Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

16/10/2021 | 17:49

Tại Tọa đàm “Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 15/10, các đại biểu đều cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có các chính sách phù hợp hơn để ngành điện ảnh tận dụng được cơ hội thứ hai phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế sáng tạo.

Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Dự án Luật Điện ảnh sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022. Dự án Luật (sửa đổi) phải bảo đảm quán triệt, bám sát 4 định hướng lớn: (1) Tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành điện ảnh theo hướng vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi, giải trí, truyền thông…). (2) Các quy định, chính sách pháp luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân. (3) Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. (4) Luật ban hành phải phù hợp, đồng bộ, khả thi khắc phục luật khung, luật ống; chính sách đưa ra phải đánh giá kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện".

Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Tọa đàm “Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam”

Cơ hội kinh tế từ dịch vụ VOD

Các diễn giả đã trao đổi về xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo và cơ hội cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD); tầm quan trọng của chính sách với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam; và đề xuất giải pháp xây dựng khung pháp lý hài hòa thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong bối cảnh kinh tế số bùng nổ.

Trong Báo cáo nghiên cứu "Thay đổi cuộc chơi tại Việt Nam: Nền kinh tế sáng tạo và cơ hội kinh tế từ dịch vụ VOD", ông Fraser Thompson - Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore) chia sẻ một con số rất khích lệ rằng nền kinh tế sáng tạo đã và đang đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam (chiếm hơn 3% GDP, 6% việc làm và gần 4% kim ngạch xuất khẩu) với tiềm năng tăng trưởng lớn.

VOD là một hệ thống, trong đó người xem truy cập nội dung phim giải trí được lựa chọn theo nhu cầu của họ, thông qua việc sử dụng nhiều thiết bị (điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, TV thông minh, v.v.) để truy cập mạng internet, từ tuyển tập video có sẵn. Trong khi các công ty như Netflix và Amazon có thể đang nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này trên thế giới, một loạt các nền tảng phát trực tuyến video đã được thiết lập ở châu Á và Việt Nam trong những năm gần đây, bao gồm Galaxy Play, iQIYI, FPT Play và SCTV Online.

Dịch vụ VOD là một phân khúc lớn và đang phát triển trong nền kinh tế sáng tạo với tổng chi tiêu cho nội dung địa phương liên quan đến VOD tại Việt Nam lên tới 7 triệu đô la Mỹ. Con số này có thể đạt khoảng 64 triệu đô la Mỹ vào năm 2025. Lợi ích kinh tế, bao gồm cả chuỗi cung ứng, có thể gấp gần 3 lần con số này. Hơn 37.000 người tại Việt Nam có thể có việc làm vào năm 2025 nhờ khoản đầu tư vào dịch vụ VOD đó. Ngoài ra, các lợi ích từ khoản đầu tư vào dịch vụ VOD còn lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác, gồm cả du lịch. Các dịch vụ VOD có thể làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thêm tổng cộng 5,1 triệu lượt và tăng các khoản chi tiêu cho du lịch thêm 5,8 tỷ USD từ năm 2023 đến 2030. Ví dụ, sau khi bộ phim "Kong: Skull Island" quay tại Việt Nam được phát hành, ước tính lượng khách đến thăm Vịnh Hạ Long đã tăng 30%.

Trong một cuộc khảo sát trước đây của AlphaBeta đối với các giám đốc điều hành VOD, hơn 80% giám đốc điều hành VOD cho rằng môi trường đầu tư thân thiện, khung pháp lý hỗ trợ và cơ sở hạ tầng sản xuất nội dung chất lượng cao là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của nội dung. Việt Nam có thể học hỏi một số bài học quốc tế hữu ích trong từng lĩnh vực này để giúp thúc đẩy đầu tư VOD và hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế sáng tạo.

Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Fraser Thompson - Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore) chia sẻ một con số rất khích lệ rằng nền kinh tế sáng tạo đã và đang đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam (chiếm hơn 3% GDP, 6% việc làm và gần 4% kim ngạch xuất khẩu) với tiềm năng tăng trưởng lớn.

Đặc biệt, ông Thompson đưa ra một số khuyến nghị để phát triển ngành.

Thứ nhất, nên thành lập các cơ quan nhà nước chuyên trách để giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo (như Indonesia, Vương quốc Anh và Hàn Quốc). Việc hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp là rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực thay đổi nhanh chóng như VOD. Ví dụ: các doanh nghiệp VOD ở ASEAN đã cùng phát triển cơ chế tự kiêm duyệt theo Bộ Quy tắc Nội dung của ngành VOD theo thuê bao để đảm bảo nội dung an toàn và phù hợp.

Thứ hai, các quy định được thiết kế cho lĩnh vực phát sóng truyền thống có thể sẽ không phù hợp đối với các loại hình mới như VOD. Ví dụ, giải pháp tự phân loại theo tiêu chí phân loại được chuẩn hóa nói chung là một cách tiếp cận kiểm duyệt hiệu quả và mạnh mẽ, phù hợp hơn với thực tế và cho phép ngành mở rộng quy mô. Quy định tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cho phép các doanh nghiệp tự phân loại và chịu trách nhiệm cho thấy Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đang đi đúng hướng, phù hợp với xu thế của quản lý của thế giới.

Hậu kiểm và cơ chế phân loại

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, cho rằng, tiền kiểm thường chỉ áp dụng với mục đích hạn chế rủi ro tiềm năng trong những trường hợp mối nguy hại rất lớn và hiện hữu. Trong khi đó, cơ chế hậu kiểm vừa đủ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm phim được phát hành tuân thủ theo các tiêu chí đánh giá của cơ quan chức năng, vừa phù hợp với thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh, đặc biệt là các dịch vụ VOD. Vì vậy, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đưa ra giải pháp rất phù hợp, đó là quy định theo hướng hậu kiểm, kèm theo theo tiêu chí phân loại và danh sách các hành vi bị cấm để xử lý khi phát hiện sai phạm.

Ông Đồng đề xuất coi phân loại phim là một dịch vụ; nên cho phép hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh tham gia cung cấp dịch vụ phân loại nội dung phim và Hội đồng trung ương về thẩm định và phân loại phim sẽ đóng vai trò "cầm cân nảy mực" khi có các tranh chấp, khiếu nại về phân loại phim. Ông Đồng cũng đề xuất bổ sung quy định phải có công cụ trực tuyến thân thiện để người dùng có thể báo cáo vi phạm một cách thuận lợi (như kinh nghiệm của Singapore).

Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment cho rằng: Đối với việc phổ biến phim trên mạng, áp dụng phương thức hậu kiểm là phù hợp, bởi chúng ta chưa có đủ lực lượng, nguồn lực để thực hiện tiền kiểm, khi mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm được đưa lên internet. Nên giao trực tiếp cho đơn vị cung cấp dịch vụ phân loại, dán nhãn phim. Về lọc phim “đầu vào” nhà nước đã quy định phim nào độc hại không được lên sóng, người tiêu dùng cũng có vai trò bảo vệ con em mình, định hướng cho các con xem những phim phù hợp.

Bà Lê Thị Phương Thảo, đề xuất, để điện ảnh Việt Nam "cất cánh", chúng ta cần hợp tác, thu hút nhiều đoàn làm phim nước ngoài. Các chính sách cần thông thoáng hơn, bởi nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim sẽ tạo cơ hội cho những nhà làm phim trẻ trong nước được học tập, cọ sát, các đạo diễn, diễn viên mới nổi có cơ hội biết tới, được mời tham gia dự án phim quốc tế... "Cần có quy định vừa bảo đảm giữ gìn văn hóa, tư tưởng, an ninh chính trị, vừa bắt kịp xu hướng thế giới. Việc hợp tác quốc tế trong làm phim nên bắt đầu càng sớm càng tốt, với các quy định cụ thể, để sau đại dịch Covid-19, các nhà làm phim nước ngoài quyết định thực hiện dự án tại Việt Nam".

Trong bối cảnh đó, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh và tận dụng được cơ hội từ sự phát triển của khoa học - công nghệ, kỹ thuật số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, khi xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều thống nhất phải có dự thảo Luật tốt nhất, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện ảnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Luật ban hành phải bảo đảm phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng thế giới, đồng bộ về pháp luật. Lãnh đạo Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu lớn, Luật phải cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh luật ống, luật khung; chính sách đưa vào Luật phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện...

Các đại biểu thống nhất ý kiến, kỷ nguyên kỹ thuật số mang tới cơ hội thứ 2 quý báu cho ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm điện ảnh. Dù Luật Điện ảnh (sửa đổi) không thể đưa vào hết các chính sách phát triển ngành; nhưng có thể tạo cú hích lớn thông qua những quy định thuận lợi và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người làm sáng tạo nội dung./.


Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×