Lâm Đồng: Ban hành Kế hoạch hướng dẫn toàn dân tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
29/10/2021 | 14:40UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn toàn dân tập luyện thể dục thể thao (TDTT) nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Phù hợp thực tiễn
Đây là bước cụ thể hóa trên địa bàn Lâm Đồng theo Kế hoạch số 2796 ngày 6/8/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn toàn dân tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm vận động, hướng dẫn toàn dân trên địa bàn tỉnh duy trì thói quen tập luyện TDTT một cách thường xuyên, đúng cách, nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Và đây cũng chính là bước nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", gắn với "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình sức khỏe Việt Nam".
Yêu cầu đặt ra việc tổ chức hướng dẫn tập luyện TDTT phải cần đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động cơ sở vật chất, các nguồn lực đầu tư để phát triển phong trào TDTT trong các cơ quan, đơn vị, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư và các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh.
Đẩy mạnh truyền thông
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình người dân về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT, coi TDTT là công cụ hữu hiệu để nâng cao sức khỏe, thể lực tầm vóc, chất lượng cuộc sống của Nhân dân và đẩy lùi dịch bệnh.
Các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương trong tỉnh trước mắt cần tổ chức tốt ngày chạy Olympic "Vì sức khỏe toàn dân", vận động mọi người lựa chọn môn thể thao thích hợp, cách thức luyện tập phù hợp để duy trì thói quen tập luyện TDTT hàng ngày; phối hợp tốt với các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về hoạt động TDTT quần chúng; biểu dương, giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về tập luyện, thi đấu, đóng góp phát triển phong trào TDTT ở các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Phổ biến tài liệu hướng dẫn tập luyện
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng trước mắt cần quan tâm, đó là việc xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn cho người dân tập luyện TDTT đúng cách nhằm nâng cao chất lượng phong trào TDTT trong tỉnh.
Cụ thể, cần phổ biến kiến thức về phương pháp, cách thức, nguyên tắc tập luyện TDTT đảm bảo vệ sinh, an toàn trong điều kiện bình thường, trong môi trường đặc biệt và trong bối cảnh dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và đại dịch COVID-19 trong các hoạt động TDTT; phổ biến tài liệu, tranh ảnh, "video clip" về các môn thể thao từ cơ bản đến nâng cao; hướng dẫn các bài tập phù hợp lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm ngành nghề, vùng miền, điều kiện thực tiễn và nhu cầu, sở thích của người dân. Hướng dẫn mọi người tập luyện TDTT kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng, dinh dưỡng bổ sung trong trường hợp cần thiết đối với từng đối tượng tập luyện.
Tỉnh cũng yêu cầu ngành chủ quản cần chuyển đổi việc lưu trữ tài liệu hướng dẫn luyện tập TDTT dưới dạng văn bản giấy theo phương pháp truyền thống lâu nay thành dạng dữ liệu số, lưu trữ trên nền tảng truyền thông đa phương tiện để thuận tiện cho mọi người có thể truy xuất, tìm kiếm, sử dụng, phù hợp xu thế ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phát triển hiện nay. Cùng đó, cần kết nối, hỗ trợ các đơn vị, ngành, địa phương với chuyên trang "Hướng dẫn tập luyện TDTT" trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục TDTT để có thêm nguồn thông tin.
Phát triển nguồn nhân lực
Để phát triển phong trào TDTT, ngành chức năng cần chú ý nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện TDTT.
Cụ thể, cần phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hướng dẫn tập luyện TDTT cho cán bộ, HLV, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ quan, đơn vị, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư, các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa về đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu số lượng và chất lượng đội ngũ nhân viên chuyên môn trong các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp dịch vụ hướng dẫn tập luyện TDTT.
Tỉnh yêu cầu nên có các hội thi về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện TDTT hằng năm để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng trọng tài, HLV, cộng tác viên, hướng dẫn viên làm công tác phát triển TDTT các cấp trong tỉnh.
Đa dạng hóa các loại hình tập luyện
Ngành chức năng tỉnh cần làm tốt việc huy động kinh phí, cơ sở vật chất từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở kinh doanh, các loại hình dịch vụ hướng dẫn tập luyện và thi đấu các môn thể thao.
Cần phát triển và nâng cao hiệu quả các mô hình tập luyện theo tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ TDTT; đổi mới cách thức tổ chức nhằm tạo sự đa dạng về hình thức; phong phú, hấp dẫn về nội dung và phù hợp với sở thích, nhu cầu tập luyện TDTT ngày càng cao của người dân; khuyến khích tổ chức tập luyện, thi đấu TDTT trực tuyến hoặc sử dụng phần mềm các thiết bị điện tử để phổ biến, hướng dẫn tập luyện trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, giúp cho Nhân dân được tiếp cận đa dạng các loại hình tập luyện một cách nhanh chóng, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo an toàn và tập luyện đạt hiệu quả cao nhất.
Với điều kiện tự nhiên miền núi đặc thù như Lâm Đồng, tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng sớm ứng dụng những thành tựu về khoa học công nghệ, y học thể thao và kinh nghiệm ở trong nước, quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hướng dẫn tập luyện các môn thể thao; phát triển các môn thể thao mới, loại hình tập luyện mới phù hợp điều kiện khí hậu theo xu thế phát triển hiện nay.
Ngành cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức hoạt động TDTT phải đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn, về cơ sở vật chất, về trang thiết bị theo quy định.
Nhân rộng các mô hình
Trong thời gian đến, các ngành, các cấp cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình cá nhân, tập thể, doanh nghiệp điển hình tiên tiến về cách thức tổ chức tập luyện TDTT khoa học, hiệu quả; khuyến khích việc đưa kết quả phong trào TDTT thành một trong những tiêu chí thi đua hàng năm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; duy trì và phát triển hệ thống các giải thể thao trong các cơ quan, đơn vị, xã, phường, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư nhằm đánh giá chất lượng phong trào tập luyện TDTT; phát hiện, tuyển chọn, đào tạo nhân tài thể thao thành tích cao, tạo động lực, khích lệ phong trào TDTT của mọi đối tượng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ngành chức năng tỉnh cũng cần thống kê số liệu về kết quả phong trào TDTT quần chúng, về công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên và công tác rèn luyện thể lực, thể thao ngoại khóa của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tại các đơn vị, địa phương; tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn luyện tập TDTT sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương của tỉnh./.