Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Luật Quảng cáo: Bảo vệ thuần phong mỹ tục, cải cách theo hướng gọn nhẹ

13/04/2011 | 15:58

(VP)- Ngày 9/4, tại TP.HCM, Bộ VHTTDL phối hợp với Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) tổ chức hội thảo về Dự án Luật Quảng cáo nhằm lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị phía Nam để bổ sung, hoàn thiện Dự án Luật và trình Chính phủ vào tháng 6 tới đây. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì hội thảo.

Bỏ cấp phép, tăng hậu kiểm và xử phạt

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Dự án Luật Quảng cáo gồm 5 chương và 42 điều. Trong đó có những điểm giống các nước trên thế giới, nhưng cũng có những điểm khác do đặc thù và truyền thống văn hóa của Việt Nam. Bởi quảng cáo không đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà nó còn mang nhiều yếu tố tư tưởng trong đó.

Hiện nay có nhiều mẫu quảng cáo phản cảm như “Một người khỏe, hai người vui”,... vì ít nhiều ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của dân tộc. Do đó, Luật Quảng cáo phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo được về mặt tư tưởng, nội dung, phải bảo vệ được thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thủ tục cấp phép theo hướng cải cách thủ tục hành chính gọn nhẹ...

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay thủ tục cấp phép quảng cáo ngoài trời còn quá nhiêu khê, doanh nghiệp phải mất nhiều khoản “chi phí vô hình” cho một mẫu quảng cáo.

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh, nên bỏ việc cấp phép quảng cáo ngoài trời để tránh cơ chế xin cho, đồng thời giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo ông Dũng, có nhiều trường hợp để dựng được bảng quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp phải tốn một khoản “chi phí vô hình” vô cùng lớn, chiếm khoảng 20% chi phí một bảng quảng cáo.

Vì thế, Luật nên quy định bỏ cấp phép loại hình quảng cáo này, thay vào đó là tăng cường công tác hậu kiểm và xử phạt thật nặng. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là các nước bỏ việc cấp phép này. Việt Nam nên có tầm nhìn rộng về vấn đề này khi đã gia nhập WTO.

Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM cũng đồng ý quan điểm không cần thiết cấp phép quảng cáo ngoài trời, vì thủ tục cấp phép hiện nay phải qua nhiều cửa, nhiều dấu và nhiêu khê. Hơn nữa, chu kỳ “sống” của một sản phẩm thường ngắn hạn, nhu cầu quảng cáo tung ra thị trường là “khẩn cấp”, trong khi đó thủ tục cấp phép kéo dài và phức tạp. Nghịch lý tại TP.HCM hiện nay là tình trạng quảng cáo ngoài trời không phép diễn ra rất phổ biến, nhưng vẫn sừng sững giữa trời?

Theo ông Cáp, nên có quy định khung bao hàm các nội dung liên quan đến truyền thống văn hóa bị cấm trong hoạt động quảng cáo để vừa bảo tồn được văn hóa Việt Nam, vừa không giới hạn ý tưởng sáng tạo trong quảng cáo.

Thống nhất nên giao cho Bộ VHTTDL quản lý

Ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Quảng cáo, về cơ bản, Dự thảo Luật đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành quảng cáo hiện nay.

Theo ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), lý do cần phải có Luật Quảng cáo vì hiện nay có sự chồng chéo trong quản lý cũng như trong các văn bản pháp luật. Do đó, sự ra đời của Luật là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho nền quảng cáo non trẻ Việt Nam phát triển kịp với thời đại, đồng thời để có sự thống nhất về cơ quan quản lý và các cơ quan phối hợp.

Ông Lê Đình Tùng, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) thống nhất, Chính phủ nên giao Bộ VHTTDL chủ trì quản lý vấn đề quảng cáo. Vì không ít mẫu quảng cáo hiện nay có dấu hiệu xâm hại đến các yếu tố truyền thống của dân tộc, đánh lừa người tiêu dùng dưới nhiều góc độ. Do đó, phải có biện pháp ngăn ngừa nội dung ngay từ đầu hơn là khắc phục.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo Sài Gòn cho rằng, cần thống nhất cơ quan quản lý là Bộ VHTTDL để kiểm soát tình trạng loạn nội dung quảng cáo, tránh ảnh hưởng đến phong tục tập quán người Việt. Nhiều đại biểu thống nhất ý kiến giao Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ TT&TT, Bộ Công thương để quản lý hoạt động quảng cáo.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh, trong suốt quá trình xây dựng, Ban soạn thảo quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của Dự thảo Luật là bảo vệ được thuần phong mỹ tục của dân tộc; đồng thời chú trọng đến cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ. Thứ trưởng cho biết thêm, sẽ nghiên cứu cụ thể những nội dung liên quan đến thuần phong mỹ tục để làm không hạn chế khả năng sáng tạo trong quảng cáo, góp phần phát triển nền quảng cáo Việt Nam vốn còn non trẻ.    

Theo: báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×