Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức “Tiếng hát âm vang đại ngàn”
25/07/2017 | 16:20Trong 02 ngày 22 và 23/7, tại không gian làng dân tộc Ê Đê, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Tiếng hát âm vang đại ngàn".
Ca khúc "Hrê lên rẫy" của dân tộc Ê đê. Ảnh: vinaculto
Đây là một trong các hoạt động tháng 7 với chủ đề "Âm vang Tây Nguyên", nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên tới du khách khi đến tham quan "Ngôi nhà chung".
Nhắc đến văn hóa Tây Nguyên đó là một không gian văn hóa rộng lớn với những phong tục và lễ hội độc đáo, kiến trúc không gian đặc sắc, trang phục dân tộc, nhạc cụ truyền thống và không thể không kể đến các loại hình diễn xướng và diễn tấu bởi tiếng hát, tiếng đàn mang đậm âm hưởng Tây Nguyên, dường như là chiếc cầu nối tinh thần giữa con người với không gian bí ẩn đại ngàn.
Trong chương trình giao lưu có một vị khách mời đặc biệt là một người con của dân tộc Pa Cô, ca sỹ Ploong Thiết, anh đã mang đến lời ca tiếng hát mang đậm âm hưởng Tây Nguyên thật cảm xúc và giản dị, tạo không khí vui tươi, thân thiết cho du khách khi đến với “Ngôi nhà chung”.
Ngoài ra, còn có các hoạt động trình diễn, trưng bày, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng Tây Nguyên, đàn T’rưng, K’rông put… nhằm giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đặc biệt là dân tộc Tà Ôi và dân tộc Ê Đê với du khách tham quan.
Ca sỹ Ploong Thiết hát ca khúc "Đôi chân trần". Ảnh: vinaculto
Đến với “Ngôi nhà chung” trong dịp này, du khách không chỉ được thưởng thức các tiết mục dân ca dân vũ, mà còn được tìm hiểu các nghề thủ công, các cách chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào đang sinh hoạt tại đây, được đắm chìm trong không gian đậm đà bản sắc vùng đại ngàn Tây Nguyên ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội.
Hoạt động do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giao Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Đăk Lăk; Trung tâm Văn hóa huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế; các nghệ sĩ, ca sĩ thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, các vị sư chùa Khmer, Sư trụ trì chùa Pháp Vân và các nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tổ chức thực hiện./.
Lan Anh (t/h)