Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Liên kết phát triển Du lịch vùng Duyên hải miền Trung

15/11/2011 | 23:54

(VP) - Chiều ngày 14/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức tọa đàm về phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung. Nhiều đóng góp, đề xuất các vấn đề liên quan đến nội dung liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung đã được các đại biểu đưa ra.

Buổi tọa đàm được coi là tiền đề tiến tới Hội thảo “Liên kết Phát triển Du lịch vùng Duyên hải miền Trung” tổ chức vào cuối tháng 12/2011 nhân thời điểm kết thúc năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011.

Chủ trì buổi tọa đàm có Đ/c Hoàng Tuấn Anh-Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; đ/c Nguyễn Bá Thanh-Ủy viên TƯ Đảng, Bí thứ Thành ủy Đà Nẵng; đ/c Đào Tấn Lộc-Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; Tiến sĩ Trần Du lịch-Phó Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội đơn vị thành phố Hồ Chí Minh; Đ/c Nguyễn Văn Tuấn-Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng  đại diện của 50 doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội.




Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh khẳng định, dải đất duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam, bởi tài nguyên du lịch biển, các di sản văn hóa thế giới và sự đa dạng về sinh thái, môi trường. Những năm qua khu vực này đã có những bước tiến dài về nhiều mặt, trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất của Du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cho rằng kết quả đó mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực, cần phải nhận diện cho đúng đâu là thế mạnh, là tài nguyên du lịch nổi bật của khu vực. Đồng thời, cần tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo để làm nổi bật, hấp dẫn, gắn với thị trường trọng điểm cụ thể, mỗi tỉnh nên đầu tư vào sản phẩm du lịch nào để tránh trùng lặp, dàn trải. Từ đó sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch để thực sự có hiệu quả, thu hút đúng thị trường với số lượng ngày càng tăng.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, khu vực duyên hải miền Trung cần xác định rõ thế mạnh của mình để định hướng cho công tác quy hoạch phát triển nhân lực. Nếu như không xác định rõ ràng, sự đầu tư cho du lịch sẽ giàn trải, không khai thác hết hiệu quả. Đặc biệt là vấn đề liên kết giữa Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực duyên hải miền Trung.

Còn ông Phan Đức Mẫn, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Kim Liên cho rằng, phải tạo ra thương hiệu đặc trưng cho vùng để đảm bảo yếu tố chất lượng và tăng giá trị văn hóa của sản phẩm du lịch, đồng thời các tỉnh duyên hải miền Trung cần liên kết hình thành một Ban Du lịch của khu vực về mặt quản lý nhà nước qua đó liên kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Chấn, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Du lịch Apec-Việt Nam, việc Chính phủ xây dựng con đường di sản ở miền Trung là rất phù hợp, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch miền Trung phát triển. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, các sản phẩm du lịch của khu vực duyên hải miền Trung phải mang tính đặc thù, tránh trường hợp các sản phẩm du lịch gần giống nhau như ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mang ý kiến của địa phương, ông Cao Trí Dũng, Giám đốc quản lý của Vitours-Đà Nẵng cho rằng, khu vực duyên hải miền Trung nằm ở vùng có thể dễ dàng kết nối các tiềm năng du lịch. Lợi thế lớn nhất của khu vực là sự kết hợp giữa các giá trị tài nguyên biển và di sản văn hóa cũng như di sản truyền thống và làng nghề, qua đó phối hợp được hệ thống các sản phẩm, xác định thị trường khách để triển khai hoạt động xúc tiến. Bên cạnh đó, để phát triển tốt thế mạnh của các tài nguyên cũng cần phải xác định cả điểm yếu của khu vực duyên hải miền Trung so với các nước trong khu vực để xác định tốt thị trường khách du lịch.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Điều phối phát triển du lịch duyên hải miền Trung cho rằng, hạ tầng cơ sở hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do đó, đầu tiên phải đầu tư cho hạ tầng cơ sở, hình thành tuyến đường bộ cao tốc chất lượng cao từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, đầu tư quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch trong vùng và đảm bảo an ninh trật tự cũng là yếu tố cần thiết.

Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng kiến nghị nên có thêm những ưu đãi cũng như chính sách đối với ngành du lịch, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, trạm nghỉ, dừng chân cho du khách…

HCTC




Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×