Lễ công bố Quyết định và tiếp nhận công việc của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2016-2020
15/04/2016 | 09:57Toàn văn bài phát biểu của Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện Sáng ngày 14.4.2016, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và tiếp nhận công việc từ đồng chí Hoàng Tuấn Anh – Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
trao Quyết định cho Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
Đồng chí Mai Văn Chính – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Quyết định số 141 QĐNS/TƯ ngày 09.04.2016 của Bộ Chính trị, phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện – Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ VHTTDL làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL.
Tại buổi Lễ, nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký bàn giao công việc.
Phát biểu tại buổi Lễ, Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận nhiệm vụ lãnh đạo Ngành VHTTDL, đồng thời gửi lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thuộc Bộ, cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành, trong suốt hai nhiệm kỳ vừa qua đã chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu trên từng lĩnh vực công tác để sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình có được những thành tựu hết sức to lớn như ngày hôm nay.
Trong thời gian tới cần tập trung vào các lĩnh vực:
Về lĩnh vực văn hoá, tập trung chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp. Phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có giải pháp cụ thể, thiết thực để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam. Đúc kết, xây dựng và từng bước hình thành những giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát huy lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế, xây dựng văn hoá trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, làng bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và có bổ sung những tiêu chí mới. Xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tăng cường các thiết chế về văn hoá.
Về lĩnh vực gia đình, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là tổ ấm hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người; đề cao và phát huy vai trò gia đình. Trong giáo dục đạo đức con người phải gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Về lĩnh vực thể dục thể thao, mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao quần chúng, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, gắn với triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hoá, phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, phấn đấu đến năm 2020, số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 33%, gia đình tập luyện thể thao đạt 23%; từng bước phát triển thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo vận động viên, phấn đấu là 1 trong 3 nước có thành tích cao dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, từng bước tiếp cận thành tích của Châu Á và Thế giới ở một số nội dung Olympic, ASIAD mà nước có thế mạnh.
Về lĩnh vực du lịch, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong ngành du lịch, mà trước hết là chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch, cải thiện môi trường du lịch, an ninh, an toàn văn minh trong du lịch về cơ sở hạ tầng, về công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức và tăng cường công tác quản lý nhà nước. Tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, được đo bằng chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả bền vững thương hiệu và sự cạnh tranh; cải thiện và xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam chất lượng, an toàn, thân thiện với những điểm đến danh tiếng và những thương hiệu du lịch nổi bật, đẳng cấp cao, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực; phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12% và đến năm 2020 đạt 12-13 triệu lượt khách quốc tế, 48-50 triệu lượt khách nội địa…
CTTĐT