Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Làm nghệ thuật cho thiếu nhi đừng đặt nặng mục đích kinh doanh, kiếm lời ( Bài 3)

08/04/2019 | 16:40

Sân khấu thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay đang chạy theo mùa vụ, hầu hết các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức tư nhân đang biến sân khấu thiếu nhi thành nơi kinh doanh kiếm lời vì nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng "khán giả nhí" đặc biệt vào dịp 1/6 và Tết Trung thu.

Với mong muốn có một sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi, chúng tôi đã có loạt bài về khan hiếm sân khấu thiếu nhi, trong đó, có sự cắt nghĩa của tác giả kịch bản sân khấu thiếu nhi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Giám đốc điều hành sân khấu Lệ Ngọc- sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội để làm rõ hơn thực trạng sân khấu thiếu nhi hiện nay cũng như giải pháp nào để sân khấu thiếu nhi phát triển.

Làm nghệ thuật cho thiếu nhi đừng đặt nặng mục đích kinh doanh, kiếm lời ( Bài 3) - Ảnh 1.

Cần có sân khấu dành riêng cho thiếu nhi

Thưa ông Nguyễn Thế Vinh, nhiều năm làm lãnh đạo ở Nhà hát Kịch Việt Nam- anh cả đỏ của sân khấu kịch, ông cũng tham gia làm Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc, ông từng nói, xu hướng phát triển của sân khấu trong tương lai sẽ chọn thiếu nhi là đối tượng chính để phục vụ? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Đối tượng phục vụ của sân khấu là khán giả nói chung, trong đó đối tượng khán giả thiếu nhi là rất quan trọng. Cùng với nhà trường, gia đình, sân khấu cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục và định hướng thẩm mỹ cho trẻ em.

Sân khấu với trẻ em vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục, là nơi để các em thưởng thức nghệ thuật, đồng thời là nơi để các em được nâng cao ý thức thẩm mỹ và tự cảm nhận được những bài học luân lý thông qua câu chuyện kịch, từ đó góp phần hình thành nhân cách cho trẻ em.

Khi được đến nhà hát thường xuyên sẽ tạo cho trẻ em thói quen đi xem nghệ thuật, dần dần trở thành nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật... và như vậy, sân khấu đã thực hiện thêm vai trò đào tạo ra thế hệ khán giả tương lai cho chính sân khấu.

Có thể nói biểu diễn phục vụ khán giả thiếu nhi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sân khấu Việt Nam hôm nay

Hiện nay, sân khấu thiếu nhi, đặc biệt là sân khấu dành cho thiếu nhi ở miền Bắc đang rất khan hiếm, ngay cả ở Thủ đô. Ông có thể cho biết vì sao lại như vậy?

- Các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay đang chạy theo nhu cầu thị hiếu của "khán giả nhí" để nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời. Cứ đến dịp 1/6 các nhà hát đua nhau làm chương trình biểu diễn cho thiếu nhi, rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức... đấy là cái được, nhưng cái chưa được là đang thiếu sự định hướng và đầu tư một cách nghiêm túc từ phía nhà nước, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật Trung ương. Nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật chưa cao, nội dung nghèo nàn, đôi khi nhảm nhí, phản cảm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nhận thức của trẻ nhỏ... Ở Việt Nam hiện nay hầu hết các địa phương, kể cả thủ đô Hà Nội và TP HCM đều không có một nhà hát chuyên biệt dành riêng cho trẻ em (Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát múa rối, Liên đoàn Xiếc ở Hà Nội không phải là các nhà hát chuyên biệt dành cho trẻ em!). Trong khi hầu hết các nước phát triển họ rất quan tâm đến sân khấu dành cho trẻ em, có rất nhiều đoàn nghệ thuật và sân khấu DÀNH RIÊNG CHO TRẺ EM.

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng sân khấu dành cho thiểu nhi ở nước ta hiện nay, trước hết là do chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của sân khấu đối với trẻ em, chưa đánh giá được tác động sâu xa của sân khấu đối với việc hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ, do đó chưa coi đối tượng trẻ em là mục tiêu để phục vụ. Chúng ta đang để cho sân khấu thiếu nhi nở rộ như hoa cỏ mùa xuân mà thiếu đi sự điều tiết mang tính định hướng của các nhà quản lý! Chúng ta đang dễ dãi bằng lòng với cái gọi là "xu thế xã hội hoá" nhưng chưa thấy hết được mặt trái của các chương trình biểu diễn có nội dung nhạt nhẽo, vô bổ, "tạp phế lù" đôi khi lệch chuẩn vẫn được phép công diễn cho trẻ em, điều đó thật là tai hại...!!!

Làm nghệ thuật cho thiếu nhi đừng đặt nặng mục đích kinh doanh, kiếm lời ( Bài 3) - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Vinh: Sân khấu thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay đang chạy theo mùa vụ, hầu hết các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức tư nhân đang biến sân khấu thiếu nhi thành nơi kinh doanh kiếm lời vì nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng "khán giả nhí" đặc biệt vào dịp 1/6 và Tết Trung thu

Sân khấu thiếu nhi hiện chỉ mang tính mùa vụ. Trong khi nhu cầu của khán giả nhí là có thật. Để sân khấu thiếu nhi có thể khởi sắc, theo ông, cần có những động thái gì ?

- Sân khấu thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay đang chạy theo mùa vụ, hầu hết các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức tư nhân đang biến sân khấu thiếu nhi thành nơi kinh doanh kiếm lời vì nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng "khán giả nhí" đặc biệt vào dịp 1/6 và Tết Trung thu. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của trẻ em là có thật, không chỉ vào các dịp nói trên mà là nhu cầu thường xuyên. Đây là nhu cầu tự nhiên và chính đáng của trẻ nhỏ, người lớn, đặc biệt là những người làm sân khấu và các nhà quản lý nghệ thuật cần phải nghiêm túc nhìn nhận. Để từ đó có những giải pháp căn cơ mang tính chuyên nghiệp, từ chủ chương, chính sách đến việc chỉ đạo thực hiện và nhất là phải được đầu tư thỏa đáng và phải có những NHÀ HÁT DÀNH RIÊNG CHO THIẾU NHI.

Chúng ta đừng nghĩ làm sân khấu thiếu nhi dễ hơn sân khấu cho người lớn, thực tế nếu làm nghiêm túc còn khó hơn rất nhiều. Thế giới có hẳn một Hiệp hội sân khấu dành cho thiếu nhi (viết tắt là ASITEJ) Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội này, Nhà hát Tuổi trẻ là Trung tâm ASITEJ của Việt Nam. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Nhà hát Tuổi trẻ không phải là Nhà hát dành riêng cho thiếu nhi. Trên thế giới có rất nhiều nhà hát dành riêng cho thiếu nhi và họ thường xuyên tổ chức Liên hoan nghệ thuật biểu diễn cho thiếu nhi. Năm 2016 khi còn làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tôi đã đưa vở kịch thiếu nhi "Con gà trống" tham gia Liên hoan nghệ thuật biểu diễn dành cho thiếu nhi tại thành phố Toyama, Nhật Bản với 25 quốc gia tham dự, đây là một trong những liên hoan nghệ thuật quốc tế lớn nhất dành cho trẻ em được tổ chức 4 năm một lần thu hút nhiều nước tham dự với hàng ngàn nghệ sỹ tham gia.

Ở Trung Quốc, tỉnh thành nào cũng có ít nhất một nhà hát dành riêng cho trẻ em được nhà nước đầu tư toàn diện, sân khấu rất qui mô và hoành tráng, chương trình rất hấp dẫn và biểu diễn thường xuyên quanh năm cho trẻ em. Còn ở những nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu sân khấu dành riêng cho thiếu nhi nhiều vô kể, ít có những nhà hát hoành tráng như kiểu Trung Quốc nhưng họ lại có rất nhiều sân khấu nhỏ nằm rải rác khắp thành phố, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ em... Điều đặc biệt ở những nước phát triển khi làm chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi họ phân theo độ tuổi rất rõ ràng (từ 1-3, 4-6, 7-10....) mỗi chương trình, vở kịch phù hợp cho từng độ tuổi, không lẫn lộn kiểu "tạp phế lù", thậm chí ở Thụy Điển còn có sân khấu dành cho trẻ nhỏ từ 1 đến 6 tháng tuổi, các bé được mẹ bế đến xem để bé cảm nhận được âm nhạc, ánh sáng, tiếng động và âm thanh truyền cảm từ giọng nói ấm áp của các nghệ sỹ.... tất nhiên nội dung chương trình và phương thức biểu diễn cũng phải rất đặc biệt để phù hợp với các bé.

Để cải thiện và nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay phải bắt đầu từ những nhà quản lý, phải có chính sách ưu tiên và đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc, và nhất là phải xây dựng mô hình NHÀ HÁT DÀNH RIÊNG CHO THIẾU NHI.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×