Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và đông bắc Campuchia

14/09/2015 | 12:12

Sáng 12/9, tại Bình Thuận đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và đông bắc Campuchia”.

Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Lê Vĩnh Tân; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, Phó Trưởng Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung - Đào Tấn Lộc; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Lê Tiến Phương; Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Trưởng nhóm Tư vấn Hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung - Trần Du Lịch. Về khách quốc tế có Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào - Chaleune Warinthrasak; Phó Quốc vụ khanh, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia - So Viso Thy.

Hội thảo còn có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Viện Kinh tế  Việt Nam; nhóm Tư vấn Hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung; đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Lào và đông bắc Campuchia.

 
Thứ trưởng Lê Khánh Hải phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Lê Khánh Hải nhấn mạnh: Vùng duyên hải miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh, là cầu nối các trục giao thông, giao lưu kinh tế Bắc-Nam và Đông-Tây, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang Đông-Tây, cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á. Các địa phương trong vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú với 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Nhã nhạc cung đình Huế; nhiều di sản văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều vịnh, bãi tắm đẹp nổi tiếng thế giới: Đà Nẵng, Nha Trang, Lăng Cô, Mũi Né… là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Nhận thức được tiềm năng, lợi thế và lợi ích từ ngành du lịch mang lại, các tỉnh duyên hải miền Trung đã đầu tư mọi nguồn lực, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, tại một số địa phương, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ, sản phẩm du lịch còn giản đơn, hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, việc liên kết, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, các điểm đến du lịch giữa vùng duyên hải miền Trung với các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia sẽ tạo động lực to lớn trong việc phát triển du lịch của từng địa phương và toàn Vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định, Hội thảo quốc tế về du lịch tại Bình Thuận được tổ chức liền kề với Hội chợ Du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 và trong bối cảnh đặc biệt khi các quốc gia ASEAN đang cùng nỗ lực hưởng ứng việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC), tạo diễn đàn thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch của Việt Nam, Lào, Campuchia gặp gỡ, ký kết các thỏa thuận hợp tác thúc đẩy các hoạt động du lịch liên kết giữa vùng duyên hải miền Trung và các khu vực lân cận của Việt Nam, Lào và Campuchia tạo động lực hợp tác phát triển du lịch liên vùng, liên quốc gia trên tinh thần “Ba quốc gia - một điểm đến”.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Theo đồng chí Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, sự hợp tác liên kết về du lịch chặt chẽ, có hiệu quả giữa các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng, giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch trong vùng và trong từng nước. “Hội thảo Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh nam Lào và đông bắc Campuchia” là cơ hội thuận lợi để Bình Thuận, Việt Nam giới thiệu rõ nét hơn tiềm năng, lợi thế, các loại hình sảm phẩm du lịch và kêu gọi các nhà đầu tư, các hãng lữ hành trong và ngoài nước góp sức cùng khơi dậy và phát huy mạnh mẽ vùng đất giàu tiềm năng du lịch bằng những cơ chế, chính sách đột phá để tỉnh Bình Thuận mau chóng trở thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm quốc gia”, đồng chí Lê Tiến Phương khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận tập trung giải đáp các vấn đề đặt ra trong việc liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh nam Lào và đông bắc Campuchia như: Kết nối hạ tầng, Liên kết sản phẩm du lịch, tour du lịch, vai trò của Nhà nước và vai trò của doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tiềm năng du lịch Việt Nam rất mạnh, nhưng chưa khai thác đáng kể. Hội thảo lần này hy vọng rằng sẽ khởi động, không chỉ cho Bình Thuận mà Tây Nguyên, miền Trung phát huy được tiềm năng du lịch của mình, để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doaanh nghiệp du lịch trong vùng, để làm giàu cho địa phương, cho đất nước.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×