Mang ánh sáng tri thức đến với vùng sâu, vùng xa
10/02/2017 | 10:14Trong những năm qua, ngành thư viện đã không ngừng nỗ lực nhằm mang đến cho người dân cả nước cơ hội được học tập và khai thác các tài liệu một cách bình đẳng và công bằng. Từ đó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng xã hội học tập, vì sự tiến bộ, văn minh của toàn dân tộc.
Để tạo nên sự bình đẳng và tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và những người khiếm thị có thể sử dụng sách báo và thông tin được dễ dàng, các thư viện, đặc biệt là thư viện công cộng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phục vụ. Với hình thức luân chuyển sách giữa các thư viện, đưa sách đến cơ sở và mở phòng đọc cho những người khiếm thị bằng xe ô tô thư viện lưu động sẽ thực sự phát huy vai trò của thư viện đối với việc nâng cao dân trí, mang tri thức và thông tin đến với cộng đồng. Tuy nhiên, từ 2007 đến đầu năm 2016 chỉ có Thư viện tỉnh Yên Bái, Thư viện Hà Nội và Thư viện thành phố Hồ Chí Minh mới có điều kiện triển khai. Tất cả các xe này đều được tài trợ từ nước ngoài.
Từ thực tế đó, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự án Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện. Nội dung và mục đích của Dự án này là trang bị xe ô tô thư viện lưu động cho các thư viện tỉnh nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân trong cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển văn hóa đọc, tạo thêm điều kiện cho người dân thực hiện việc học tập suốt đời.
Xe ô tô thư viện lưu động phục vụ tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
xã Mỹ Hòa Hưng (tỉnh An Giang) ngày 20/12/2016.
Nhận thấy ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng của Dự án, Tập đoàn Vingroup đã chấp thuận tài trợ và đề nghị Vụ Thư viện xây dựng mô hình chi tiết về chiếc xe, thống nhất chọn tiêu chí cung cấp xe trước hết cho các tỉnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Năm thư viện tỉnh được chọn đợt 1 là thư viện tỉnh Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang.
Thực hiện lời hứa, sau khi tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động các thư viện đã chủ động triển khai các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, đưa thông tin đến gần với người dân hơn, từ đó mở rộng phong trào đọc sách báo khắp các vùng miền trong tỉnh, góp phần “xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ”, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho tất cả người dân trong cộng đồng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số… Một số thư viện còn chủ động lên kế hoạch để phục vụ cho các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai sẽ phục vụ cho các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Bất cứ nơi nào, người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi, cũng vui mừng đón đợi các xe thư viện đa phương tiện lưu động với tên gọi “Ánh sáng tri thức”.
Xe ô tô thư viện lưu động Thư viện tỉnh Gia Lai phục vụ các em học sinh Trường dân tộc nội trú.
Em Vi Quang Hiệp (dân tộc Nùng, lớp 10C, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) nhận xét xe thư viện đa phương tiện này rất hữu ích vì có hệ thống máy tính kết nối mạng Internet. Em chia sẻ: “Nhà em ở huyện Chư Pưh, gia đình cũng khó khăn nên ít khi được tiếp xúc với máy tính. Chính vì thế, em hiểu được khó khăn và mong muốn của những bạn đọc vùng sâu, vùng xa. Với chiếc xe này, em hy vọng các bạn có thể tiếp cận thông tin một cách hiệu quả nhất”.
Em Kbôr H’Như (dân tộc Jrai, lớp 12E, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) khi được tiếp cận với xe cho biết: “Em chưa bao giờ thấy một chiếc xe tiện ích như thế này. Xe có rất nhiều thể loại sách để đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí… Em mong xe thư viện lưu động sẽ sớm quay lại trường để có thể đọc thêm nhiều cuốn sách hay”.
Xe ô tô thư viện lưu động Thư viện tỉnh An Giang phục vụ tại huyện Tịnh Biên ngày 25/1/2017.
Việc tiếp nhận và vận hành xe thư viện đa phương tiện lưu động đã tạo ra một bước ngoặt mới trong công tác phục vụ bạn đọc của các thư viện tỉnh tại những vùng xa xôi, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận với sách báo. Mỗi chuyến xe lăn bánh là một hành trình kết nối, đưa sách báo, thông tin và tri thức đến với những người dân ở vùng sâu, vùng xa. Cũng nhờ đó cán bộ thư viện đã có được sự hỗ trợ hiệu quả, bớt gian nan hơn trong việc đưa ánh sáng tri thức phục vụ bạn đọc là những người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn./.