Lai Châu: Huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa
09/08/2024 | 11:16Lai Châu là tỉnh miền núi, giao thông khó khăn, tuy nhiên tỉnh đã thường xuyên quan tâm, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa. Từ đó, thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch, hình thành nếp sống văn minh, giàu bản sắc nơi ven trời Tây Bắc.
Thực hiện quan điểm của Đảng “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững”, những năm qua, Lai Châu đã huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Quan tâm ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa để thúc đẩy phát triển văn hóa, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025... tạo hành lang pháp lý và nguồn lực cho văn hóa phát triển.
Ông Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Cùng với cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương, huyện còn thường xuyên quan tâm đào tạo nguồn nhân lực từ cấp huyện đến cấp xã, bản; đầu tư cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy văn hóa gắn với du lịch phát triển lên tầm cao mới. Song song với sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh thì huyện huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa như: hiến đất xây nhà văn hóa; duy trì, tổ chức hoạt động của các đội văn nghệ, câu lạc bộ thể thao, giải đấu thể thao ở cơ sở... Đặc biệt những năm qua, Than Uyên chủ động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng Homestay Love Hilll, Làng cá Thẩm Phé, Khu Đồi thông...”.
Theo ông Kháng Sính Vàng ở bản Pá Khoang (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) thì việc gia đình hiến gần 2.000m2 đất xây nhà văn hóa bản là rất cần thiết và ý nghĩa. Bởi, được đóng góp một phần công sức xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần tăng cường tình đoàn kết, thúc đẩy hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương ngày càng phát triển.
Bên cạnh sự quan tâm về thể chế, chính sách thì nguồn lực tài chính cũng được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh cân đối, bố trí cho sự nghiệp văn hóa 572 tỷ đồng, thể dục thể thao 161 tỷ đồng. Các nguồn kinh phí này đã góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trước nguy cơ mai một, thất truyền; đẩy lùi hủ tục; phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dòng họ, tộc người ngay tại cộng đồng dân cư. Tiêu biểu phải kể đến: phục dựng 10 lễ hội; thành lập 5 câu lạc bộ bảo tồn văn hoá các dân tộc: Hà Nhì, Thái, Giáy, Lào; hỗ trợ 830 lượt đội văn nghệ thôn, bản; phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 11 dân tộc; xây dựng 2 hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; bản Sin Suối Hồ đạt sản phẩm OCOP 3 sao, đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia...
“Lai Châu là một trong những tỉnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã làm tốt công tác huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa. Minh chứng là không chỉ các sự kiện văn hóa như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người mà các sự kiện thể thao (Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023, Giải Dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam mở rộng lần thứ II năm 2023...) đã được tổ chức rất thành công, để lại dấu ấn riêng về văn hóa, con người thân thiện, mến khách” - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết.
Với sự đồng bộ, toàn diện từ tỉnh đến cơ sở và bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc trong việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa đã thiết thực góp phần nâng tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 39,6%/năm. Năm 2023, toàn tỉnh đón 1.045.000 lượt khách, tăng 37,1% so với năm 2022; doanh thu đạt 784,3 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2022. Mục tiêu năm 2024 đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, nhưng chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón trên 567.000 lượt, tăng 41,55% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 69,21% so với kế hoạch năm; doanh thu ước đạt 411,999 tỷ đồng, tăng 20,17% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát huy những kết quả đạt được trong huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, thời gian tới, Lai Châu tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương, của tỉnh từ các chương trình, dự án cho sự nghiệp văn hóa, thể thao; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân.