Lắng đọng với “Đêm vô thức bản địa”
27/11/2017 | 17:06Chương trình nghệ thuật mang tên “Đêm vô thức bản địa”, giới thiệu Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony sẽ diễn ra vào 12/12/2017 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Theo đó, “Đêm vô thức bản địa” quy tụ hơn 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ đến từ các vùng miền trên cả nước, cùng hoà tấu những âm thanh độc đáo và đặc sắc của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống Paranung, trống Gineng, đàn đó, ... cũng như những làn điệu, bài ca được hát lên đầy tâm tư, tình cảm.
Toàn cảnh Họp báo giới thiệu "Đêm vô thức bản địa". Ảnh: Gia Linh
Để tổ chức “Đêm vô thức bản địa” và kiến thiết dàn nhạc Seaphony, trong năm 2017, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, cùng các nghệ sĩ, cộng sự tâm huyết đã đi đến các bản làng miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, đến với buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, Hmông, Lào, M’nong, Ede, Jarai, Sê Đăng, ...
Hành trình lao động sáng tạo và tập luyện miệt mài của tập thể các nhạc sĩ, nghệ nhân, nhạc công trong nhiều tháng ròng đã tạo ra những đêm nhạc thể nghiệm ấn tượng, riêng có. Và thành quả là dàn nhạc Seaphony - Dàn hòa tấu nhạc cụ bản địa độc đáo chưa từng có với không gian âm nhạc vừa hào hùng, vừa da diết được giới thiệu trong “Đêm vô thức bản địa”.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội chia sẻ, chúng tôi rất vinh dự được đồng hành sản xuất cùng với Lune Production trong “Đêm vô thức bản địa”. Ảnh: Gia Linh
Theo nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý - Nhà sáng lập & Giám đốc Dự án S.E.A Sound, chương trình nghệ thuật “Đêm vô thức bản địa”, giới thiệu Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony, thuộc dự án S.E.A Sound - Giai đoạn 1 tại Việt Nam 2017.Trước đó, lần lượt “Đêm Vô Thức Tây Bắc” (31/03), “Đêm Vô Thức Tây Nguyên” (30/06) và “Đêm Vô Thức Chăm” (30/09) đã diễn ra tại Phù Sa Lab để giới thiệu khí nhạc tiêu biểu của từng vùng miền qua các tiểu phẩm thể nghiệm. Các “Đêm Vô Thức” trên đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng như đông đảo khán giả đến theo dõi.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự được đồng hành sản xuất cùng với Lune Production trong “Đêm vô thức bản địa”. Đây là lần thứ 2 chúng tôi đồng hành cùng công ty. Chương trình đầu tiên của chúng tôi là “Làng tôi”, diễn từ tháng 7/2016 thứ 2 hàng tuần và đã thu được những thành công lớn, đón nhận được sự khen ngợi của khán giả trong nước và quốc tế. Năm 2016, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đưa nghệ thuật truyền thống trở lại Nhà hát Lớn, nhằm khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Lớn ngày càng chú trọng và đa dạng hóa phát triển các sản phẩm văn hóa đặc trưng của các vùng miền. Tôi hy vọng chương trình “Đêm vô thức bản địa sẽ” giúp khán giả hiểu hơn và trân trọng hơn văn hóa bản địa” – Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết./.
Gia Linh