Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lan tỏa văn hóa Việt qua ngôn ngữ điện ảnh

15/02/2018 | 07:30

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, điện ảnh Việt Nam đang dần khẳng định mình trên con đường hội nhập, từ đó, góp phần lan tỏa văn hóa dân tộc đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan (Ảnh: NVCC)

+ PV: Trong những năm qua, Cục Điện ảnh đã có những hoạt động quan trọng nào nhằm giới thiệu và lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế? Cục trưởng có thể cho biết một số kết quả nổi bật?

Cục trưởng Ngô Phương Lan: Để lan tỏa các tác phẩm điện ảnh đến với công chúng trong nước và quốc tế thì hoạt động quan trọng nhất chính là các sự kiện Tuần phim và Liên hoan phim.

Hàng năm, Cục Điện ảnh thường xuyên tổ chức các Tuần phim trong nước nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước hoặc những chương trình lớn của đất nước về ngoại giao, ví dụ như: APEC, kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thành lập của các quốc gia. Đối với Liên hoan phim, chúng ta có các Liên hoan phim quốc gia và Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội được tổ chức hai năm một lần. Thông qua những hoạt động đó, sức lan tỏa của điện ảnh đến với công chúng sẽ rộng rãi hơn, mang đến nhiều nét nổi bật hơn. Đặc biệt, các Liên hoan phim của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được thương hiệu, từ đó góp phần khẳng định vị thế của điện ảnh nước nhà.

Bên cạnh đó, thị hiếu của khán giả Việt Nam đang có sự thay đổi và tác động tích cực tới thị trường điện ảnh trong nước. Phải khẳng định thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nóng, doanh thu tăng trung bình 25%/năm. Nhưng điều quan trọng là nếu như trước kia, khán giả vẫn chưa mặn mà với phim Việt thì giờ đây, họ lại thể hiện một sự quan tâm rất lớn đối với dòng phim này. Những năm qua, đã có rất nhiều bộ phim thu hút được khán giả, tạo được những làn sóng quan tâm tới phim Việt Nam. Không chỉ thuần túy là các bộ phim giải trí hay đặt nặng yếu tố thu hút khách, bản thân nhiều bộ phim trong đó đã chứa đựng những giá trị nhân văn đích thực. Một ví dụ điển hình là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ngoài việc tạo nên “cơn sốt” tại các rạp chiếu, phim đã mang tới rất nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp, làm phong phú và làm đẹp hơn tâm hồn con người Việt Nam, gợi mở cho con người về tình yêu quê hương, đất nước.

Với thị trường quốc tế, những năm gần đây, Cục Điện ảnh đã tổ chức nhiều Tuần phim ở nước ngoài và có các hoạt động nổi bật trong các Liên hoan phim quốc tế, ví dụ như: Liên hoan phim Việt Nam tại Pháp (2014), Tuần phim Việt Nam ở các nước Hàn Quốc (2014, 2017), Mỹ và Đức (2015), Cộng hòa Séc (2016), Tây Ban Nha (2017),…Đặc biệt, trong năm vừa rồi, điện ảnh Việt Nam đã để lại dấu ấn lớn thông qua các hoạt động tại Cannes, trong đó có gian hàng và sự kiện “Đêm Việt Nam” để giới thiệu những điểm nhấn của điện ảnh Việt Nam cũng như hình ảnh đất nước, con người và những đặc sắc của văn hóa, ẩm thực,…

+ PV: Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh là một xu thế tất yếu, trong đó nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,…đã đạt được những thành công vang dội. Xin Cục trưởng cho biết những thành tựu nổi bật và triển vọng của Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế?

Cục trưởng Ngô Phương Lan: Là một ngành có thế mạnh hội nhập, điện ảnh đã tác động rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển ngành du lịch.

Nắm bắt được điều đó, những năm qua, trong các chương trình phim, cùng với việc giới thiệu các bộ phim đặc sắc tới bạn bè trong nước và quốc tế, Cục Điện ảnh luôn chú trọng việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, quảng bá du lịch.

Quá trình hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng tạo được những bước tiến vững chắc, góp phần khẳng định vị thế của điện ảnh Việt. Cụ thể, Cục Điện ảnh đã ký Biên bản hợp tác với Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Từ đó, hai bên luôn có những trao đổi rất tốt, cùng nhau tổ chức các Tuần phim Việt Nam tại Hàn Quốc, Tuần phim Hàn Quốc tại Việt Nam, phát triển mạng lưới hợp tác điện ảnh, sản xuất phim giữa hai quốc gia.

Gần đây nhất, Cục Điện ảnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất phim Ba Lan, trong đó có các hợp tác về bảo vệ đa dạng trong bản sắc điện ảnh, cùng nhau hỗ trợ và tạo điều kiện tham dự các liên hoan phim quốc tế ở các nước, hợp tác trong việc sản xuất phim, các chương trình đào tạo, các học bổng dành cho sinh viên… Cục cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp (CNC) và duy trì hợp tác truyền thống với các nền điện ảnh của các nước đã có Hiệp định hợp tác văn hóa như Nga. Hiện nay, Cục Điện ảnh đang trong quá trình thảo luận và đàm phán về việc thỏa thuận hợp tác với điện ảnh Italia.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên và Cục trưởng Ngô Phương Lan tại LHP Việt Nam lần thứ XX (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt nhất, trong những ngày qua đã diễn ra sự kiện Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX với điểm nhấn là Giải thưởng Phim ASEAN. Giải thưởng do Việt Nam sáng lập và đăng cai tổ chức lần đầu tiên để chào mừng 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và truyền thống hợp tác hữu nghị giữa các nước thuộc cộng đồng ASEAN. Quá trình sáng lập Giải thưởng đã nhận được sự ủng hộ của Ban thư ký ASEAN, Bộ Ngoại giao và các nền điện ảnh trong khu vực ASEAN. Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam, Giải thưởng Phim ASEAN đã được tổ chức rất thành công, trong đó in đậm dấu ấn của Việt Nam - quốc gia sáng lập Giải thưởng. Trong những năm tới, giải thưởng này sẽ được tổ chức luân phiên ở các nước trong khu vực ASEAN.

+ PV: Với thành tích đã đạt được trong những năm qua, trên cương vị quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh, Cục Điện ảnh có những đề xuất, định hướng gì để phát triển?

Cục trưởng Ngô Phương Lan: Ngành Điện ảnh rất may mắn khi đã có "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo chiến lược đó, ngành đã có những định hướng và giải pháp để phát triển toàn diện các lĩnh vực: sản xuất phim, phát hành - phổ biến phim, đào tạo nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Từ đó, thực hiện mục tiêu xây dựng nền Điện ảnh Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần phát triển nền văn hóa và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020”, định hướng trong những năm tới, ngành điện ảnh sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, thực hiện vai trò là ngành quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Chiến lược đã chỉ ra những đường hướng phát triển, nhưng khi nhắc tới điện ảnh là phải nhắc tới các bộ phim, đặc biệt là những bộ phim hay, chứa đựng được những tư tưởng nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy được truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam như: yêu nước, gắn bó với gia đình, tôn sư trọng đạo, tương thân tương ái, …và quan trọng là phải có sức hấp dẫn với khán giả. Trên tinh thần đó, Cục Điện ảnh rất mong muốn và cố gắng duy trì các dòng phim chính thống, phim nghệ thuật và phim giải trí. Ba dòng phim phải được phát triển hài hòa để cùng nhau tạo nội lực và đem tới sự đa dạng, phong phú cho phim Việt.

Trong những năm vừa qua, ngay cả trong các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế, Cục Điện ảnh rất cố gắng để mang tới sự hài hòa giữa các dòng phim do nhà nước đặt hàng cũng như các phim tư nhân. Với một số tác phẩm chất lượng, được trao nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim, các hãng phim tư nhân đang từng bước khẳng định vị trí và trở thành một thành tố quan trọng, cùng với điện ảnh nhà nước xây dựng và phát triển điện ảnh dân tộc.

Về vấn đề xã hội hóa, có thể khẳng định điện ảnh là ngành thực hiện xã hội hóa rất tốt. Không chỉ ở các sự kiện điện ảnh ở trong nước hay quốc tế, các kỳ Liên hoan phim quốc gia hay Liên hoan phim quốc tế Hà Nội mà ở hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực này đều được xã hội hóa với tỉ lệ cao. Xã hội hóa nhưng điện ảnh vẫn đảm bảo được yếu tố chính thống, tạo động lực quan trọng, góp phần huy động nguồn lực, trí tuệ, tài chính… của xã hội cho sự phát triển của điện ảnh dân tộc.

+ PV: Nhận định của Cục trưởng về phát triển điện ảnh Việt Nam và thế giới trong thời gian tới?

Cục trưởng Ngô Phương Lan: Ở bất cứ quốc gia nào, điện ảnh cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình giải trí khác như: nghe nhìn, internet,…Vì thế, muốn giữ được sự phát triển, sự quan tâm của người xem, thì chắc chắn điện ảnh phải tạo được bản sắc riêng. Điều đó có nghĩa là, đầu tiên phải có các tác phẩm điện ảnh chất lượng, có dấu ấn riêng để không bị trộn lẫn với các lĩnh vực giải trí khác và để đem lại cho người xem những giá trị tinh thần và giải trí khác biệt.

Riêng đối với Việt Nam thì khó khăn đó lại càng lớn hơn gấp bội. Phim sản xuất trong nước chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt của phim ngoại nhập do cam kết quốc tế không có hạn ngạnh cho phim nhập. Cuộc đổ bộ của phim ngoại nhập ở một khía cạnh nào đó giúp khán giả Việt có cơ hội tiếp xúc các bộ phim “bom tấn” của thế giới, nhưng lại tạo áp lực lớn cho phim nội, khiến “điện ảnh Việt đang phải chiến đấu với những người khổng lồ”.

Trước thực trạng đó, làm sao để củng cố và phát triển nội lực điện ảnh dân tộc là một bài toán lớn được đặt ra. Và lời giải đầu tiên là các nhà sáng tác, các nhà  làm phim của chúng ta phải nỗ lực hơn rất nhiều để tạo nên những tác phẩm điện ảnh độc đáo, chất lượng, có bản sắc riêng và thu hút được khán giả.

+ PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Cục trưởng!

Diệu Hằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×