Kỳ thi năng khiếu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM: Đa sắc màu, đậm chất vùng miền
06/07/2024 | 16:38Chiều ngày 5.7, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã hoàn tất Kỳ thi tuyển sinh năng khiếu nghệ thuật năm 2024, chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật. Kỳ thi tổ chức trong hai ngày 4-5.7.
Nếu như ở nhiều kỳ thi khác, không khí căng thẳng, lo lắng bao trùm hết thảy thí sinh, thì Kỳ thi năng khiếu nghệ thuật tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dường như một ngày hội lớn.
Thí sinh rực rỡ sắc màu với đủ loại trang phục, đạo cụ; cùng với đó đông đảo sinh viên các trường nghệ thuật đến hỗ trợ thí sinh cũng xúm xính với “quần là áo lượt”. Đáng chú ý, phụ huynh còn được vào phòng để xem con mình dự thi, cùng vui, buồn với những cảm xúc của thí sinh.
Không chỉ có thí sinh tại TP.HCM, mà nhiều bạn còn đến từ những địa phương xa xôi như Bình Định, Cà Mau, Quảng Ngãi, Quảng Trị,…
Thí sinh Phan Kim Liên, hoàn thành phần thi biểu diễn nhạc cụ đàn bầu khá ấn tượng, Đáng chú ý, phần thi của em được nhận được sự hỗ trợ từ một dàn nhạc “hoành tráng” với các nhạc công trẻ đến từ Nhạc viện TP.HCM, làm cho tiết mục càng thú vị.
Kim Liên cho biết em tốt nghiệp Trường THPT Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Em rất yêu thích và có năng khiếu với nhiều loại nhạc cụ dân tộc, trong đó tự tin nhất là đàn bầu, vì thế em chọn năng khiếu này để dự thi vào chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật. Đây cũng là nguyện vọng duy nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay của Kim Liên.
Với tiếng đàn bầu vừa thiết tha vừa da diết, khi trầm khi bỗng… tiết mục của nữ thí sinh nhận được nhiều tràng pháo tay từ người xem.
Trong khi đó, thí sinh Cao Văn Min tỏ ra vô cùng tự tin với tiết mục dự thi múa mâm vàng trong nghệ thuật múa bóng rỗi.
Khi được hỏi vì sao em chọn tiết mục này dự thi, Min bày tỏ: “Múa bóng rỗi là nghi thức truyền thống có từ lâu đời trong các nghi lễ cúng tế các vị thần, như Bà Đen, Bà Chúa Xứ,… Khi em đem đến tiết mục này, em muốn mang đến nét văn hóa của loại hình nghệ thuật độc đáo hàng trăm năm của dân tộc, đây cũng là nét đặc trưng của quê hương em ở Châu Đốc, tỉnh An Giang, nổi tiếng với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có từ bao đời…”.
Ngồi xem các thí sinh thi diễn, phụ huynh của thí sinh Quỳnh Như, đến từ Bình Định chia sẻ rằng, ban đầu khi vừa vào phòng thi, chị thấy hồi hộp và lo lắng cho con gái. Đó là cảm giác thường tình khi có con em bước vào kỳ thi. Thế nhưng khi xem các tiết mục của thí sinh khác, chị cảm nhận được không khí cởi mở, dễ chịu nên không còn căng thẳng nữa. Chị nói rằng nếu con mình không thi đỗ thì cũng là một trải nghiệm, vì các bạn khác đều có năng khiếu tốt.
Theo TS. Đạo diễn Hoàng Duẩn, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, Trưởng ban chấm thi năng khiếu nhận định, năm nay chất lượng thí sinh dự thi năng khiếu khá đều, các em có sự chuẩn bị tương đối hoành tráng, nhất là phần đồng đội hỗ trợ, có tiết mục đến 8 người trên sân khấu, làm cho phần dự thi của thí sinh rất sinh động.
“Bên cạnh đó, số lượng thí sinh dự thi khá đông, trải dài từ nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều thí sinh là đồng bào dân tộc đã mang đến các tiết mục rất độc đáo, vì thế mà kỳ thi năm nay rất nhiều màu sắc, đậm dấu ấn và đặc trưng vùng miền.
Nếu như các năm trước, đa số thí sinh thi ca và nhảy, múa, thì năm nay ngoài các hình thức đó, còn có độc tấu đàn tranh, đàn bầu, kèn trumpet, ca cổ, đờn ca tài tử… Nhìn chung là các loại hình nghệ thuật dân tộc được thí sinh lựa chọn nhiều”, TS Hoàng Duẩn chia sẻ.
Dự kiến vào đầu tuần tới Trường ĐH Văn hóa TP.HCM sẽ công bố điểm thi năng khiếu.
Mùa tuyển sinh năm 2024, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo ĐH (Quản lý văn hóa; Văn hóa học; Thông tin thư viện; Bảo tàng học; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Kinh doanh xuất bản phẩm; Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam và ngành Du lịch), cao hơn năm 2023 gần 100 chỉ tiêu.
Trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển môn Năng khiếu nghệ thuật. Ở hầu hết các ngành, thực hiện xét tổ hợp môn văn hóa từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tổ hợp môn văn hóa từ kết quả học bạ THPT.
Chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật thuộc ngành Quản lý Văn hóa, thực hiện hai phương thức là xét tuyển tổ hợp môn văn hóa từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm thi năng khiếu nghệ thuật; xét tuyển tổ hợp môn văn hóa từ kết quả học bạ THPT (6 học kỳ của các môn theo tổ hợp xét tuyển) và điểm thi năng khiếu nghệ thuật.
Riêng phần thi năng khiếu nghệ thuật, thí sinh sẽ thi 2 môn: Năng khiếu biểu diễn nghệ thuật và Năng lực hiểu biết nghệ thuật.
Ở môn Năng khiếu biểu diễn nghệ thuật, thí sinh lựa chọn và thể hiện năng khiếu nghệ thuật thông qua một trong các hình thức: ca, biểu diễn nhạc cụ, múa, nhảy, diễn kịch, thuyết trình… Phần thi này đảm bảo các tiêu chí: Nội dung tiết mục, hình thức thể hiện, ngoại hình và đảm bảo đúng thời lượng quy định (không quá 10 phút).
Môn Năng lực hiểu biết nghệ thuật, thí sinh bốc thăm và trả lời trực tiếp câu hỏi theo yêu cầu đề thi. Phần thi này, thí sinh cần đạt tiêu chí: Kiến thức lý thuyết, nhận định tình huống thực tiễn, văn hóa ứng xử và đảm bảo thời lượng. Chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật có trên 100 thí sinh dự thi, chỉ tiêu chuyên ngành này là 60 em.