, phát huy vai trò của nhà trường và gia đình trong việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng quy chế giải thưởng văn hóa đọc để tạo động lực cho mọi người tích cực tham gia phát triển văn hóa đọc…

Chúng tôi hy vọng rằng, từ những hoạt động đó với sự chung tay của các cấp lãnh đạo sẽ góp phần tạo thói quen đọc, xây dựng môi trường đọc với nhiều tiện ích cho mọi người đặc biệt là học sinh, sinh viên. Qua đó tạo ra sự chuyển biến tích cực về xây dựng nhân tố con người trong sự phát triển của đất nước, địa phương, lĩnh vực khoa học và sản xuất; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

Thực hiện: Hằng Đinh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×