Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021: Phép thử "thích ứng an toàn, linh hoạt" với Covid
27/11/2021 | 08:44(Tổ Quốc) - Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc- 2021 không chỉ là thực hiện kế hoạch của năm, còn thực hiện kế hoạch định kỳ ba năm tổ chức một lần. Vì thế, không quyết tâm, tìm mọi cách để tổ chức sẽ bỏ lỡ cơ hội, thiệt thòi cho các anh chị em nghệ sĩ.
Nỗ lực "thích ứng an toàn, linh hoạt"
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc (đợt 1)- 2021 có 19 đơn vị nghệ thuật tham gia đã diễn ra trong tình hình Covid đang có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Song do có Chỉ thị mới của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và tinh thần của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến, đưa ngành VHTTDL từng bước phát triển" làm đòn bẩy, nên Cục Nghệ thuật biểu diễn đã quyết tâm đề xuất với Lãnh đạo Bộ để xin tổ chức. Vì Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc- 2021 không chỉ là thực hiện kế hoạch của năm, còn thực hiện kế hoạch định kỳ ba năm tổ chức một lần. Vì thế, không quyết tâm, tìm mọi cách để tổ chức sẽ bỏ lỡ cơ hội, thiệt thòi cho các anh chị em nghệ sĩ. Để đảm bảo công tác an toàn, Ban tổ chức cũng đã phải chuyển địa điểm tổ chức so với dự kiến ban đầu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Được biết, trước khi diễn ra Liên hoan mấy ngày, Ban Tổ chức nhận được Chỉ thị mới của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định tạm dừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn. Tình huống này đã khiến Ban Tổ chức cũng bị động. Ngoài địa điểm Thái Nguyên, một số địa phương trước đây xin đăng cai cũng đang trong trong tình trạng căng thẳng gia tăng các ca nhiễm, chuyển dần sang trạng thái màu cam. Tuy nhiên, Ban Tổ chức cũng xác định quyết tâm tìm các phương án khác để tổ chức vì 19 đoàn rải rác khắp các địa phương đều đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường. Khi đặt vấn đề với Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng làm đầu mối, Ban Tổ chức đã nhận được sự đồng ý từ Lãnh đạo cao nhất là Thường vụ Đảng ủy Thành phố đến lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cũng chia sẻ: "Mặc dù Hải Phòng cho đến nay vẫn được xem là một "pháo đài xanh" trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi Hải Phòng quyết định nhận làm đơn vị đăng cai cho Liên hoan là một việc có nhiều băn khoăn, chủ yếu là vấn đề Covid-19. Hải Phòng sẽ đón 19 đơn vị với trên 2.000 người, rải rác cả trong Nam ngoài Bắc không phải là số lượng ít. Và chúng tôi đã thống nhất với Ban tổ chức Liên hoan và các đơn vị tham gia: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch là giải pháp bắt buộc, không chỉ để giữ vững sự bình yên cho thành phố mà còn giúp bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng của các tỉnh thành lân cận, từ đó giữ vững ổn định cho nền kinh tế của thành phố. Ban tổ chức cũng đã khuyến khích các đoàn chỉ đến trước giờ diễn, "đánh nhanh rút gọn", đảm bảo an toàn, không tổ chức các hoạt động hưởng ứng khác. Và thực tế, nhiều đoàn ở xa cũng đã hợp tác theo phương án này".
Để an toàn cho Hải Phòng, an toàn cho các đoàn, chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở Y tế để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid- 19 phục vụ cho những ngày Liên hoan diễn ra. Chúng tôi cũng liên hệ phối hợp với các chốt kiểm dịch đi vào thành phố thực hiện nghiêm nhưng cũng tạo điều kiện cho các đoàn đảm bảo thời gian để kịp diễn. Cho đến giờ này khi khó khăn trở ngại đã vượt qua, nhiều người tay bắt mặt mừng thốt lên nếu không có Hải Phòng thì không biết bao giờ anh em mình mới có dịp gặp nhau. Nghề của chúng tôi là nghề diễn mà không được diễn thì thua thiệt lắm – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết.
Những chuyện "hậu trường" khó quên
Chia sẻ một số công việc "bếp núc" có tính "bất thường" do dịch Covid gây ra, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban tổ chức Liên hoan cho biết: Việc thay đổi địa điểm của Liên hoan từ Thái Nguyên xuống Hải Phòng không thuần túy tính chất chuyển địa điểm tổ chức mà còn là chuyển sân khấu biểu diễn. Nếu không có sân khấu rộng, có trang bị ứng dụng các phương tiện công nghệ hiện đại thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng biểu diễn. Đặc biệt đối với các chương trình Ca Múa Nhạc. Sau đó chúng tôi đi thị sát và đánh giá Nhà hát Tháng Tám đủ đáp ứng cho các đoàn diễn trong tình hình khó khăn Covid hiện nay.
Việc thay đổi MC đột xuất vì lý do Covid cũng đáng nhớ. Đã đặt lịch trước song buổi tối khai mạc, một giờ sáng, bạn MC điện thoại từ Hà Nội giọng hốt hoảng thông báo khu nhà bị phong tỏa nên không thể đi. Hay kế hoạch buổi biểu diễn của đoàn Hà Giang vào buổi tối lúc 20 giờ như bình thường. Song buổi sáng Ban Tổ chức lại nhận được thông báo lúc 20 giờ tối 19/11 sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 nên dừng tất cả các hoạt động văn hóa văn nghệ. Lịch đã xếp kín, nếu chuyển sang hôm sau lại làm ảnh hưởng lịch của các đoàn khác. Cuối cùng, Ban tổ chức bàn bạc và thống nhất đẩy giờ diễn sớm. Buổi biểu diễn đã diễn ra thành công, kết thúc vẫn kịp giờ để làm Lễ tưởng niệm- bà Xuân cho biết thêm.
Một diễn viên tham dự Liên hoan đã tâm sự: "Đúng thật, 30 mươi năm trong nghề, chưa bao giờ để tham gia liên hoan, hội diễn mà thấy vất vả như lần này…". Mỗi đoàn ít nhất cũng 50 đến 70 người. Đoàn nhiều lên tới gần 150 người. Việc ăn ở, đi lại, ngủ nghỉ trong lúc dịch phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn. Ngay trong lúc liên hệ cho công tác chuẩn bị, Ban Tổ chức cũng đã tư vấn cho các đoàn sắp xếp thời gian đến cho sát với thời điểm diễn. Vì thế, nhiều đoàn đi đêm về hôm, diễn xong là về luôn không có cả thời gian ăn nghỉ. Đoàn Nhạc giao hưởng cũng đi từ Hà Nội lúc 5 giờ. Trên xe chuẩn bị đồ ăn tạm buổi sáng. Xuống đến Hải Phòng lại lao vào lo cho việc lên sân khấu. Lúc diễn xong đã muộn giờ ăn trưa. Vì vậy, để chống đói kịp thời cho đoàn, vừa để đảm bảo an toàn, sức khỏe, ban hậu cần đã lo cho mỗi người suất cơm hộp. Nhìn những diễn viên vừa biểu diễn xong, vẫn comple, cà vạt thắt nơ trên tay cầm hộp cơm ai cũng chạnh lòng. Nhưng không vì thế mà mọi người nản lòng.
Năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn với ngành nghệ thuật biểu diễn do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid. Nhiều hoạt động biểu diễn trong năm đã không được tổ chức. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 11, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc- 2021 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã diễn ra từ ngày 18 đến ngày 28/11 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức. Đây là một hoạt động đã thể hiện sự nỗ lực quyết tâm vượt qua thách thức khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Đây có thể coi là một "phép thử" trong việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Từ sự chung tay, góp sức, cùng vượt qua thử thách khó khăn, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cùng các đơn vị nghệ thuật, cùng sự góp mặt của khán giả đều tin tưởng Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc- 2021 (đợt 1) tại thành phố Biển, thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng sẽ thành công tốt đẹp.
So với kỳ Liên hoan trước, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc- 2021(đợt 1) đã có số lượng các đơn vị tham gia đông hơn không những về mặt số lượng mà còn phong phú về mặt loại hình biểu diễn. Đó là sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với tiết mục giao hưởng thơ "Người về đem tới ngày vui" (Trọng Bằng), tổ khúc "Carmen" (Georger Bizet), tổ khúc giao hưởng "Dáng Rồng lên" (Đỗ Hồng Quân); Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam với vở nhạc kịch "Những người khốn khổ", tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Victor Hugo. Nhà hát Tuổi trẻ với vở nhạc kịch "Trại hoa vàng" - tác phẩm được chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; Chương trình nghệ thuật "Đêm huyền diệu" của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc...