Lấy ý kiến xây dựng thông tư về hoạt động mỹ thuật: Đích cuối cùng phải là tượng đài đẹp…
25/10/2017 | 11:25Sáng 24/10 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2013/BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định số 113/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và Thông tư hướng dẫn định mức ngành Mỹ thuật.
Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; các Sở VHTTDL, doanh nghiệp, các nhà điêu khắc, họa sĩ… Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì Hội thảo.
Sau 4 năm đi vào cuộc sống, NĐ 113 và Thông tư số 18 về cơ bản đã giúp cho công tác quản lý mỹ thuật thực hiện đúng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động mỹ thuật, tạo hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển sự nghiệp mỹ thuật. Tuy nhiên, từ thực tế đời sống NĐ và Thông tư nói trên vẫn tồn tại những bất cập…
Do đó, ngày 15/3/2017 Bộ VHTTDL đã ký quyết định số 924/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của NĐ 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật (thay thế thông tư 18/2013/TT-BVHTTDL).
Thông tư gồm 13 điều: quy định về định mức kinh tế, nhân công cho công việc xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng như xây dựng tượng đài, xây dựng phù điêu, khối biểu tượng, tranh ghép gốm…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp… đóng góp cho Ban soạn thảo hoàn thiện Dự thảo Thông tư này.
PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên chỉ ra thực tế hiện nay về quyền tác giả trong các công trình tượng đài hiện nay chưa được chú trọng. Nhiều tác giả không dám kí nhận tác phẩm của mình vìchất lượng quá thấp, hoặc đã khác so với phác thảo ban đầu. Một số đơn vị thi công chất lượng thấp, phụ thuộc vào doanh nghiệp… dẫn đến nhiều công trình khi làm xong không đảm bảo chất lượng và gây bức xúc cho người xem.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT,NA&TL cho rằng: Tại điều 22 của NĐ 113 quy định rất rõ về tác giả tượng đài, tranh hoành tráng. Trong đó quy định nhiệm vụ và quyền hạn của tác giả. Nhưng trên thực tế, các địa phương chưa thực hiện đúng. Các tác giả cũng không làm gì để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình. Thực tế, các chủ đầu tư cũng không thực hiện đúng quy định này. NĐ 113 quy định rõ: Tác giả chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật công trình từ khâu sáng tác mẫu phác thảo đến các bước thể hiện và hoàn thiện; giám sát và giới thiệu người khác có đủ năng lực giám sát quá trình thi công thực hiện phần mỹ thuật công trình; được tham gia giới thiệu nhà thầu cho chủ đầu tư để lựa chọn thể hiện phần mỹ thuật công trình…
Về quy định hội đồng nghệ thuật, nhiều đại biểu đề cập thực tế bất cập tại các địa phương. Ông Đinh Quang An, Công ty Mỹ thuật Trung ương phía Nam cho rằng: Vai trò của HĐNT là vô cùng quan trọng, trong đó chủ chốt bắt buộc điêu khắc và hội họa. Trong NĐ quy định rõ HĐNT phải có 2/3 số thành viên là các nhà điêu khắc, họa sĩ, 1/3 là nhà quản lý và nhà đầu tư, nhưng trên thực tế địa phương không thực hiện đúng quy định. Đa số vẫn là họa sĩ và nhà đầu tư, nhà quản lý… Quy định trước khi thành lập HĐNT phải xin ý kiến Bộ VHTTDL để thành lập hội đồng về danh sách các thành viên…
Ông Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, trong thông tư nên quy định rõ trong HĐNT phải trên 50% là nhà điêu khắc và họa sĩ. Với một tác giả để có một công trình tượng đài từ nung nấu ý tưởng, phác thảo và theo đuổi mất cả chục năm. Nhưng nhiều công trình khi hoàn thành tác giả không dám kí tên vào công trình vì thi công không đúng…
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là thực trạng mà nhiều đơn vị quản lý địa phương phía Nam gặp phải là tượng đài tôn giáo, khuôn viên cơ quan, trường học…
Bà Lương Thuý Nga, đại diện Sở VHTTDL Đồng Nai nêu lên thực tế ở Đồng Nai các cơ sở tôn giáo chiếm đa số. Nhiều tượng đài được xây dựng trong khuôn viên của nhà thờ, chùa… rất khó để áp dụng theo NĐ. Thậm chí nhiều nơi như trường học cũng gặp phải khó khăn này. Bà Nga đề xuất việc sao chép tượng trong các trường hợp này phải có hội đồng thẩm định. Tránh tình trạng một số đơn vị sao chép tranh không đúng, tượng trẻ thành già… không phù hợp.
Ông Vi Kiến Thành cho biết: Thực tế ở địa phương nào cũng muốn có công trình tượng đài. Trong khi quy hoạch chúng ta phải hạn chế công trình, chọn những công trình cần thiết, ý nghĩa, đúng với lịch sử địa phương. Trước đây có 58 địa phương đề nghị làm tượng đài Bác Hồ nhưng Cục MT,NA&TL chỉ trình 6 công trình.
Trước tình trạng tượng tôn giáo ở địa phương hiện nay, nhiều công trình tự phát, không ai cấp phép, quản lý nên xảy ra những tượng kém chất lượng. Điều này sẽ phải đưa vào văn bản quy định rõ trong Thông tư. Tượng tôn giáo cũng là tượng đài quy trình phải giống xây dựng tượng đài khác. Tượng xây ở các cơ quan, trường học, tác động môi trường sống xung quanh phải xin phép.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên đề cập những vấn đề còn bất cập trong thực tế đời sống đối với NĐ 113 và Thông tư 18. Tình trạng hiện nay phần lớn những công trình tượng đài, tranh hoành tráng thì những người quyết định không có chuyên môn, còn những người có chuyên môn thì chỉ dừng lại ở việc tham mưu.
Đối với vấn đề tượng đài tôn giáo phải xác định: tôn giáo cũng là một thành phần của xã hội, phải chịu sự quản lý chung. Đòi hỏi vai trò của địa phương rất lớn. Đối với các công trình, tượng đài nào chưa có trong quy định văn bản thì địa phương có thể gửi văn bản đến Bộ trực tiếp chỉ đạo. Mục đích cuối cùng là chúng ta có văn bản chuẩn cho cấp quản lý trung ương và địa phương. Quan trọng hơn cả vẫn là xuất hiện những tượng đài đẹp…/.
(Theo Báo Văn hóa)