Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
14/12/2017 | 14:37Sáng 14/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tham dự lễ kỷ niệm có NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phùng Minh Cường - Phó Bí thư Đảng ủy Bộ; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các vị khách quý.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Gia Linh
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, NSND Anh Tú - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát cho biết, Nhà hát Kịch Việt Nam tiền thân là đoàn văn công trung ương, được thành lập năm 1952 tại Chiến khu Việt Bắc. 65 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam đã có hơn 15 thế hệ diễn viên kế tiếp nhau với 20 NSND, gần 60 NSƯT và tự hào là cánh chim đầu đàn, là anh cả đỏ của nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. 65 năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ lừng danh. Tài năng của họ đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Đó là thế hệ vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam với những tên tuổi lừng lẫy như NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Trọng Khôi…
65 năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn, trong đó có nhiều vở diễn lớn như: Phút thứ ba bi tráng, Bài ca Điện Biên, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nghêu - Sò - Ốc - Hến, Đại đội trưởng của tôi, Vụ án người đốt đền, Vua Lia… được khán giả trong nước cũng như nước ngoài hưởng ứng nồng nhiệt. Đây cũng là vở diễn gây được tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan sân khấu quốc tế.
NSND Anh Tú - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Gia Linh
Nối tiếp truyền thống cha anh, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam hôm nay cũng đã nỗ lực hết sức mình trong từng vai diễn, vở diễn. Đặc biệt, trong 5 năm qua, vượt qua những áp lực kinh tế thị trường, về cơ sở vật chất, nhân sự, nhà hát đã dàn dựng và biểu diễn nhiều tác phẩm tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu nghệ thuật như: Tai biến, Bệnh sĩ, Trong mưa thấy nắng, Lâu đài cát, Biệt đội Báo đen, Bão tố Trường Sơn; đặc biệt là các vở diễn kiệt tác của sân khấu và văn học như: Hamlet, Lão hà tiện, Kiều, Romeo và Juliet, Hồng Lâu Mộng.
Thứ trưởng Vương Duy Biên gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Cờ truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Gia Linh
Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật sân khấu nước nhà, Nhà hát Kịch Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cao quý.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, suốt 65 năm qua, ngành VHTTDL đã không ngừng phấn đấu, lập nên nhiều thành tựu nghệ thuật to lớn. Đóng góp vào thành công chúng đó có Nhà hát Kịch Việt Nam - một đơn vị nghệ thuật Trung ương - “cánh chim đầu đàn” - “Anh cả đỏ” của sân khấu kịch nói Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường, Nhà hát đã không ngừng nỗ lực, vượt khó khăn, vươn lên, lập thành tích xuất sắc trong việc sáng tác, biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu công chúng, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhà hát Kịch Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: Gia Linh
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Nhà hát đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất, đây là phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng. Ghi nhận và chúc mừng những thành tựu của Nhà hát 65 năm qua, để Nhà hát ngày càng phát triển vững mạnh và đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động nghệ thuật, Thứ trưởng đề nghị Lãnh đạo Nhà hát cần xây dựng được đề án phát triển Nhà hát giai đoạn mới; Phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đoàn kết, phấn đấu cùng khắc phục những khó khăn, vững bước đi lên trong cơ chế thị trường. Đồng thời xây dựng những tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao nhằm giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân trong nước, nêu cao vai trò nòng cốt trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật để mãi xứng đáng là “Con chim đầu đàn”, “anh cả đỏ” của nền kịch nói Việt Nam./.
Gia Linh