Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI: Sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam
23/11/2019 | 12:50Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập" sẽ khai mạc tối nay, 23/11 tại Bà Rịa –Vũng Tàu với sự tham dự của hàng ngàn khách mời, nghệ sỹ. Liên hoan thực sự là ngày hội của những người làm điện ảnh Việt Nam.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI đã khởi động chính thức sáng nay 23/11 với hoạt động Triển lãm Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh. Tối nay, một sự kiện được đón đợi nhất, Lễ Khai mạc LHP Việt Nam lần thứ XXI sẽ chính thứ diễn ra tại Khách sạn Pullman Vũng Tàu. LHP là hoạt động ý nghĩa nhằm động viên, khích lệ thành công, nỗ lực của ngành điện ảnh khi cho ra đời các bộ phim đậm bản sắc dân tộc, nhân văn, nâng cao vị thế, thương hiệu của điện ảnh Việt Nam. Các bộ phim cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam.
Cuộc hội ngộ của những tác phẩm xuất sắc
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI đã chọn lựa được 104 bộ phim tiêu biểu các loại hình: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, khoa học và phim hoạt hình ở các hạng mục phim dự thi; phim chiếu trong chương trình toàn cảnh.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, 104 phim ở các thể loại được lựa chọn ở Liên hoan phim lần này đã phần nào phản ánh được những suy tư, trăn trở, những cung bậc tình cảm, khát khao vươn lên của con người Việt Nam hướng tới cái đẹp trong tâm hồn, chính nghĩa trong cuộc sống để bảo vệ những điều tốt đẹp của dân tộc.
Phim truyện điện ảnh dự thi ở mỗi kì liên hoan luôn được giới chuyên môn, công chúng và báo giới quan tâm. Theo nhận định của Ban tổ chức, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI có 16 bộ phim truyện điện ảnh được tuyển chọn vào hạng mục "Phim truyện dự thi", phản ánh rõ nét sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây.
Đa dạng thành phần làm phim là nét đáng chú ý ở Liên hoan phim năm nay, bởi có sự góp mặt của các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất và phim của các nhà sản xuất tư nhân. Trong đó, phim tư nhân sản xuất vẫn chiếm đa số các phim dự thi, được đầu tư kinh phí lớn, doanh thu cũng rất lớn.
Liên hoan phim lần này có sự góp mặt của nhiều thế hệ đạo diễn. Bên cạnh các đạo diễn gạo cội như Trần Ngọc Phong là các đạo diễn "triệu đô" rất mát tay như Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Lý Hải, Đỗ Đức Thịnh... Ngoài ra là sự góp mặt của các đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản và đang ở thời điểm sáng tác sung sức nhất như Đặng Thái Huyền, Vũ Ngọc Phượng, Đinh Tuấn Vũ...; sự nhập cuộc của một số đạo diễn từ nước ngoài trở về Lê Văn Kiệt, Mai Thế Hiệp, Lê Nhật Quang...
Mười sáu bộ phim dự thi Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI đa dạng các thể loại, từ phim hài, tình cảm gia đình, tâm lý xã hội, phim kinh dị, giả tưởng đến phim hành động và cả phim remake (làm mới). Bên cạnh đó là sự phong phú về đề tài như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình và có cả sự trở lại của đề tài hậu chiến. Bằng cách tiếp cận tươi mới của thế hệ làm phim trẻ, được học hành bài bản, có dấu ấn cá nhân, các bộ phim đã cho thấy sự dấn thân và quyết liệt của lớp đạo diễn trẻ kế cận. Dù chọn đề tài nào các đạo diễn đều có những tìm tòi sáng tạo để làm mới những đề tài tưởng như đã cũ.
Các bộ phim dự thi cũng cho thấy nhiều góc nhìn độc đáo, sát với thị hiếu của khán giả, nhất là phim tư nhân với tính giải trí cao. Trong 5 phim có doanh thu cao nhất của phim Việt Nam đến thời điểm này có đến 3 phim dự thi năm nay là "Hai Phượng" (doanh thu 200 tỷ đồng), "Cua lợi vợ bầu" (doanh thu 191,8 tỷ đồng), "Lật mặt: Nhà có khách" (doanh thu 117,5 tỷ đồng). Việc nhiều phim đạt mức doanh thu kỷ lục khi chiếu rạp dự thi năm nay đã phản ánh sự sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay, đặc biệt là năm 2019 - một năm thành công về doanh thu của phim Việt.
Không phân biệt công-tư
Có ý kiến cho rằng các phim truyện do các hãng tư nhân sản xuất rất thu hút khán giả, có phim đạt doanh thu phòng vé rất cao, chiếm số lượng lớn các phim dự thi năm nay. Trong khi đó, chỉ có 4 phim truyện có sự đầu tư của Nhà nước là: "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo" (70% vốn Nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa); "Nơi ta không thuộc về" (Điện ảnh Quân đội) và "Hợp đồng bán mình" (Hãnh phim Giải Phóng). Liệu có sự ưu ái nào dành cho phim có sự đầu tư của Nhà nước hay không?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: "Không nên phân biệt phim tư nhân hay phim Nhà nước và cũng không có bất cứ sự ưu ái nào dành cho các phim có sự đầu tư của Nhà nước tại các kỳ liên hoan phim. Chất lượng nghệ thuật của các phim luôn là tiêu chí đánh giá được đặt lên hàng đầu"...
Nói về điểm mới của LHP Việt Nam lần thứ XXI, nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết: "Sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân là điểm đáng mừng vì mọi người nghĩ phim có tiền của Nhà nước thì chắc chắn là phim về chiến tranh, nhưng năm nay có những phim nhà nước đầu tư mà không chỉ về đề tài đó. Sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân làm những bộ phim hướng đến cho khán giả. Như vậy sẽ mở ra hướng mới, khích lệ các nhà làm phim, nhà làm phim nào có kịch bản hay thì đều có cơ hội kết nối với nhà nước để có tiền làm phim. Đó là điều rất hay. Hai bên cùng kết hợp thì có rất nhiều thuật lợi".
Nữ diễn viên, Nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh cũng khẳng định: "Nói phim nào xuất sắc nhất thì rất khó vì còn phụ thuộc vào quan điểm của từng giám khảo. Nhưng có một điều có thể khẳng định qua LHP Việt Nam lần thứ XXI là rõ ràng điện ảnh Việt Nam đang phát triển. Làm phim bây giờ các nghệ sĩ, nhà sản xuất phải cạnh tranh rất nhiều, phải phim thật là hay, ý tưởng lạ… thì khán giả mới xem. Vì vậy, các nhà làm phim gặp rất nhiều áp lực. Rất mong khán giả ủng hộ phim Việt, ủng hộ các nhà làm phim Việt Nam".
Là Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục Phim Tài liệu- Khoa học, Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương cho biết: "LHP được tổ chức định kỳ 2 năm một lần đã khích lệ các nghệ sĩ, định hướng sự phát triển của ngành trong thời gian tới- đó là điều rất quan trọng. Trong bối cảnh điện ảnh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, điện ảnh Việt Nam vẫn có những tác phẩm tốt, vẫn dành sự vinh danh các nghệ sĩ và đặc biệt là uy tín của mỗi giải thưởng tại LHP Việt Nam đều có giá trị rất lớn đối với người nghệ sĩ trong sự nghiệp sáng tạo. Tôi mong rằng, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục vun đắp tình yêu với nghề nghiệp, kích thích sự sáng tạo, tìm được đường đi đúng hướng, phát triển ngôn ngữ nghệ thuật qua LHP này./.