Long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
02/10/2017 | 12:09Ngày 1/10/2017, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hội tại Nhà hát Lớn Hà Nội(1957 – 2017).
Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật; bà Lâm Phương Thanh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố; đại diện các hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
60 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc
Hội NSSK Việt Nam được thành lập năm 1967, đến nay đã có hành trình hoạt động 60 năm với nhiều thành tích trong sáng tạo nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, ngành Văn hóa và các đối tượng người xem ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến vì nền độc lập của Tổ quốc và sự tự do cho dân tộc, các thế hệ nghệ sĩ sân khấu 60 năm qua đã tập hợp dưới mái nhà chung là Hội NSSK Việt Nam với tình đồng nghiệp nồng ấm, cùng nhiều ước vọng của nghệ sĩ, cùng các hoạt động giao lưu và hội nhập với quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tôn vinh NSND Trần Bảng bởi những đóng góp cho nghệ sân khấu. Ảnh: Gia Linh
Ngày 1/10/2017 tức 12/8 Âm lịch là Ngày sân khấu Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng thời là thời điểm của Lễ Giỗ tổ Sân khấu truyền thống, Hội NSSK Việt Nam trân trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập với sự tề tựu của hơn 500 đại biểu đại diện cho các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu,tác giả, đạo diễn, họa sĩ, biên đạo, nhạc công, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định 60 năm là dấu mốc dành cho sân khấu và những người của những hoạt động dành cho sân khấu trước đó, và là điểm sáng hướng đến của các thế hệ làm nghề sau này. Qua 60 năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trở thành "mái nhà chung" ấm áp tình người của các thế hệ văn nghệ sĩ. Đến hay, Hội đã quy tụ 2.500 hội viên, đại điện cho hơn 1 vạn người làm nghệ thuật sân khấu cả nước.
Thứ trưởng Vương Duy Biên tặng hoa các nghệ sĩ lão thành. Ảnh: Gia Linh
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam luôn là ngôi nhà chung với cánh cửa rộng mở đón chào những tấm lòng thơm thảo, ái hữu, biết vì nhau trong lo toan, chia sẻ; biết tôn vinh và biết tri ân thế hệ đi trước như một đạo lý trong nghề nghiệp. Bằng tất cả tình yêu và tài năng nghệ thuật, tấm lòng và trách nhiệm, các văn nghệ sĩ sân khấu đã góp phần bảo tồn, phát huy và làm giàu di sản văn hóa vô giá của cha ông trao truyền lại; phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần cao quý. Nhiều lãnh đạo, hội viên của Hội đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú… Và lớn hơn cả, quý hơn cả là những ký ức, kỷ niệm về những tác phẩm, nhân vật, nghệ sĩ, điệu nhạc, lời ca, tiếng cười... trong trái tim của triệu, triệu người Việt Nam.
Trao tặng giải thưởng nghệ thuật cho các tác phẩm xuất sắc năm 2016. Ảnh: Gia Linh
Tiếp tục phát triển và làm giàu thêm những di sản văn hóa Việt Nam
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những đóng góp quý báu của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật sân khấu cả nước trong dịp kỷ niệm 60 ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam tự hào có một nền văn hiến, một nền văn hóa đặc sắc, phong phú và đầy tính nhân văn. Trong đó, nghệ thuật sâu khấu luôn có vị trí đặc biệt, nơi khát vọng và giá trị chân-thiện-mỹ của người Việt được thể hiện sinh động, tinh tế và gần gũi.
Đó là thế hệ nghệ sĩ sân khấu “văn công xung kích” không quản ngại hy sinh, gian khổ có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, “tiếng hát át tiếng bom”, động viên bộ đội, thanh niên xung phong. Đến những "tượng đài" của nền sân khấu cách mạng như Thế Lữ, Học Phi, Ba Du, Sáu Lai, Ái Liên, Bạch Trà, Lộng Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Đào Hồng Cẩm, Chu Nghi, Thanh Hương, Lưu Quang Vũ… Cùng hàng trăm, hàng ngàn tác giả, nghệ sĩ khác đã làm lên, đã để lại cho sân khấu Việt Nam, cho di sản văn hóa Việt Nam những tác phẩm nghệ thuật hết sức giá trị.
NSND Lê Tiến Thọ trao giải thưởng nghệ thuật cho các nghệ sĩ xuất sắc. Ảnh: Gia Linh
Rất nhiều tác phẩm sân khấu đã và đang tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái xấu. Đồng thời phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống, xu thế thời đại cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân... Qua đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, sự nghiệp xây xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề cập đến những bất cập của ngành sân khấu nước nhà hiện nay. Đồng thời, đề nghị các ngành, các cấp thấm nhuần sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần trong hoạch định chính sách phát triển để có những cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.
Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nhất là đối với các chuyên ngành khó khu hút người học; cần triển khai các chương trình phát triển sân khấu các dân tộc ít người, sân khấu không chuyên.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, các đơn vị sự nghiệp theo hướng giao quyền tự chủ, Nhà nước sẽ tăng cường thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng kèm theo nguồn lực để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị hoạt động nghệ thuật, tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có tính định hướng tư tưởng sâu sắc.
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Gia Linh
Phát huy truyền thống 60 năm qua, nền sân khấu Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, có thêm nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, chất lượng góp phần làm giàu thêm những di sản văn hóa Việt Nam, để nền văn hiến nước nhà được tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Cũng tại lễ kỷ niệm, Ban Tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp sân khấu” cho nhiều nghệ sĩ; tặng quà cho các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, các giáo sư đầu ngành tròn 70, 80, 90 tuổi đã đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Việt Nam; Đồng thời trao Giải thưởng Nghệ thuật của Hội NSSK năm 2016 cho những tập thể, cá nhân xuất sắc./.
Gia Linh